Bắc Kinh tiếp tục mở họp báo, hứa hẹn sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án địa ốc trong 'danh sách trắng'
Giải cứu lĩnh vực bất động sản
Sáng ngày 17/10, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc Ni Hong đã tổ chức họp báo cùng các quan chức từ Bộ Tài chính, ngân hàng trung ương (PBoC) và Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NFRA).
Bộ trưởng Ni Hong cho biết chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các dự án bất động sản nằm trong “danh sách trắng”, đồng thời đẩy nhanh hoạt động vay vốn của các dự án này.
Danh sách trắng là sổ đăng ký chi tiết các dự án bất động sản hoặc nhà phát triển bất động sản đã được xác định là tuân thủ các quy định và do đó đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính.
Các dự án hoặc nhà phát triển này được ưu tiên phân bổ khoản vay và các nguồn tài trợ khác để đảm bảo họ có thể tiếp tục xây dựng và đáp ứng thời hạn giao nhà cho khách hàng.
Theo một quan chức của NFRA, cho đến nay các ngân hàng đã phê duyệt tổng cộng 2.230 tỷ nhân dân tệ khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản nằm trong danh sách trắng.
Con số đó dự kiến sẽ vượt quá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 561,8 tỷ USD) vào cuối năm nay, vị quan chức ước tính.
Đây là sự kiện mới nhất trong một loạt các cuộc họp báo cấp cao về chính sách kinh tế của giới chức Trung Quốc kể từ cuối tháng 9.
Nhà đầu tư coi các gói kích thích gần đây là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh cuối cùng cũng đã vào cuộc để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như giải cứu lĩnh vực bất động sản vẫn đang chìm trong khủng hoảng.
Trước đó, tại một cuộc họp báo vào tháng 5, Bộ trưởng Ni nhấn mạnh với các phóng viên rằng những nhà phát triển “phải phá sản thì nên chấp nhận phá sản hoặc tái cơ cấu”.
Hồi cuối tuần trước, các quan chức Bộ Tài chính thông báo họ sẽ cho phép chính quyền các địa phương phát hành thêm trái phiếu đặc biệt để mua đất và triển khai trợ cấp nhà ở xã hội đối với tồn kho nhà ở hiện tại, thay vì chỉ xây dựng mới.
Sau thông tin trên, cổ phiếu bất động sản Trung Quốc tăng vọt trong phiên giao dịch ngày 14/10. Chỉ số đại diện các cổ phiếu bất động sản đại lục của Hang Seng đi lên hơn 2%. Bất động sản cũng là lĩnh vực tăng mạnh trong chỉ số CSI 300, đi lên gần 5%.
Trong vài ngày sau đó, giá cổ phiếu biến động trái chiều khi các nhà đầu tư có quan điểm khác nhau về việc liệu chính phủ có tung ra biện pháp kích thích cần thiết hơn để thúc đẩy tăng trưởng hay không.
Trước thềm cuộc họp báo ngày 17/10, thị trường chứng khoán đã tăng trở lại, cho thấy một số nhà đầu tư hy vọng rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra một số chính sách cụ thể.
Các động thái trước đó
Vào cuối tháng 9, Thống đốc PBoC Pan Gongsheng đã thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng 50 điểm cơ bản. Ông cho biết PBoC cũng sẽ giảm mức thanh toán tối thiểu ban đầu cho căn nhà thứ hai trên toàn quốc từ 25% xuống 15%.
Vài ngày sau, trong một cuộc họp cấp cao do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, các quan chức đã cam kết sẽ “ngăn chặn đà suy yếu của thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường phục hồi”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn số liệu của Bộ Nhà ở cho biết hơn 50 thành phố trên khắp cả nước đã công bố các chính sách để vực dậy thị trường bất động sản.
Trước kỳ nghỉ lễ quốc khánh, thành phố Quảng Châu tuyên bố sẽ dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc mua nhà.
Tương tự, chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến cũng có động thái nới lỏng các hạn chế mua nhà đối với khách hàng không phải người dân địa phương, đồng thời hạ tỷ lệ thanh toán tối thiểu ban đầu.
Hàng loạt biện pháp mới được triển khai sau khi các chính sách trước đó không mang lại nhiều ý nghĩa. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia, trong tháng 8, giá nhà mới đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 9 năm.
Ngoài ra, giá trị nhà mới bán ra đã sụt khoảng 23,6% trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ cải thiện một chút so với mức giảm 24,3% tính đến tháng 7.
Ngành bất động sản - từng chiếm hơn một phần tư nền kinh tế Trung Quốc - đã rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc kể từ năm 2021, khi Bắc Kinh triển khai các chính sách để kiểm soát hành vi vay nợ của doanh nghiệp.
Sau đó, một loạt các nhà phát triển lớn, bao gồm những cái tên hàng đầu như Evergrande và Country Garden, bị đẩy đến cảnh vỡ nợ và bỏ dở nhiều dự án. Điều đó đã sa sút nghiêm trọng niềm tin của người mua nhà.