|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Để không rơi vào 'thập kỷ mất mát' như Nhật Bản, Trung Quốc nên học hỏi Hàn Quốc

10:00 | 12/09/2024
Chia sẻ
GDP bình quân đầu người và mức độ đô thị hóa của Trung Quốc giống Hàn Quốc trong quá khứ hơn là Nhật Bản. Nền kinh tế Hàn Quốc từng vượt qua khủng hoảng và trở nên mạnh mẽ hơn xưa, cho thấy Trung Quốc có thể đạt được thành công tương tự.

Từ trái sang: Quốc kỳ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. (Ảnh: Shutterstock). 

So sánh hợp lý

Trong bối cảnh Bắc Kinh dốc sức kiềm chế đà lao dốc của giá bất động sản, không ít nhà kinh tế đã so sánh Trung Quốc với Nhật Bản.

Dữ liệu gần đây cho thấy lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ, giá trị các khoản vay mới của doanh nghiệp và hộ gia đình đã sụt giảm. Liên tiếp trong vài tháng trước đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc ở mức yếu. Dường như những số liệu này báo hiệu Trung Quốc đang rơi vào một cuộc “suy thoái bảng cân đối kế toán” như Nhật Bản.

“Suy thoái bảng cân đối kế toán” đề cập đến tình huống người tiêu dùng và doanh nghiệp ưu tiên trả nợ thay vì chi tiêu và tiêu dùng, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế bị hạn chế.

Ngoài xu hướng cho vay và tiêu dùng kể trên, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng có những điểm chung khác. Tại Trung Quốc, một thước đo phổ quát về giá cả đã đi xuống 5 quý liên tiếp - đánh dấu chuỗi giảm phát dài nhất kể từ thập niên 1990, tờ Bloomberg cho hay. 

Cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán đại lục và Hong Kong đã mất tổng cộng 5.000 tỷ USD vốn hóa trong ba năm qua. Khi bong bóng bất động sản Nhật Bản đổ vỡ vào đầu những năm 1990, nước này phải trải qua vài thập kỷ “thập kỷ mất mát” với đặc điểm là giá tài sản trượt dốc và tốc độ tăng trưởng kinh tế ảm đạm.

 

Tuy nhiên, lối lập luận rằng Trung Quốc đang dần biến thành Nhật Bản có một hạn chế lớn. GDP bình quân đầu người và mức độ đô thị hóa của Trung Quốc thấp hơn hẳn Nhật Bản vào thập niên 1990. Điều đó có nghĩa là sự so sánh này đánh đồng nền kinh tế phát triển (Nhật Bản) với một đất nước vẫn đang nỗ lực để đạt được vị thế đó (Trung Quốc).

Theo những chỉ tiêu trên, Trung Quốc ngày nay giống với Hàn Quốc trong quá khứ hơn là Nhật Bản. Vào cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc cũng đối mặt với thách thức lớn là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Nước này đã vượt qua được cơn bĩ cực và trở nên mạnh mẽ hơn xưa.

Phát biểu tại một cuộc họp do Đại học Bắc Kinh tổ chức vào tháng 6, ông Shu Jiapei, nhà phân tích tại công ty chứng khoán SDIC Securities của Trung Quốc, cho hay: “Nhật Bản những năm 1990 giống như người ở độ tuổi trung niên. Hàn Quốc năm 1998 và Trung Quốc ngày nay không còn là thiếu niên nữa nhưng vẫn còn trẻ, vẫn có thể cao thêm vài cm và khỏe mạnh hơn. Đó là sự khác biệt lớn nhất”.

Tìm động cơ tăng trưởng mới

Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, thách thức cấp bách nhất hiện nay là tìm ra các động cơ tăng trưởng để bù đắp cho lực cản từ thị trường bất động sản. Về điểm này, Hàn Quốc có thể là hình mẫu đáng học hỏi.

Khi nền kinh tế chững lại sau hàng thập kỷ tăng trưởng nóng, giới lãnh đạo Hàn Quốc quyết định thay đổi chiến lược. Về mặt tài chính, Hàn Quốc tái cấu trúc các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ và cải thiện quản trị doanh nghiệp để ngăn chặn những vụ sụp đổ trong tương lai.

Trái lại, Nhật Bản duy trì hoạt động của các “công ty zombie”. Sau này, những doanh nghiệp chỉ đủ khả năng hoạt động cầm chừng đó đã cản trở năng suất và tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản. 

Giới lãnh đạo Hàn Quốc cũng bắt tay vào nỗ lực xây dựng ngành dịch vụ và những ngành dựa vào kiến thức. Các nhà sản xuất phản ứng bằng cách chuyển sang những mặt hàng công nghệ cao hơn và thúc đẩy xuất khẩu. Ngược lại, Nhật Bản cũng nỗ lực rất nhiều nhưng không đạt được thành tựu tương tự.  

Hiện tại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang coi khoa học và đổi mới công nghệ là “các lực lượng sản xuất chất lượng mới” sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc sớm đón nhận xe điện, biến đất nước thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới và giúp các nhà sản xuất ô tô nội địa mở rộng ra thị trường nước ngoài. Các khoản đầu tư vào công nghệ sạch cũng giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong các lĩnh vực như tấm pin mặt trời và pin lithium-ion. 

 

Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế của S&P Global Ratings tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là một trong những chuyên gia nhìn thấy sự tương đồng giữa Hàn Quốc hậu khủng hoảng tài chính châu Á và Trung Quốc hiện nay. Ông nhận xét Trung Quốc có vị thế “tương đối tốt” để tiếp tục nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, hai quốc gia này cũng có điểm khác biệt lớn. Chính phủ Trung Quốc can thiệp vào nền kinh tế nhiều hơn Hàn Quốc.

Ngoài ra, nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu của Trung Quốc đang vấp phải sự phản kháng của Mỹ và châu Âu dưới dạng thuế quan và những rào cản khác.

Ông Kuijs nói thêm: “Về cơ bản, các dự đoán về năng suất và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc mà chúng tôi đưa ra được dựa trên quỹ đạo của Hàn Quốc. Nhưng chúng tôi ‘trừ điểm’ Trung Quốc vì hai yếu tố trên”.

Bà Yan Kun, Phó Giám đốc Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Trung Quốc sẽ dao động trong khoảng 4 - 6%, cao hơn nhiều Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng trung bình của Nhật Bản kể từ năm 2000 đến nay chưa tới 0,8%, theo Bloomberg

Nhật Bản không nắm bắt được cơ hội từ những tiến bộ công nghệ trong thập niên 1990, đặc biệt là sự phổ biến rộng rãi của internet. Bắc Kinh quyết tâm tránh số phận tương tự.

Gần một thập kỷ trước, giới lãnh đạo Trung Quốc vạch ra chiến lược “Made in China”, trong đó xác định một loạt các ngành thế hệ mới là ưu tiên quốc gia. Bà Yan và các đồng nghiệp lập luận rằng sự dẫn đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực như xe điện là thành quả của tầm nhìn xa này.

Giang