|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc đánh mất lợi thế lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi

14:30 | 10/09/2024
Chia sẻ
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg). 

Sự gia tăng chi phí lao động tại Trung Quốc

Trung Quốc là công xưởng của thế giới, hàng hóa gắn mác “Made in China” có mặt ở hầu khắp mọi nơi. Theo ông Richard Baldwin, Giáo sư Kinh tế Quốc tế của Trường Kinh doanh IMD, Trung Quốc chiếm khoảng 35% hàng hóa sản xuất trên thế giới.

Ngành sản xuất có vai trò nòng cốt trong câu chuyện thành công của những nền kinh tế đã thoát nghèo và trở nên giàu có, tiêu biểu là Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore. Đó là lý do nhiều quốc gia đang phát triển ngày nay cũng nỗ lực củng cố ngành sản xuất.

Một trong những lợi thế lớn nhất của Trung Quốc trong quá khứ là nguồn lao động giá rẻ dồi dào, giúp đẩy chi phí sản xuất đi xuống. Nhưng theo thời gian, ưu thế này đã bị xói mòn. Mức lương trung bình hàng tháng trong ngành sản xuất của Trung Quốc đã tăng từ 150 USD hồi năm 2000 lên 1.208 USD vào năm 2022, gấp 3,7 lần mức lương tại Việt Nam.

Nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất có lao động giá rẻ. Một vài quốc gia châu Á khác như Ấn Độ và Philippines có mức lương tương tự hoặc thấp hơn cả Việt Nam và họ cũng đang cố gắng giành lấy phần lớn hơn trong ngành sản xuất thế giới.

Số liệu Philippines, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc lấy vào năm 2021, Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ vào năm 2022.     

Tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc trong vài chục năm qua đã kéo theo chi phí sinh hoạt tăng đáng kể, ví dụ như chi phí giáo dục và y tế, dẫn đến việc lương của người lao động cũng phải đi lên tương xứng.

Sự thay đổi nhân khẩu học cũng góp phần khiến chi phí nhân công tại Trung Quốc đi lên. Dân số trong độ tuổi lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang già đi, đẩy các nhà máy vào tình trạng thiếu người làm.

Trong khi đó, nhiều người trẻ Trung Quốc đang ngại nguy cơ chấn thương và công việc lặp đi lặp lại trong nhà máy. Do đó, lẽ dĩ nhiên là họ đòi hỏi mức lương cao hơn và điều kiện lao động tốt hơn.

Sức hấp dẫn của những quốc gia châu Á khác

Việt Nam

Trong báo cáo năm 2022, ngân hàng Rabobank ước tính khoảng 300.000 việc làm tập trung trong lĩnh vực sản xuất công nghệ thấp sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mức lương tương đối thấp và dân số trẻ mang đến cho Việt Nam lực lượng lao động và cơ sở người tiêu dùng vững chắc. Đây là thế mạnh đáng chú ý để Việt Nam thu hút tiền đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.

Trong thập kỷ tới, dân số Việt Nam sẽ tăng 4,7% lên 104,3 triệu người, theo dự đoán của World Bank. Trong khi đó, dân số của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm nhẹ. 

Việt Nam nổi tiếng với lĩnh vực dệt may và cả đồ điện tử. Các nhà máy ở Việt Nam sản xuất 1/3 sản phẩm của Samsung Electronics.

 

Tuy nhiên, năng suất lao động là một trong những thách thức lớn của Việt Nam. Năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn xếp sau Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia. Theo công ty tư vấn McKinsey, năm 2021 Việt Nam xếp hạng 136 trên 185 quốc gia về năng suất lao động  

Hai lợi thế quan trọng khác của ngành sản xuất Việt Nam là cơ sở hạ tầng phù hợp để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, cũng như vị trí thuận lợi, nằm trên nhiều tuyến đường thương mại lớn.

Ấn Độ

Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất toàn cầu, nhưng dữ liệu của World Bank chỉ ra rằng Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 3% hoạt động sản xuất của thế giới.

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi có kế hoạch tăng tỷ trọng của Ấn Độ trong ngành sản xuất thế giới lên 5% vào năm 2030 và 10% vào năm 2047, theo các văn bản nội bộ mà Reuters được biết.

Ấn Độ có nguồn nhân lực cực kỳ dồi dào, với dân số trong độ tuổi lao động ước tính đạt hơn 972 triệu người vào năm 2023. Song, nước này lại có tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao - khoảng 9,2% vào tháng 6/2024. Đây là một trong những lý do người lao động trong ngành sản xuất Ấn Độ chấp nhận mức lương thấp hơn các nước khác ở châu Á.

*Số liệu năm 2024 lấy vào tháng 6.  

Ấn Độ cũng có dân số trẻ, độ tuổi trung vị là 29,5 thấp hơn Việt Nam là 32,7. Lợi thế chính của lao động trẻ là họ thích nghi nhanh và có thể bắt kịp với sự thay đổi liên tục của công nghệ.

Tuy nhiên, ông Poshak Agrawal, đồng sáng lập của tổ chức giáo dục Athena Education ở Ấn Độ, chỉ ra: “Chỉ riêng lao động là không đủ để giúp nền kinh tế Ấn Độ phát triển lên tầm cao mới”.

Chỉ 5% lực lượng lao động của Ấn Độ được đánh giá là có tay nghề, theo World Economic Forum. Ông Agrawal nói tiếp: “Tuyển dụng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp vì các trường đại học Ấn Độ chủ yếu tập trung vào lý thuyết và rất thiếu thực hành”.

Ấn Độ và Việt Nam đều là hai điểm đến hấp dẫn đối với những nhà đầu tư ngoại muốn chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang dẫn trước Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 97 tỷ USD, còn Ấn Độ là 76,7 tỷ USD. 

Philippines

Philippines là một quốc gia châu Á khác đang cạnh tranh để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài. Theo Tập đoàn ARC, lý do chính các công ty quốc tế chuyển đến Philippines là chi phí lao động thấp. 

Philippines đang trong giai đoạn thuận lợi về nhân khẩu học, với phần lớn công dân trong độ tuổi lao động. Và vì đa phần người dân sống ở vùng nông thôn, họ nhiều khả năng sẽ chuyển đến khu vực thành thị để tìm kiếm việc làm. Tốc độ đô thị hóa cũng diễn ra rất nhanh, tạo điều kiện cho ngành sản xuất phát triển.

Philippines có dân số khoảng 110 triệu người, cao hơn Việt Nam. Cùng lúc đó, độ tuổi trung vị của Philippines là 25,4, trẻ hơn hẳn so với Ấn Độ và Việt Nam.

Điểm mạnh của lao động Philippines là trình độ tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của quốc gia này cùng với Tagalog. Khoảng 2/3 người dân Philippines nói tiếng Anh thuần thục. Đối với các công ty đa quốc gia, việc kinh doanh ở Philippines sẽ trở nên dễ dàng hơn do họ không gặp nhiều vấn đề về giao tiếp.

Một trong những thách thức lớn nhất của Philipines - cũng giống như Ấn Độ - là cơ sở hạ tầng kém hiệu quả. Ngoài ra, Philippines là một trong những quốc gia có nhiều rủi ro thiên tai nhất trên toàn thế giới, bao gồm lốc xoáy, lũ lụt, động đất và phun trào núi lửa.

Giang