Quy mô thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD trong năm 2022
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại dịch vụ của Việt Nam và toàn cầu, nhiều ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ cũng như toàn bộ nền kinh tế. Tuy vậy, hoạt động TMĐT ở Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước đó, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.
Tổng kết cả năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Trái ngược với bức tranh ảm đạm, ngành TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD năm 2021; tỷ trọng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.
Thông tin từ Sách Trắng TMĐT Việt Nam năm 2022 do Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết bước sang năm 2022, các khung pháp lý dành cho hoạt động TMĐT tại Việt Nam đã ngày càng được hoàn thiện với Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực.
Trong bối cảnh hoạt động TMĐT Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa, việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử.
Đông Nam Á được xem là mảnh đất vàng cho chuyển đổi số hoạt động thương mại. Trong giai đoạn 2019-2021, khu vực này liên tục ghi nhận tăng trưởng người dùng internet từ 360 triệu (2019) đến 440 triệu (2021).
Tỷ lệ người tiêu dùng số trước đại dịch tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Việt Nam... đều giữ ở mức cao, trên 80%. Đáng chú ý, tỷ lệ người tiêu dùng mới trong năm 2021 duy trì mua sắm trực tuyến ổn định ở mức trên 90% với dịch vụ làm đẹp, thực phẩm giao nhận và tạp hóa là những dịch vụ được ưa dùng nhiều nhất, tỷ lệ trên 97%. Đa phần người dùng đều cho rằng mua sắm trực tuyến giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
Doanh thu từ TMĐT chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu quy mô nền kinh tế internet ở Đông Nam Á và duy trì mức tăng trưởng gần gấp đôi qua từng năm.
Indonesia là nước có doanh thu kinh tế internet cao nhất khu vực với 70 tỷ USD trong năm 2021 và ước đạt 146 tỷ USD trong năm 2025. Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam ghi nhận doanh kinh tế internet là 21 tỷ USD (2021) và ước đạt 57 tỷ USD cho năm 2025.
Về quy mô thị trường TMĐT B2C tại Việt Nam, Sách Trắng TMĐT Việt Nam cho biết doanh thu thị trường này tăng đều qua các năm từ 6,2 tỷ USD (2017) đến 13,7 tỷ USD (2021) và ước tính sẽ đạt 16,4 tỷ USD (2022).
Cũng trong năm 2022, các nhà dự báo cho rằng thị trường Việt Nam sẽ có khoảng 57-60 triệu người tham gia mua sắm, tỷ trọng TMĐT B2C ước tính chiếm 7,2-7,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.