[Báo cáo] Thị trường đường năm 2021: Một năm khởi sắc của ngành mía đường
Năm 2021, giá đường trong nước đã liên tục tăng và đạt cao nhất là gần 20.000 đồng/kg vào tháng 9/2021, tăng khá mạnh so với mức 13.500 – 14.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm cững như mức 12.000-13.000 đồng/kg của năm 2020.
Nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan trong năm vừa qua.
Chính sách bảo hộ áp dụng lên đường Thái Lan đang tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn.
Trong khi đó, giá đường thế giới và trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2022 do thâm hụt nguồn cung và giá dầu thô có thể tiếp tục tăng.
Theo số liệu của Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), sản lượng đường toàn cầu có thể ghi nhận mức thâm hụt 2,6 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022 trong bối cảnh thời tiết bất lợi ở Brazil và sự cạnh tranh của ethanol với đường. Đối với mức tiêu thụ trên thế giới, Tổ chức ước tính mức tăng 1,2% trong niên vụ 2021-2022.
Các nhà phân tích của S&P Global Platts cũng ước tính thâm hụt cung - cầu trên thị trường đường thế giới trong niên vụ 2021-2022 là 1,5 triệu tấn.
Sản lượng toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ tăng 4,6 triệu tấn lên 183,4 triệu tấn, chủ yếu nhờ sản lượng phục hồi mạnh ở Thái Lan và EU. Tuy nhiên, sự gia tăng về sản lượng là không đủ để cân bằng thị trường đường toàn cầu bởi tiêu thụ đường dự kiến sẽ tăng 1,3% trong niên vụ 2021-2022 lên 184,9 triệu tấn.
Bất chấp những tác động tiêu cực sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tiêu thụ đường toàn cầu niên vụ 2021-2022 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ niên vụ 2015-2016, do nhu cầu dần phục hồi sau tác động của đại dịch.
Dự báo sơ bộ của FAO về thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 cũng cho thấy đây có thể là vụ thứ hai liên tiếp cán cân cung - cầu thắt chặt. Mặc dù sản lượng thế giới được dự báo sẽ phục hồi sau ba năm suy giảm, tuy nhiên vẫn được cho là sẽ giảm so với mức tiêu thụ toàn cầu. Do đó, lượng đường tồn kho toàn cầu được dự đoán sẽ giảm trong niên vụ 2021-2022.
FAO dự báo sản lượng đường thế giới niên vụ 2021-2022 đạt 173,7 triệu tấn, tăng 2,2% so với niên vụ 2020-2021. Sự tăng trưởng chủ yếu dựa trên kỳ vọng phục hồi sản xuất ở Liên minh châu Âu, Nga và Thái Lan. Triển vọng cũng thuận lợi ở Ấn Độ, trong khi ở Brazil, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, sản lượng được dự báo sẽ giảm vụ thứ hai liên tiếp.
Tiêu thụ đường toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi trong mùa vụ thứ hai liên tiếp với mức tăng 1,9% trong niên vụ 2021-2022 sau sự suy giảm do ảnh hưởng của COVID-19 trong niên vụ 2019-2020. Mức tăng dự kiến được củng cố bởi triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Trên sàn giao dịch ICE, giá đường thô năm 2021 có thời điểm leo lên mức đỉnh trong gần 5 năm vào giữa tháng 11/2021 với 20,5 cent/lb, tăng 33,3% so với đầu năm 2021 và cao hơn gấp 2 lần so với mức đáy của năm 2020.
Giá đường tăng trong năm vừa qua do thời tiết khô hạn kéo dài và băng giá ảnh hưởng đến cây mía tại Brazil – quốc gia cung cấp khoảng 50% lượng đường thế giới. Ngoài ra, giá dầu tăng mạnh thúc đẩy nhu cầu đối với ethanol từ mía, thu hút các nhà máy sản xuất nhiều nhiên liệu sinh học hơn thay vì chất làm ngọt.
Giá sau đó có phần hạ nhiệt và giảm xuống mức 18,8 cent/lb vào ngày 31/12/2021 do tâm lý lo ngại sự bùng phát của biến thể Omicron có thể làm giảm nhu cầu đường thế giới, trong khi tình hình sản xuất đường tương đối khả quan do nhiều nước đang bước vào vụ ép 2021-2022, đặc biệt là sản xuất của Ấn Độ và Thái Lan tăng lên.
Mặc dù vậy, theo dữ liệu của tradingeconomics.com về theo dõi giá đường 5 năm, mức giá đường thô thế giới từ tháng 7/2021 đến đầu tháng 1/2022 vẫn đang đứng ở mức cao nhất trong 4 năm gần đây (kể từ năm 2017).
Chi tiết báo cáo ngành đường năm 2021 tại đây: