|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bức tranh nhân sự ngành TMĐT: Doanh nghiệp kêu vừa thừa vừa thiếu, sinh viên cần có nhiều môi trường thực chiến hơn

10:46 | 12/09/2022
Chia sẻ
Nhu cầu nhân lực cho ngành thương mại điện tử vẫn tiếp tục tăng cùng với xu thế phát triển của công nghệ và sự thay đổi của thói quen tiêu dùng, tuy nhiên chất lượng nhân sự đào tạo vẫn còn nhiều vấn đề, nhân sự trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế.

Hôm 9/9, tại TP HCM đã diễn ra Hội thảo Đào tạo Thương mại Điện tử 2022 do Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức để cùng bàn về các vấn đề trong đào tạo nhân lực cho ngành thương mại điện tử tại các trường đại học hiện nay. 

Trong giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù nền kinh tế bị tàn phá do đại dịch COVID-19 nhưng lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh. Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng vượt 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD.

VECOM nhận định tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong bốn năm 2022 - 2025 nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và những động lực tăng trưởng từ "Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử".

Theo khảo sát của VECOM, trong giai đoạn 2017-2018, chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) cho thấy sự mất cân bằng về quy mô và tốc độ phát triển TMĐT giữa hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, so với phần còn lại của cả nước với tỷ lệ khoảng 70-30%.

VECOM cho rằng muốn TMĐT phát triển nhanh, bền vững thì điều cần thiết là phải thu hẹp khoảng cách giữa hai trung tâm kinh tế nói trên với các địa phương khác, với mục tiêu tới năm 2025, tỷ trọng thương mại điện tử của 61 tỉnh thành đạt tới 50%, đi kèm với việc duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Hà Nội và TP HCM ở mức cao trên 25%.  

 Lễ công bố mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT. (Ảnh: Thành Vũ).

Giải bài toán thiếu hụt nhân lực chất lượng TMĐT

Tại buổi Hội thảo, vấn đề thiếu hụt nhân sự cho ngành Thương mại điện tử đã được ưu tiên đem ra bàn luận. Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, mục tiêu quan trọng hiện nay là đào tạo nhân lực TMĐT như thế nào và chất lượng ra sao.

"Ai cũng đều nhìn thấy vấn đề thiếu hụt nhân lực trong ngành là bài toán cần giải quyết. Khi bàn đến nó, chúng tôi quan tâm tới việc phối hợp ra làm sao để giải quyết bài toán này. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đánh giá xem chất lượng nguồn nhân lực sau khi được đào tạo sẽ như thế nào", ông Nguyễn Thế Quang nói.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử Việt Nam trong tương lai.

Theo khảo sát của VECOM về tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học, kể từ năm 2021, nhiều trường đại học đã bắt đầu đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử.

Cụ thể, báo cáo của VECOM cho thấy mã ngành TMĐT (7340122) liên tục tăng nhanh, lên tới 36 trường; gần 40 trường đại học đã đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử phân bổ chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng; có 53 trường đã thêm các học phần liên quan tới thương mại điện tử trong nhiều ngành học, nhiều trường đã đào tạo các ngành học liên quan đến thương mại điện từ như tiếp thị số (digital marketing), công nghệ tài chính (fintech), logistics và quản lý chuỗi cung ứng,...;

Chương trình đào tạo thương mại điện tử càng ngày càng có xu hướng ưu tiên hơn đối với kinh doanh dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (Infomation Technology and Telecomunication – ICT). Ngoài ra, VECOM cũng cho biết số lượng giảng viêng đào tạo thương mại điện tử chất lượng cao đã tăng hơn nhiều so với thập kỷ trước.

Dẫu vậy, việc đào tạo thương mại điện tử cũng còn gặp nhiều khó khăn khi đội ngũ giảng viên thương mại điện tử chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo cả về số lượng và chất và lượng, giảng viên chỉ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu. Tài liệu phục vụ đào tạo thương mại điện tử chưa đáp ứng đòi hỏi giảng dạy và học tập và hợp tác trong đào tạo thương mại điện tử còn mờ nhạt ở mọi hình thức.

Bà Bùi Thị Thanh Sương, Giám đốc nhân sự của Haravan - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp bán hàng đa kênh, cho biết nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp về ngành thương mại điện tử là rất lớn nhưng số lượng nhân sự chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lại rất thiếu hụt.

"Trong những năm gần đây, mặc dù các ngành đại học đã mở rộng những ngành học liên quan đến thương mại điện tử cũng như việc số lượng sinh viên trong ngành tăng lên nhưng chất lượng vẫn là điều cần được lưu tâm.

Hiện nay, khi Haravan tuyển dụng các bạn sinh viên đã được đào tạo về thương mại điện tử, chúng tôi vẫn phải tổ chức thêm các buổi đào tạo kéo dài khoảng một tháng để giúp các bạn có thể theo kịp nhu cầu thực tế, để từ đó ứng dụng được những kiến thức đã học vào việc đáp ứng nhu cầu công việc của Haravan", bà Thanh Sương chia sẻ.

Thực tế, thực trạng doanh nghiệp đào tạo lại sinh viên mới ra trường xuất hiện ở hầu hết các ngành, không chỉ riêng thương mại điện tử. Theo đánh giá của Giám đốc nhân sự Haravan về ngành thương mại điện tử, doanh nghiệp chia nhân sự thành hai nhóm là phát triển sản phẩm và bộ phận phục vụ kinh doanh như tư vấn, marketing...

 Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Thành Vũ).

Với nhóm đầu tiên, bà Thanh Sương nhận định nhóm nhân sự này có kiến thức và kỹ năng về công nghệ song lại thiếu tính cọ xát thực tế và cần sự bổ trợ từ những nhân sự đi trước. Tuy nhiên, giám đốc nhân sự Haravan đánh giá đây là nhóm có mức độ tiếp thu và khả năng đáp ứng công việc nhanh.

Về nhóm nhân sự phục vụ mảng kinh doanh, đây là nhóm nhân sự trẻ, tiếp thu nhanh nhưng doanh nghiệp vẫn cần 2-3 tháng training để giúp nhóm này đạt được mức độ đáp ứng công việc ở mức trung bình tốt.

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Trưởng phòng Nhân sự AXYS Technologies Group cũng bày tỏ quan điểm đồng tình. Theo ông Hiền, dù nhu cầu nhân sự trong ngành rất lớn nhưng doanh nghiệp lại gặp khó.

"Nhu cầu của chúng tôi có thể nói là vừa thừa vừa thiếu. Thiếu là nhiều khi kiếm người không ra và thừa là khi chúng tôi tuyển người vào nhưng không đáp ứng được nhu cầu nên buộc phải tìm người thay thế", ông Hiền chia sẻ.

Báo cáo của VECOM cũng cho thấy các hoạt động hỗ trợ đào tạo sinh viên trong ngành như trung tâm khởi nghiệp hay câu lạc bộ sinh viên đang còn thiếu và chưa có sự thu hút. Hoạt động định hướng nghề nghiệp hay dự báo nhu cầu nhân lực trong ngành học thương mại điện tử chưa được diễn ra mạnh mẽ, đồng thời, tỷ lệ các trường có chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học ngành thương mại điện tử đã được kiểm định chất lượng và đạt yêu cầu còn rất thấp.  

Về vấn đề nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, PGS. TS Trần Văn Tùng, Trưởng khoa Tài Chính - Thương mại, Đại học Công nghệ TP HCM có nêu đề xuất cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành thương mại điện tử.

"Đại học Công nghệ TP HCM cũng mới chỉ đào tạo ngành này từ ba năm trở lại đây, kinh nghiệm cũng chưa nhiều. Theo kinh nghiệm thực tế, tôi nghĩ rằng các trường đại học nên xây dựng mô hình đào tạo theo hướng mở, điều này có nghĩa là đưa các em sinh viên tới gần hơn với thực tế doanh nghiệp, thông qua cầu nối VECOM.

Là người đào tạo, chúng tôi rất buồn khi nghe tới việc sinh viên phải đào tạo lại. Do đó, tôi nghĩ cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần hợp tác với nhau để giúp sinh viên có môi trường trải nghiệm thực tế thông qua các buổi kiến tập, thực tập", PGS. TS Trần Văn Quang nêu ý kiến.

Ngoài ra, ông Tùng cũng đề xuất mô hình ba bên là cơ sở đào tạo - doanh nghiệp thực hiện các giải pháp thương mại điện tử - doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực, cùng hợp tác thảo luận về các hiện trạng thực tế trong ngành, xem doanh nghiệp đang làm gì.

Đại diện Đại học công nghệ TP HCM cũng mong muốn có nhiều hơn các buổi hội thảo, tập huấn dành cho giảng viên từ phía doanh nghiệp. Với những đề xuất trên, ông Tùng hy vọng sẽ giúp cơ sở đào tạo xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp nhất cho sinh viên trong ngành.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng cố vấn VECOM cho rằng ngành TMĐT có một đặc thù là chưa cần học xong đại học đã có thể hành nghề và thậm chí là rất lành nghề, điều quan trọng hiện nay là gắn kết được việc đào tạo chính quy với nhu cầu thực tế.

"Một người có thể học xong cấp ba, chưa cần học thêm bằng cấp vẫn có thể kinh doanh TMĐT rất thành công nhưng đó là phương diện cá nhân. Ở bình diện quốc gia, để ngành TMĐT của chúng ta phát triển mạnh, cần phải có nguồn nhân lực tốt, doanh nghiệp mạnh, làm sao tạo ra được những con kỳ lân trong tương lai",ông Hưng chia sẻ ý kiến. 

Theo ông Hưng, một đại học tốt, sinh viên xuất sắc nhưng không có quá trình trải nghiệm thực tế từ khi còn trên ghế nhà trường thì chuyện đào tạo lại là chuyện đương nhiên và điều này không thể nói lên chất lượng đào tạo của chúng ta chưa tốt. Trong quá trình 4 năm học đại học, chúng ta cần phải làm sao cho sinh viên tiếp thu được kiến thức bài bản nhưng vẫn được trải nghiệm thực tiễn kinh doanh. 

Hiệp hội cũng đã lên kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo để tổ chức các khóa học, đào tạo thực chiến, giúp sinh viên tiếp thu kiến thức hàm lâm và áp dụng được vào thực tế, sao cho các em sinh viên có thể trang bị thêm kiến thức thực chiến khi tốt nghiệp.

Thành Vũ