|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sau loạt số liệu gây lo ngại, ít nhất một thước đo kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo

15:01 | 10/09/2024
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng vượt dự báo trong tháng 8, tuy nhiên mức tăng trưởng của nhập khẩu lại thấp hơn kỳ vọng.

Cảng Yantian ở Thâm Quyến. (Ảnh: Reuters). 

Điểm sáng

Hôm 9/9, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố một loạt số liệu gây thất vọng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Không tính đến giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi chỉ đi lên 0,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) sụt 1,8% so với một năm trước, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất trong 4 tháng. Số liệu này cũng tiêu cực hơn dự kiến của các nhà kinh tế.

Các thước đo trên làm nổi bật nhu cầu tiêu dùng yếu kém của Trung Quốc, cho thấy mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% của chính phủ đang gặp rủi ro.

Tuy nhiên mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cung cấp một thông tin tích cực. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD đã tăng 8,7% so với cùng kỳ. Kết quả này cao hơn rõ rệt dự đoán 6,5% của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát. Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 tăng 0,5%, thấp hơn ước tính 2%.

Xuất khẩu của Trung Quốc tới các đối tác thương mại lớn - bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN - đều đi lên trong tháng 8. Xuất khẩu tới EU tăng mạnh nhất ở mức 13%, theo tính toán của CNBC dựa trên dữ liệu chính thức.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Mỹ tăng 12%, trong khi đó nhập khẩu từ EU sụt giảm. Nhập khẩu từ ASEAN tăng khoảng 5%.

Số ô tô Trung Quốc bán ra thế giới tăng gần 40% trong tháng 8 lên 610.000 chiếc. Số tàu thuyền xuất khẩu cũng tăng 40%, còn smartphone đi lên 6,7%. Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu mạch tích hợp lần lượt tăng 18% và 11%.

Căng thẳng thương mại

Khối lượng đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ 1% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng nhập khẩu rớt 12%.

Hồi tháng 6, Bắc Kinh thông báo chính sách mới nhằm thắt chặt quản lý đối với ngành đất hiếm do lo ngại về an ninh quốc gia. Sang tháng 8, Bộ Thương mại Trung Quốc khiến ngành khoáng sản bất ngờ khi ban hành lệnh kiểm soát xuất khẩu antimon, bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 9.

Lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu giảm 7% trong tháng 8. Nếu tính theo nhân dân tệ, kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm tăng 6,9%, còn nhập khẩu tăng 4,7%.

Lĩnh vực xuất khẩu là điểm sáng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng ông Steve Brice, Giám đốc đầu tư của Standard Chartered Wealth Management, cho biết số liệu nhập khẩu lại quan trọng hơn do chúng có thể báo hiệu Trung Quốc có khả năng tạo ra đủ nhu cầu nội địa để ngăn chặn vòng xoáy giảm phát hay không.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào sáng ngày 10/9, ông Brice dự kiến những lo ngại về giảm phát sẽ đè nặng lên giá cổ phiếu Trung Quốc.

Ông cũng chỉ ra việc nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu là khá rủi ro do cựu Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ quay lại Nhà Trắng và tăng mạnh thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.

Trong thời gian qua, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây cũng đã gia tăng, dẫn đến việc Mỹ và EU nâng thuế quan đối với xe điện và các mặt hàng khác của Trung Quốc.

Chứng khoán Trung Quốc có xu hướng giảm trong phiên 10/9. Dự kiến vào ngày 14/9, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu đầu tư, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tháng 8.

Giang