Vì sao thương mại điện tử nên ngừng 'đốt tiền' và tập trung vào khách hàng trung thành?
Với một số công ty đang hoạt động trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử nhiều khi lại khiến họ gặp khó, theo Tech in Asia.
Với sự chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến, nhiều trang web thương mại điện tử đã nhận thấy sự quan tâm của người tiêu dùng trên toàn khu vực tăng lên. Tại Singapore, lưu lượng truy cập vào các trang web thương mại điện tử trong năm 2020 cao hơn 35% so với năm trước. Mức tăng tương tự trong cùng kỳ tại Philippines và Việt Nam lần lượt là 21% và 19%.
Với sự phát triển nhanh chóng, hàng loạt trang web và công ty thương mại điện tử đã mọc lên trong vài năm qua tại khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, Việt Nam ước tính có khoảng 51.300 trang web thương mại điện tử tính đến hiện tại. Việc có nhiều đơn vị mới được thành lập sẽ khiến tỷ lệ cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử tăng cao.
Để vượt qua những rào cản đó, các công ty trong khu vực sẽ cần phải thay đổi chiến lược, hướng tới lòng trung thành của khách hàng, một sự thay đổi mà các công ty trong ngành như Alibaba đã đạt được trong các sự kiện lớn như “Ngày lễ độc thân 11/11”.
Thu hút khách hàng mới
Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử khi xu hướng mua sắm trực tuyến bùng nổ là thu hút khách hàng mới. Việc thu hút khách hàng luôn là điều mà các công ty thương mại điện tử phải nỗ lực hướng tới, nhưng không dễ để họ có thể làm được trong những năm gần đây.
Tốc độ tăng trưởng người dùng internet mới ở Đông Nam Á đang chậm lại. Từ năm 2021 đến năm 2022, số người dùng truy cập trực tuyến lần đầu tiên chỉ tăng 4%. Con số này thấp hơn đáng kể so với giai đoạn một năm trước đó, vốn ghi nhận mức tăng vọt 10%.
Điều này có nghĩa là các bên liên quan đến thương mại điện tử trong khu vực đang phải đối mặt với một vấn đề kép: Có nhiều đối thủ cạnh tranh đang tranh giành cùng một nhóm người tiêu dùng kỹ thuật số với tộc độ tăng trưởng chậm lại.
Tập trung vào khách hàng trung thành
Để giải quyết vấn đề này, các công ty thương mại điện tử trong khu vực cần tập trung vào lòng trung thành của khách hàng.
Về vấn đề này, Alibaba đã giúp các thương gia trên nền tảng của mình thu hút và phát triển cơ sở khách hàng dựa trên lòng trung thành của họ. Tính đến tháng 6, công ty đã cố gắng giữ chân 98% khách hàng từng chi hơn 10.000 nhân dân tệ (1.400 ƯSD) trong 12 tháng trước đó.
“Chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng thành lòng trung thành của khách hàng là chìa khóa để tạo ra lợi tức đầu tư tốt nhất”, Chui Xue, chủ tịch trung tâm điều hành và phát triển ngành của Taobao và Tmall, Tập đoàn Alibaba, cho biết.
Theo báo cáo từ business.com, khách hàng cũ chi tiêu nhiều hơn tới 67% so với khách hàng mới. Do đó, cả nền tảng và người bán nên tìm cách tận dụng lượng khách hàng trung thành để tăng doanh số bán hàng thay vì cố gắng tập trung giới thiệu những khách hàng mới.
Thiết lập các chương trình hội viên
Các chương trình hội viên là giải pháp hữu hiệu giúp thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng. Theo một nghiên cứu của Nielsen, 84% khách hàng có nhiều khả năng tiếp tục mua sắm với một thương hiệu cung cấp chương trình khách hàng thân thiết.
Các chương trình này cũng giúp nhiều thương hiệu tạo ra thông tin chi tiết về khách hàng, cho phép họ tạo ra các phần thưởng phù hợp hơn với nhu cầu của hội viên. Điều này cũng giúp người bán tạo ra cơ sở khách hàng trung thành lớn hơn.
Một số người bán có thể thưởng cho các thành viên bằng cách giảm giá thêm cho một số mặt hàng nhất định, trong khi những người khác chọn cung cấp giá trị bổ sung thông qua các hình thức khác.
Ví dụ, Royal Canin, một thương hiệu thức ăn cho thú cưng, thường xuyên chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về việc nuôi thú cưng với 1,6 triệu thành viên trên nền tảng thương mại điện tử của Alibaba.
“Đối với một số công ty, những chương trình này đã trở thành nền tảng quan trọng trong việc “thu hút người dùng mới, xây dựng sự tương tác và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu trữ hồ sơ. Chương trình thành viên của thương hiệu trên Tmall đã trở thành động lực tăng trưởng cho sự phát triển lâu dài và ổn định của thương hiệu”, Claire Sun, phó giám đốc tiếp thị tại Royal Canin cho biết.
Các chương trình hội viên cũng giúp gia tăng độ tin cậy của các thương hiệu, qua đó giúp các doanh nghiệp nâng cao doanh số. Một cuộc khảo sát từ Bain & Company cho thấy các chương trình hội viên là lý do phổ biến thứ ba để khách hàng trung thành giới thiệu sản phẩm cho bạn bè hoặc đồng nghiệp.
Các nền tảng thương mại điện tử lớn như Alibaba đã cam kết sử dụng các chương trình khách hàng thân thiết như một chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng liên tục, điều này sẽ đóng vai trò là tiêu chuẩn tích cực và củng cố cho các doanh nghiệp Đông Nam Á muốn làm điều tương tự.
Lãnh đạo Taobao và Tmall, Chui Xue cho biết: “Đông Nam Á là một khu vực đang phát triển nhanh chóng, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh số cho nhiều người bán hàng. Chúng tôi tin chắc rằng nơi đây là nguồn tăng trưởng đáng tin cậy cho người bán trên nền tảng của chúng tôi về lâu dài:.