|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khách hàng ngồi trên đống lửa khi tiền bị treo trên Temu, sàn dừng hoạt động bất ngờ

15:33 | 05/12/2024
Chia sẻ
Temu im lặng về vấn đề bảo vệ quyền lợi người mua hàng cũng như các đối tác tham gia tiếp thị liên kết.

Cuối tháng 10, Temu “chào sân” tại thị trường Việt Nam. Vài ngày sau, nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới này nhanh chóng tạo ra cơn sốt truyền thông và kích thích sự tò mò của người tiêu dùng một cách cuồng nhiệt.  

Có những thời điểm, từ khóa "Temu Affiliate" đã thu hút hơn 22.000 lượt thảo luận trên Facebook. Dữ liệu từ Google Trends ghi nhận sự gia tăng đột biến về lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan như "temu.to", "temu affiliate login", "temu affiliate vietnam" và nhanh chóng đạt trạng thái "break out", tức mức đột biến vượt qua ngưỡng tìm kiếm trung bình.

Temu đưa ra mục tiêu là giúp người tiêu dùng "mua sắm như tỷ phú". (Ảnh: Hoàng Dung).

Sức hút của Temu đến từ việc hàng hoá được cung cấp với giá rất rẻ, chủ yếu được bán trực tiếp từ nhà máy sản xuất tới tay người tiêu dùng.

Họ có khẩu hiệu “mua sắm như tỷ phú” và giao mọi đơn hàng không có mức sàn, trần về giá trị. Đơn chỉ cần tối thiểu 120.000 đồng để miễn phí vận chuyển. Hàng hoá sẽ về tay khách hàng chỉ sau 3-5 ngày, tương đương với tốc độ giao hàng nội địa, thậm chí là nhanh hơn.

Ngoài ra, người dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng sẽ nhận được 50.000 đồng vào tài khoản khi mua hàng. Nếu chia sẻ đường dẫn (link) đăng ký tài khoản của mình cho người khác và họ sử dụng link đó để đăng ký sẽ nhận thêm 150.000 đồng. Số tiền thưởng có thể cao hơn nhiều nếu mời được người có lượng theo dõi lớn trên các nền tảng mạng xã hội.

Không dừng lại đó, khách hàng có thể giới thiệu những sản phẩm bán trên sàn và nhận về hoa hồng chia sẻ từ doanh thu của người bán, tối đa 30%. Nếu thành viên cấp dưới có thêm đối tác, người bậc trên hưởng tiếp 20% hoa hồng.

Nhìn chung, “miếng bánh” Temu đưa ra khá hấp dẫn nhưng để người dùng tiến tới bước thưởng thức vốn dĩ không hề dễ dàng. Người giới thiệu chỉ có thể nhận được hoa hồng khi khách hàng mua đơn hàng đầu tiên trong 60 ngày.

Bên cạnh đó, sàn còn yêu cầu thanh toán trước khi nhận hàng qua thẻ tín dụng hay Apple Pay sẽ làm khó người dùng ở Việt Nam, khi họ đã quen với việc thanh toán khi nhận hàng (COD).

Chính sách mua hàng của sàn cũng thay đổi liên tục. Từ việc không có mức sàn và trần về giá trị, Temu đã ra quy định, người dùng người dùng chỉ có thể chốt đơn với giá trị tối thiểu 887.000 đồng và không quá 1 triệu đồng/lần mua.

Kể từ đầu tháng 12, nhiều người người dùng ở Việt Nam phản ánh đơn hàng đặt từ tháng 11 trên sàn thương mại điện tử Temu đến nay vẫn chưa được giao. Sàn cũng không có thông báo chi tiết đến khách hàng.

Trên các hội nhóm liên quan đến Temu, không còn cảnh các tài khoản khoe nhau nhận hàng, nhận hoa hồng mà thay vào đó là là các câu hỏi về thông tin vận chuyển, đã hoàn tiền cho người dùng hay chưa. Từ sự háo hức chuyển dần sang thất vọng là tâm trạng của nhiều người.

Khách hàng yêu cầu hoàn tiền sau nhiều ngày hàng chưa về tay. 

Anh Khổng Việt (Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra khá sốt ruột khi 6 triệu tiền hàng của anh vẫn chưa được hoàn lại và vẫn bị treo trên sàn.

Anh Việt đặt mua 6 đơn hàng, mỗi đơn gần 1 triệu đồng từ ngày 18/11. Theo dự kiến, anh sẽ nhận được hàng sau 5 ngày đặt đơn nhưng anh chờ mãi vẫn không thấy hàng đâu. Tối 4/12, anh bấm hoàn tiền thì được sàn chấp nhận yêu cầu nhưng trên thực tế tiền chưa về tài khoản ngay.

Trong cùng khoảng thời gian này, một số khách hàng còn cho biết nhận được thông báo gói hàng đã đặt mua có thể bị mất và người mua có thể hoàn lại tiền do đã thanh toán trước. Thời gian thanh toán chưa được cung cấp cụ thể.

Hiện tại, Temu đã chuyển hoàn toàn ngôn ngữ giao diện từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Người dùng tại Việt Nam chỉ có 3 lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp.

Một trong những lý do khiến Temu hiển thị ngôn ngữ tiếng Việt là Temu chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam. Chiều 4/12, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết vẫn đang tiến hành rà soát hồ sơ đăng ký hoạt động thương mại điện tử của sàn này nên đã yêu cầu Temu tạm dừng hoạt động.

Đến nay, Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần 2 và cơ quan quản lý đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ theo quy định.

Phản hồi chúng tôi, phát ngôn Temu khẳng định doanh nghiệp đã nộp đầy đủ các giấy tờ cần thiết để đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Đơn vị này nêu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. 

Tuy nhiên, phía sàn thương mại điện tử này đã không bình luận trước câu hỏi về kế hoạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng đã đặt mua hàng nhưng chưa nhận được, cũng như quyền lợi của các nhà tiếp thị liên kết tại Việt Nam.

Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, Cục cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối người tiêu dùng tại Việt Nam.

Hoàng Dung

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.