TMĐT giá rẻ như Temu càng lên ngôi, tình trạng giảm phát của Trung Quốc càng trầm trọng?
Vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả
PDD, chủ sở hữu của nền tảng thương mại điện tử Temu và Pinduoduo, thành lập vào năm 2015. Chỉ sau 9 năm hoạt động, PDD đã có thể đe dọa đàn anh Alibaba cả về quy mô bán lẻ lẫn vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Tờ Financial Times cho biết PDD đã vài lần vượt mặt Alibaba để trở thành công ty Trung Quốc giá trị nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Temu là thương hiệu mà PDD lập để mở rộng ra thị trường nước ngoài. Nền tảng mua sắm này đã gây ra cơn sốt với người tiêu dùng Mỹ trong vài năm qua và đang có động thái chuẩn bị ra mắt tại Việt Nam.
- TIN LIÊN QUAN
-
Temu, Shein ồ ạt bán hàng giá rẻ vào Việt Nam 19/10/2024 - 07:17
Ở quê nhà, PDD thống trị thị trường thương mại điện tử bằng Pinduoduo. Trong lần công bố số liệu gần nhất, PDD cho biết họ đã phục vụ hơn 870 triệu khách hàng và 13 triệu thương nhân.
PDD tuyên bố các thương nhân hợp tác với họ chiếm 1/3 tổng lưu lượng bưu kiện trong nước, tương ứng hàng chục tỷ gói hàng mỗi năm.
Theo tờ New York Times, Pinduoduo là minh chứng rõ ràng nhất của tình trạng giảm phát tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Người tiêu dùng đổ xô đến ứng dụng này để được hưởng mức giá thấp đáng kinh ngạc, kết quả từ quyết tâm theo đuổi chiến lược giá rẻ của Pinduoduo.
Pinduoduo là lựa chọn hàng đầu cho những người tiêu dùng Trung Quốc đang cố gắng chắt chiu từng đồng.
Cuộc khủng hoảng bất động sản và thị trường lao động khó khăn đang thúc đẩy người Trung Quốc giảm chi tiêu và tăng cường tiết kiệm. Giá cả nhiều hàng hóa đồng loạt giảm sút, đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống.
Chỉ số giảm phát GDP của Trung Quốc - thước đo về giá cả trên toàn nền kinh tế - đã giảm 5 quý liên tiếp, đánh dấu chuỗi sụt giảm dài nhất trong 25 năm. Áp lực giảm phát là một trong những mối đe dọa có thể khiến Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2024.
Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng của Bắc Kinh trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào hỗ trợ sản xuất và đầu tư.
Nhờ vậy mà các nhà máy vẫn đang vận hành trơn tru, nhưng chiến lược này lại gây ra tình trạng dư thừa hàng hóa ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Nguồn cung dư thừa lại khiến giá cả duy trì ở mức thấp.
Đây chính là lúc vai trò của Pinduoduo trở nên quan trọng. Do ngày càng nhiều người Trung Quốc mua sắm trực tuyến, chiến lược giảm giá mà Pinduoduo sử dụng và những sàn thương mại điện tử đang cố gắng bắt chước thành công của Pinduoduo đã góp phần khiến giảm phát càng trở nên trầm trọng.
Ngân hàng HSBC cho biết khoảng 60% người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua thương mại điện tử, chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu bán lẻ.
Ông Donald Low, Giáo sư thực hành chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, bình luận: “Pinduoduo vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân của giảm phát”.
Cuộc đua giảm giá
Hầu hết mọi nhà bán lẻ đều theo dõi giá của nhau và sau đó tự điều chỉnh bằng cách sử dụng phương thức định giá động, tức thay đổi giá theo điều kiện thị trường.
Giáo sư Alberto Cavallo của Trường Kinh doanh Harvard cho biết trái với suy nghĩ thông thường, thương mại điện tử không giữ cho giá cả thấp mà chỉ khiến giá trở nên nhạy cảm hơn với các cú sốc kinh tế.
Theo ông Cavallo, Trung Quốc đang trải qua tình trạng này. Cú sốc từ sự sa sút kinh tế gây áp lực đè nặng lên giá cả và hiệu ứng này lại bị đẩy nhanh bởi các nền tảng thương mại điện tử.
Thành công của Pinduoduo đã thúc đẩy hai đối thủ lớn nhất là Alibaba và JD.com tham gia vào cuộc đua hạ giá.
Năm ngoái, trang mua sắm của Taobao khởi động chiến dịch đánh giá người bán dựa trên mức giá mà họ cung cấp so với các nền tảng thương mại điện tử khác, theo truyền thông Trung Quốc. Những người bán có giá tốt hơn sẽ có lượng truy cập lớn hơn và sản phẩm cũng dễ hiển thị tới người tiêu dùng hơn.
Ngoài thị trường trong nước, các sàn thương mại điện tử Trung Quốc cũng tích cực mở rộng ra nước ngoài.
Gần đây, ứng dụng Viettel Post đã tạo một chức năng mới mang tên Vipo Mall nhằm hỗ trợ giao dịch trên các nền tảng như Taobao, 1688, Pinduoduo và JD.com.
Để bảo vệ người bán trên các sàn điện tử, hồi tháng 5 giới chức trách Trung Quốc đã áp dụng quy định mới để ngăn các nền tảng áp đặt “những hạn chế vô lý” đối với giá cả, quy tắc giao dịch và lưu lượng truy cập của người bán.
Cô Lulu Qi sống ở Thâm Quyến bắt đầu bán phụ kiện quần áo, khăn tắm, ốp điện thoại và cáp sạc trên Pinduoduo từ năm 2018. Tuy nhiên, cô cho biết đòi hỏi của nền tảng này đã trở nên quá nhiều.
Pinduoduo liên tục đề nghị sẽ thu hút khách hàng tiềm năng đến với các sản phẩm của cô Qi nếu cô đáp ứng được mức giá đề xuất của ứng dụng. Nhưng cô không thể làm thế vì mức giá đó thấp hơn nhiều giá vốn. Cô cho biết: “Tôi không thể kinh doanh ở mức giá đó”.
Pinduoduo cũng có những chính sách khác khiến người bán khó kiếm tiền hơn. Người mua không hài lòng với sản phẩm có thể yêu cầu hoàn tiền mà không cần trả lại hàng. Điều này xảy ra với khoảng 5 lần một ngày với cô Qi. Tuy nhiên, các thương nhân vẫn cố bám trụ với Pinduoduo vì khách hàng của nền tảng này khá trung thành.