Bị 'cấm vận' ở Đông Nam Á, Temu vẫn băng băng dẫn đầu tại Mỹ
Nền tảng thương mại điện tử Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings (Trung Quốc), tiếp tục dẫn đầu danh sách ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất trên kho ứng dụng iOS tại Mỹ năm thứ hai liên tiếp, khẳng định đà thăng hoa của các ứng dụng Trung Quốc trên thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, theo CNBC.
Cùng trong bảng xếp hạng, TikTok (thuộc ByteDance) giữ vị trí thứ ba bất chấp những nghi ngờ về tương lai hoạt động tại Mỹ, trong khi đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Temu là Shein đứng thứ 12.
Theo số liệu từ StatCounter, hệ điều hành iOS chiếm hơn 56% thị phần thị trường điện thoại tại Mỹ.
Ra mắt thị trường Mỹ vào năm 2022, Temu gây sụt với chiến lược bán hàng giá rẻ và đầu tư mạnh cho quảng cáo. Điều này đã tăng áp lực đáng kể lên các ông lớn bán lẻ như Amazon tại Mỹ.
Tuy nhiên, thành công này đã khiến Temu trở thành đích ngắm trong mắt giới chính trị Mỹ. Temu hiện đang đối mặt với nguy cơ bị kiểm soát gắt gao và tác động từ các mức thuế quan mà chính quyền Mỹ áp xuống.
Vào tháng 9 năm nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đề xuất điều chỉnh cấp bách với quy định "de minimis" đã tồn tại lâu nay. Quy định này cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với các lô hàng trị giá dưới 800 USD, lợi thế mà Temu và Shein đang tận dụng.
Các chuyên gia nhận định, nếu Temu và Shein mất đi quyền miễn thuế này, chi phí sẽ tăng vọt, đánh mất đi lợi thế giá rẻ và sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang gây lo ngại lớn cho doanh nghiệp Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất áp thuế quan từ 60% tới 100% đối với hàng hóa Trung Quốc, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ mức thuế này có được thực thi hay không.
Đông Nam Á siết chặt quản lý hàng hoá Temu
Không chỉ tại Mỹ, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc cũng đang vấp phải sự phản ứng quyết liệt tại các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam và Indonesia đã áp dụng các biện pháp thuế chống bán phá giá nhằm bảo vệ thị trường nội địa. Trong khi đó, Thái Lan gần đây công bố kế hoạch giám sát chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu giá rẻ.
Việt Nam đã cấm Temu hoạt động chỉ sau hai tháng công ty này đặt chân vào thị trường, cho thấy sự cứng rắn trong chính sách bảo vệ nền kinh tế trong nước.
Theo báo cáo triển vọng toàn cầu của Nomura công bố gần đây, các nhà kinh tế của hãng nhận định việc điều chỉnh quy định "de minimis" sẽ là ưu tiên thương mại hàng đầu trong nhiệm kỳ mới của chính quyền ông Trump, chỉ sau việc tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Báo cáo cũng cảnh báo, nếu Mỹ cấm hoàn toàn hàng nhập khẩu được miễn thuế "de minimis" từ Trung Quốc, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc có thể giảm 1,3%, kéo theo GDP giảm 0,2%.
Sự thành công của Temu tại Mỹ đang đứng trước những thách thức lớn. Với việc bị siết chặt thuế quan, mất đi lợi thế cạnh tranh về giá và sự giám sát ngày càng chặt chẽ của chính phủ Mỹ, tương lai của Temu và các ứng dụng thương mại điện tử Trung Quốc sẽ còn đối diện nhiều biến động trong thời gian tới.