|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hạ lãi suất, Trung Quốc sẽ càng làm hại nền kinh tế?

14:15 | 14/10/2024
Chia sẻ
Sau khi Trung Quốc giảm lãi suất, các doanh nghiệp có thể sẽ tăng cường sản xuất nhưng người tiêu dùng vẫn ngần ngại chi tiêu, khiến sự cạnh tranh về giá càng thêm khốc liệt và gây ra áp lực giảm phát.

Người dân đi qua trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). (Ảnh: Reuters).

Khác biệt với Mỹ

Trong vài tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã công bố loạt biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh nước này có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoc) đã cắt giảm nhiều loại lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và cung cấp thêm thanh khoản cho thị trường chứng khoán. Các quan chức cũng ra tín hiệu sẽ trợ giúp thị trường bất động sản và vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương, tờ Fortune cho biết. 

Song, chính phủ vẫn chưa công bố một gói tài khóa lớn có thể khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu, vực dậy nhu cầu. Sau khi bong bóng bất động sản xẹp vài năm trước, người tiêu dùng Trung Quốc trở nên ngần ngại chi tiêu và các dấu hiệu về giảm phát bắt đầu xuất hiện. Dù vậy, cho đến nay Trung Quốc vẫn không trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng.

Thay vì phát tiền trực tiếp cho dân như những gì Mỹ đã làm trong thời đại dịch, Trung Quốc tiếp tục sử dụng chiến lược cũ là ưu tiên sản xuất công nghiệp hơn tất thảy, “xả” lượng lớn sản phẩm dư thừa ra thị trường trong nước và quốc tế. 

 

Nếu không có thêm sự trợ giúp để kích thích nhu cầu, các đợt cắt giảm lãi suất của PBoC có nguy cơ khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn thông qua việc khuếch đại giảm phát.

Một trong những nguyên nhân chính là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào sản xuất và đầu tư nhiều hơn tiêu dùng, khác với Mỹ.

Do đó, các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể thúc đẩy người Mỹ vay nợ nhiều hơn để sắm sửa ô tô hay những món hàng đắt tiền khác, động thái của PBoC lại không có tác dụng tương tự.

Dư thừa hàng hóa

Giáo sư Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh giải thích rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc chủ yếu hướng đến phía cung của nền kinh tế. Tín dụng thường đi từ doanh nghiệp, các công ty thuộc sở hữu nhà nước, chính quyền địa phương và chính quyền trung ương tới cơ sở hạ tầng, bất động sản và sản xuất.

Cung tiền gia tăng dẫn đến việc sản lượng của doanh nghiệp đi lên, tiếp đến các doanh nghiệp lại phải tăng cường cạnh tranh nhau về giá bán.

Ông Pettis nhận xét: “Đó có lẽ là lý do khiến môi trường lạm phát cao trên toàn cầu cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng và tiền tệ nhanh chóng của Trung Quốc khiến nước này rơi vào tình trạng giảm phát, chứ không phải lạm phát”.

Trong cuộc phỏng vấn vào đầu tháng 8 với CNBC, ông Pettis cũng đề cập đến vấn đề nhu cầu của Trung Quốc. Vị giáo sư cho biết các hộ gia đình Trung Quốc ngại mở ví là do họ chứng kiến thu nhập tăng trưởng chậm chạp và triển vọng của nền kinh tế không rõ ràng. Trong khi đó, ở phía cung, các nhà sản xuất Trung Quốc cạnh tranh rất gay gắt do thu nhập của các hộ gia đình suy yếu. 

Gần đây, bà Zongyuan Zoe Liu, học giả về Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, cũng đã cảnh báo về tình trạng dư thừa sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trên tạp chí Foreign Affairs.

Bà cảnh báo: “Ở nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, Trung Quốc đang tạo ra nhiều sản lượng hơn hẳn những gì thị trường nội địa và quốc tế có thể hấp thụ một cách bền vững.

Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ mắc kẹt trong vòng xoáy tai hại của giá cả sụt giảm, doanh nghiệp vỡ nợ, nhà máy đóng cửa và người lao động mất việc”.

Bà Liu giải thích kỹ hơn rằng khi biên lợi nhuận thu hẹp, doanh nghiệp sẽ nâng sản lượng và hạ giá bán nhằm tạo ra đủ tiền mặt để trả nợ nần. Xu hướng trên dẫn đến việc hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc gây bất ổn cho thị trường toàn cầu, buộc nhiều nước phải phản ứng bằng cách nâng cao hàng rào thuế quan.

Bà Liu cảnh báo thị trường nội địa Trung Quốc cũng đang ngập trong sản lượng dư thừa và sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp, điều đó có nguy cơ đẩy nền kinh tế và vũng lầy giảm phát.

Bà nói thêm: “Tương tự, lĩnh vực thương mại điện tử sôi động của Trung Quốc có thể gợi ý vô số lựa chọn cho người tiêu dùng nhưng trên thực tế, các nền tảng lớn như Alibaba, Pinduoduo và Shein đều đang cạnh tranh quyết liệt để bán những sản phẩm giống nhau”.

Giang

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.