Bài phát biểu ngầm chỉ trích Mỹ của ông Tập
VASEP: Chiến thanh thương mại Mỹ - Trung đem lại cơ hội xuất khẩu tôm sang Mỹ |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5/11 phát biểu tại Thượng Hải. Ảnh: AFP. |
Trong bài phát biểu được mong đợi tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế ở Thượng Hải ngày 5/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngầm chỉ trích Mỹ bằng những ngôn từ gay gắt như "thực thi luật rừng" và "bần cùng hóa láng giềng" (chính sách tìm kiếm lợi ích cho một quốc gia dựa trên việc làm tổn hại lợi ích các quốc gia khác). Đồng thời, ông không đưa ra bất kỳ đề xuất mới nào cho thấy ông sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Trump như dừng việc ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường Trung Quốc.
"Tất cả các nước nên cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh và giải quyết vấn đề của chính họ", ông Tập nói với hơn 3.600 công ty từ 172 quốc gia, khu vực và tổ chức. "Họ không nên lúc nào cũng tự tẩy trắng bản thân và đổ lỗi cho người khác hay hành động như chiếc đèn pin chỉ săm soi của những người khác mà không phải bản thân họ".
Mỹ hồi cuối tháng trước áp mức thuế 10% với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố mức thuế mới lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ. Trước đó, hai bên đã áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa của đối phương. Mỹ làm vậy nhằm gây sức ép để Trung Quốc thay đổi vì cho rằng Bắc Kinh có các hành động thương mại không công bằng như bán phá giá, trợ giá công nghiệp hay ăn cắp tài sản trí tuệ.
Đây là bài phát biểu về kinh tế tầm cỡ nhất của Tập Cận Bình từ hồi tháng 4. Trong khi Trump để mở khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận khi ông gặp ông Tập bên lề Hội nghị G20 ở Argentina cuối tháng này, hai bên vẫn còn nhiều khác biệt. Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã mong đợi bài phát biểu của ông Tập sẽ là bằng chứng cho thấy Trung Quốc nghiêm túc về việc thúc đẩy mở cửa kinh tế và muốn có một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại, tuy nhiên, họ đã thất vọng.
Sue Trinh, từ công ty tài chính RBC Capital Markets ở Hong Kong, cho biết: "Ông ấy lặp lại rất nhiều những kế hoạch chính sách mà chúng tôi đã nghe trong vài tháng qua. Thị trường dường như thích những tiêu đề như 'cắt giảm thuế nhập khẩu', nhưng thực tế kế hoạch này đã được công bố vào tháng 9".
Orville Schell, chuyên gia từ Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Hội đồng Châu Á ở New York nhận xét rằng không có đề xuất mới nào để hạ nhiệt căng thẳng thương mại và không có sự thừa nhận về mức độ nghiêm trọng của căng thẳng trong bài phát biểu của ông Tập.
"Trong 10-15 năm qua, Trung Quốc đã bỏ lỡ cơ hội rất tốt để cân bằng lại các mối quan hệ mà không gây ra tác động thảm khốc nào", học giả Mỹ nói, theo SCMP.
Schell nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã không nắm lấy cơ hội để làm cho quan hệ Mỹ - Trung thêm "đối ứng và cân bằng". Và nếu Trung Quốc không có những nỗ lực hiệu quả để cân bằng lại quan hệ song phương thì Tổng thống Trump vẫn giữ thái độ cứng rắn với nước này.
Chuyên gia cũng nhận định rằng khó có kết quả đáng kể nào từ cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập và ông Trump tại Argentina. "Chúng tôi không thấy hai bên có sự chuẩn bị cho bất kỳ thỏa thuận nào. Chúng tôi không thấy những người như phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson làm việc với nhau", ông nói.
Các cuộc khảo sát kinh doanh chỉ ra rằng một số công ty nước ngoài đang tìm kiếm việc chuyển đổi sản xuất hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Theo Schell, "bên chịu thiệt hại nhiều hơn sẽ là Trung Quốc".
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có cải thiện bảo hộ sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường tài chính hơn để giảm căng thẳng thương mại với Washington hay không, Fan Gang, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc trả lời rằng cải cách là cần thiết nhưng sẽ không đến nhanh.
"Cải cách có thể thay đổi quan điểm của phía bên kia, nhưng việc đó sẽ mất nhiều thời gian. Đây không phải là vấn đề ngắn hạn", ông nói.