Bài học từ thất bại của cử nhân 9X khởi nghiệp với bún đậu mắm tôm
Cử nhân kinh tế khởi nghiệp để giúp những người du lịch tự túc |
Bùi Minh Trung từng tốt nghiệp khoa Thẩm định giá - Kinh doanh bất động sản thuộc trường Đại học Tài chính - Maketing ở TP Hồ Chí Minh. Sinh ra và lớn lên ở Khánh Hoà, nhưng Trung có tình cảm đặc biệt với các món ăn miền Bắc. Khi còn là chàng sinh viên, anh đã ấp ủ ước mơ kinh doanh. Ước mơ tạo động lực để anh khởi nghiệp với ngành ẩm thực.
“Để có kinh nghiệm kinh doanh, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi xin làm việc tại các nhà hàng trong suốt 4 năm. Tôi thấy Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng. Các quán bún đậu mắm tôm mọc như nấm ở TP Hồ Chí Minh, nhưng lại không phổ biến ở Đà Nẵng, trong khi nơi này có rất nhiều tiềm năng. Vì vậy tôi quyết định chọn Đà Nẵng là nơi thực hiện ý tưởng kinh doanh” anh chàng sinh năm 1991 kể.
Bùi Minh Trung, ông chủ Cuội quán ở Đà Nẵng. Ảnh: Minh Trung |
Năm 2015, Trung về Đà Nẵng mở Cuội quán. Thực đơn chính của quán do anh thiết kế, gồm bún đậu mắm tôm, nướng ngói, lẩu kim chi và chân gà sả ớt.
“Bún đậu mắm tôm là món ăn đơn giản, dân dã trong ẩm thực miền Bắc. Người ta coi nó như bữa ăn nhẹ, ăn chơi. Thành phần chính gồm bún tươi, đậu phụ rán vàng, chả cốm, nem chua, mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm với các loại rau thơm như tía tô, kinh giới, rau húng, xà lách, cà pháo. Cũng như các món ăn dân gian khác, giá bún đậu mắm tôm rẻ nên giới bình dân ưa chuộng. Thu nhập của những người bán những món ăn như thế khá cao”, Trung nói.
Thời gian đầu, việc kinh doanh không huận lợi do Trung chưa am hiểu thị trường, không nắm rõ sở thích cũng như khẩu vị của người dân địa phương. Vì vậy các món ăn ở quán không hợp vị với người dân địa phương. Trung chịu lỗ trong hơn một năm.
Cuội quán tự chế biến nguyên liệu để bảo đảm an toàn thực phẩm và tạo hương vị riêng. Ảnh: Minh Trung |
“Sai lầm lớn nhất của tôi khi kinh doanh quán ăn là làm món theo khẩu vị của bản thân và bắt thị trường phải chấp nhận nó” ông chủ Cuội quán tâm sự.
Để thay đổi chiến lược kinh doanh, Trung tiếp tục tìm hiểu thị trường, điều chỉnh khẩu vị để phù hợp với mọi người. Bên cạnh đó, anh còn đưa nhiều chương trình khuyến mãi hỗ trợ khách hàng.
“Muốn biết thị trường và khẩu vị của người dân, tôi thường đi ăn các món ăn ở Đà Nẵng. Sau hơn một năm tôi mới nhận ra khậu vị của họ” Trung chia sẻ.
Giá một suất bún đậu mắm tôm ở Cuội quán dao động từ 25.000 đồng đến 90.000 đồng. Ảnh: Minh Trung |
Mỗi khi khách đến quán, Trung thường hay bắt chuyện với họ để tạo thiện cảm và có thông tin để điều chỉnh các món ăn theo hướng hợp lý.
Nhờ thay đổi chiến lược kinh doanh, số lượng khách đến Cuội quán tăng dần. Không chỉ thế, họ còn giới thiệu bạn bè đến với quán. Chỉ sau một năm, chàng trai đến từ Khánh Hòa nhanh chóng lấy lại nguồn vốn ban đầu.
Giá ở Cuội quán dao động từ 25.000 đồng đến 90.000 đồng tùy theo món. Các nguồn nguyên liệu làm nên món đều do quán làm để vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa tạo nên mùi vị đặc trưng riêng biệt so với các cơ sở bún đậu mắm tôm khác.
“Tôi thấy phần lớn cơ sở kinh doanh ẩm thực thất bại vì hai lý do: Món ăn của họ ngon, nhưng họ không đầu tư về marketing, nên nhiều người không biết về họ, và yếu tố thứ hai là họ mạnh về quảng cáo nhưng chất lượng sản phẩm thì lại không tốt nên khách không muốn đến lần thứ hai”, Trung bình luận.
Mới đây anh Trung còn khai trương thêm một quán cafe Hẻm Cuội mang đặc trưng không khí thời bao cấp.
Xem thêm |