|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Không dễ thu hút lao động Việt Nam như trước, Nhật Bản tìm cách chiêu mộ nhân lực Indonesia

15:24 | 04/09/2024
Chia sẻ
Việt Nam hiện chiếm 25,3% trong tổng số hơn 2 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn rất "khát" nhân lực và đang nỗ lực thu hút nhân tài từ các nước khác, đơn cử như Indonesia.

Thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam làm việc tại một nhà máy ở tỉnh Gunma, Nhật Bản. (Ảnh: Nikkei Asia). 

Nhật Bản "khát" lao động

Dân số Nhật Bản đang sụt giảm nhanh chóng, buộc nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới phải nỗ lực nhiều hơn trong việc thu hút lao động nước ngoài. Kể từ khi dân số đạt đỉnh vào năm 2009, Nhật Bản đã liên tục công bố thông tin tiêu cực về tình hình nhân khẩu học. 

Dữ liệu chính thức cho thấy tại ngày 1/1/2024, dân số Nhật Bản đạt 121,6 triệu người. Nói cách khác, dân số nước này đã giảm 0,7% trong năm 2023, tương ứng với hơn 861.000 người. Đây là mức giảm hàng năm lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Số ca sinh cũng sụt xuống còn gần 729.367, mức thấp nhất trong lịch sử.

Khi số ca sinh sụt giảm, số người trong độ tuổi lao động cũng đi xuống. Để nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,24%, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ước tính nước này sẽ cần khoảng 6,88 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040.

Tuy nhiên, dựa trên xu hướng hiện tại, JICA dự đoán số người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản vào năm 2040 sẽ chỉ đạt khoảng 5,91 triệu người, dẫn đến việc thiếu hụt gần 1 triệu người.

Sự suy yếu của đồng yen là một trong những lý do khiến Nhật Bản gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng và giữ chân lao động nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam. 

Việt Nam dẫn đầu số lao động nước ngoài tại Nhật Bản

Số lượng người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản lần đầu tiên đạt 2 triệu người vào tháng 10/2023. Trong số đó, lao động Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới 25,3%.

Nhưng khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng, số lao động từ Việt Nam chỉ tăng 12%. Tuy có sự cải thiện rõ rệt so với giai đoạn COVID-19, con số này chỉ bằng một nửa năm 2019, trước khi đại dịch xuất hiện. Trong khi đó, số lao động từ Indonesia lại tăng 56% - tốc độ nhanh nhất trong tất cả các quốc tịch.

Chia sẻ với Nikkei Asia, một số người Việt Nam cho biết sự mất giá của đồng yen kể từ mùa thu năm ngoái khiến họ không còn muốn làm việc tại Nhật Bản.

Khanh Ly, hiện làm việc cho một công ty đào tạo thực tập sinh kỹ thuật Nhật Bản tại Hà Nội, cho biết: “Đồng yen suy yếu khiến số tiền mà người lao động có thể gửi về quê nhà ít hơn, khiến chúng tôi khó có thể thu hút nhân lực trừ khi đến các vùng nông thôn". 

 

Phát ngôn viên của các chính quyền địa phương Nhật Bản cũng chia sẻ ý kiến tương tự với Nikkei.

Bà Yuki Hanamoto, Giám đốc văn phòng phúc lợi xã hội của chính quyền thành phố Tokyo, cho hay: “Cho đến nay, chúng tôi vẫn luôn tập trung vào lao động Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng đã chững lại.

Đồng yen yếu và tốc độ tăng lương chậm chạp khiến Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn, kết quả là số người Việt Nam làm việc ở Nhật Bản bị trì trệ”.

Khảo sát được tiến hành trong hai tháng đầu năm 2024 bởi công ty nhân sự Mynavi Global phát hiện rằng tỷ lệ người Việt Nam muốn tiếp tục làm việc tại Nhật Bản sau khi thị thực hết hạn đã giảm đáng kể trong hai năm qua, từ 98% xuống 85,9%. 

Để thu hút người làm, các chủ lao động buộc phải tăng lương. Tiền lương cơ bản hàng tháng cho thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài - một nửa trong số đó là người Việt Nam - đã tăng 8% kể từ năm 2022 lên 177.800 yen (tương đương khoảng 30,5 triệu đồng) trong năm 2024.

Việt Nam là quốc gia cung cấp lao động nhập cư chính tại Nhật Bản trong một thập kỷ qua. Và theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, 51% người Việt Nam di cư ra nước ngoài trong nửa đầu năm 2024 chọn tìm kiếm cơ hội tại xứ sở hoa anh đào.

Ưu điểm của Indonesia

Trong bối cảnh dòng người Việt Nam đến Nhật Bản chậm lại, đại diện chính quyền các tỉnh thành Nhật Bản đang hướng đến Indonesia để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Xu hướng trên được thể hiện rõ bằng việc chính quyền Tokyo chọn Jakarta là nơi tổ chức hội thảo nước ngoài đầu tiên vào tháng 7 năm nay và gặp gỡ các lao động tiềm năng. Các quan chức Tokyo cũng tổ chức sự kiện tương tự tại những thành phố khác của Indonesia và Đông Nam Á.

Bà Hanamoto cho biết: “Từ giờ, chúng tôi muốn thu hút nhân tài từ Indonesia”. Bà chỉ ra thế mạnh của Indonesia bao gồm dân số trẻ và lớn - gần gấp ba lần Việt Nam. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có 270 triệu dân và tuổi trung vị là 29 tuổi.

Khác với vấn đề của Nhật Bản, Indonesia gặp khó khăn trong việc tạo ra đủ việc làm cho người dân. Dù nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong những năm qua, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm dân số thuộc độ tuổi 15 - 24 ở Indonesia vẫn ở mức khá cao là 13,9%, theo dữ liệu của World Bank.

Từ lâu, chính phủ Indonesia đã cố gắng tạo điều kiện đưa người lao động đến những nơi như Trung Đông, Hong Kong và Hàn Quốc để tăng thu nhập ngoại tệ và hạn chế tình trạng thất nghiệp trong nước.

 

Ngoài Tokyo, các khu vực khác của Nhật Bản cũng đang nhắm đến nguồn nhân lực từ Indonesia.

Vào cuối tháng 7, chính quyền tỉnh Mie ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Y tế Indonesia để cùng nhau giúp đỡ các y tá và điều dưỡng viên muốn làm việc tại tỉnh. Theo thỏa thuận, chính quyền Mie cam kết hỗ trợ người lao động Indonesia tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực này.

Tỉnh Miyagi ở phía bắc Nhật Bản cũng tổ chức hội thảo việc làm tại Jakarta vào năm ngoái để thu hút thêm lao động nước ngoài.

Giang