|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại điện tử còn nhiều thách thức, tốc độ phát triển nhanh nhưng quy mô rất khiêm tốn

15:51 | 31/10/2022
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ phát triển của ngành TMĐT ở Việt Nam nghe thì lớn nhưng giá trị lại không nhiều. Tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Internet Việt Nam đạt 28%, cao nhất Đông Nam Á nhưng quy mô toàn ngành đến nay mới đạt 22 tỷ USD.

Nêu ra những thách thức đối với ngành thương mại điện tử ở Việt Nam tại Hội thảo phát triển nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 31/10, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, TMĐT ở Việt Nam hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đây là ngành cạnh tranh rất khốc liệt, nhiều sàn TMĐT lớn đã phải phá sản, dừng hoạt động và nếu không có sự khuyến khích, hỗ trợ từ Chính phủ, trong thời gian tới nhiều sàn TMĐT lớn cũng không "trụ" được, ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, tốc độ phát triển của ngành TMĐT ở Việt Nam nghe thì lớn nhưng giá trị lại không nhiều. Hiện, trung bình mỗi năm kinh tế internet của Việt Nam được dự báo tăng trưởng đến 28%. Đây cũng là mức tăng trưởng được dự báo cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quy mô toàn ngành TMĐT Việt Nam đến năm 2022 hiện mới đạt 22 tỷ USD, đến năm 2025, dự báo quy mô đạt 49 tỷ USD.

Ông Hưng cho rằng, thách thức với ngành TMĐT Việt Nam là rất lớn, hiện chủ yếu dựa vào vốn đầu tư nước ngoài chứ doanh nghiệp trong nước chưa phát triển được. Đến nay, chưa có sàn TMĐT nào hoạt động được quá 10 năm, xu hướng phát triển mạnh mẽ và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành này khiến chưa có doanh nghiệp nào tồn tại được lâu dài, ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, TMĐT Việt Nam đang đối mặt với 6 trở ngại lớn, bao gồm: Thanh toán trực tuyến, hoàn tất đơn hàng, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực, chênh lệch khoảng cách tiếp cận thương mại điện tử giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật. 

Hiện, sàn TMĐT đang phát triển với tốc độ nhanh nhất theo ông Hưng lại là Tiktok - một trang mạng xã hội. Vì vậy, vấn đề quản lý và thu thuế đối với lĩnh vực TMĐT là rất phức tạp. TMĐT không đơn thuần chỉ là các sàn TMĐT mua bán mà xoay quanh đó còn rất nhiều mô hình kinh doanh khác, đại diện VECOM nhìn nhận.

Bên cạnh đó, thói quen dùng tiền mặt và lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm được bán online cũng là những trở ngại không nhỏ đối với TMĐT.

Đại diện VECOM cũng nhấn mạnh, TMĐT hiện chưa có nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ mà ngược lại còn khá nhiều văn bản gây khó khăn cho các doanh nghiệp như việc yêu cầu các sàn TMĐT cung cấp thông tin, doanh thu bán hàng của người bán cho cơ quan thuế. 

 Toàn cảnh Hội thảo phát triển nền tảng thương mại điện tử,thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng. (Ảnh: Hạ An).

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng cho rằng, trở ngại lớn nhất, quan trọng nhất đối với thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật.

“Đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực thương mại điện tử mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác. Bởi kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi vào thực tế cũng không hề đơn giản”, bà Nguyễn Thị Minh Thảo khẳng định.

Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cũng chỉ ra một số vấn đề gây thách thức cho thương mại điện tử như: Việc thu thuế, hoạt động thanh toán,...

TMĐT không đơn thuần chỉ là sàn mua bán hàng hoá, theo ông Hoè hiện có tới hơn 200 app từ nước ngoài vào cho vay ở Việt Nam, dịch vụ tài chính trực tuyến này cũng là một hình thức thương mại điện tử.

Về vấn đề thói quen dùng tiền mặt, hiện Việt Nam có tới 1,4 triệu tỷ tiền mặt lưu thông trong thị trường, nếu giảm được 3,5% chuyển sang dùng các phương tiện trực tuyến thì đã là một thành công rất lớn, ông Hoè nói.

Tuy nhiên, để thay đổi thói quen của người dùng cũng như tạo cơ sở dữ liệu cho cơ quan thuế thì cần có sự khuyến khích từ Nhà nước.

Lấy dẫn chứng từ Trung Quốc, một người bán hàng rong cũng có QR Code điều này ảnh hưởng rất lớn đến thói quen thanh toán của người dân nhưng để nếu không có chính sách hỗ trợ rất khó để họ làm như vậy. Nếu người bán hàng rong dùng QR Code mà không được hỗ trợ lại mất phí thì dĩ nhiên họ sẽ không dùng, ông Hoè nói.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường thương mại điện tử phát triển, ngày 30/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91/2022.

Nghị định đã đưa ra các điểm sửa đổi chính tập trung vào các nội dung sau: Về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; Về trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý thuế;

Về quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ; Về việc nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường đối với than khai thác và thu nội địa... điều này cũng tạo ra những cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử. 

Hạ An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.