|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Jakarta chìm dần xuống biển nhưng Indonesia vẫn mãi loay hoay với kế hoạch dời đô, nguyên nhân từ đâu?

14:13 | 29/08/2024
Chia sẻ
Dự án xây dựng thủ đô mới Nusantara của Indonesia đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật là việc tìm kiếm nguồn tài trợ. Nếu dự án thất bại, danh tiếng và ngân sách của Indonesia sẽ chịu tổn hại đáng kể.

Phủ tổng thống Indonesia mới thấp thoáng đằng sau một bãi đất xây dựng. (Ảnh: Bloomberg). 

Jakarta, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới, đang đối mặt với mối nguy khó lường. Thủ đô của Indonesia là đô thị bị chìm nhanh nhất hành tinh. Các chuyên gia ước tính 1/3 diện tích của Jakarta sẽ chìm xuống mặt nước vào năm 2050. Ngay lúc này, 40% diện tích của Jarkata đã thấp hơn mực nước biển.

Chính phủ Indonesia có sẵn phương án để xử lý vấn đề, đó là chuyển thủ đô từ Jakarta ở đảo Java sang khu vực Nusantara nằm trên đảo Borneo. Hai hòn đảo này cách nhau hơn 1.000 km.

Dự án táo bạo trị giá 33 tỷ USD này được kỳ vọng có thể hiện đại hóa Indonesia, khắc phục tình trạng bất bình đẳng vùng miền và thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch. Theo mục tiêu đề ra, Nusantara sẽ được hoàn thành vào năm 2045.

Nhưng kế hoạch trên đang đối mặt với một loạt thách thức: các nhà đầu tư kém nhiệt tình, trưởng và phó ban giám sát giám sát dự án xây dựng từ chức và quá trình thi công gặp nhiều rắc rối. Nusantara có nguy cơ sẽ làm phung phí tiền bạc của Indonesia và gây tổn hại đến danh tiếng đất nước.

Lý do dời đô

Nusantara được chọn làm thủ đô mới của Indonesia nhờ vị trí đắc địa ở trung tâm và có ít rủi ro gặp phải những thiên tai như động đất, sóng thần và núi lửa phun trào. Việc dời thủ đô sang Nusantara cũng sẽ giúp Indonesia tái phân phối của cải và nguồn lực khỏi Java.

Ông Andreyka Natalegawa, thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết: “Có ý kiến cho rằng mô hình phát triển kinh tế của Indonesia từ trước đến nay đã xoay quanh Java. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, cảng biển, sân bay được đặt ở Java, còn những khu vực khác có xu hướng bị bỏ lại phía sau”.

 (Nguồn: DW)

Java chiếm khoảng 60% nền kinh tế Indonesia và Jakarta đã là thủ đô của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á kể từ thế kỷ 16. Chính phủ Indonesia không có ý định “bỏ rơi” Jakarta mà vẫn muốn nơi đây là trung tâm kinh tế và kinh doanh của quốc gia. Song, việc di dời thủ đô sẽ mang đến cơ hội phát triển cho những vùng khác.

Nhờ vị trí trung tâm, Nusantara có lợi thế về mặt vận tải biển. Việc thành lập cơ sở hạ tầng vận tải mới xoay quanh thủ đô mới có thể tăng cường tính kết nối giữa các hòn đảo của Indonesia. Hơn thế nữa, các tuyến đường mới đó có thể giúp nâng cao vai trò của Indonesia trong ngành thương mại thế giới.

Bất chấp những ưu điểm trên, không phải người Indonesia nào cũng có thiện cảm với thủ đô mới. Những người ủng hộ nói rằng kế hoạch này có ý nghĩa quan trọng với người dân Indonesia ngoài vùng Java và Tổng thống Joko Widodo - người khởi xướng dự án - đã cố gắng thấu hiểu nỗi lo của họ hơn những người tiền nhiệm. 

Phe phản đối khẳng định Nusantara là dự án viển vông, tiêu tốn nhiều tiền bạc mà không mang lại lợi ích rõ rệt cho đất nước.

Rắc rối nan giải

Theo lịch trình ban đầu, giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ kết thúc vào tháng 8/2024, trước khi Tổng thống Widodo rời nhiệm sở vào tháng 10. Giai đoạn này bao gồm tạo dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như các tuyến đường chính, hệ thống giao thông công cộng, nguồn cung điện và nước.

Nhưng những khó khăn về logistic và thời tiết khắc nghiệt đã cản trở quá trình thi công, làm dấy lên lo ngại về khả năng Indonesia đáp ứng được thời hạn chót.

Và chi phí của giai đoạn thứ nhất vào khoảng 3,4 tỷ USD - tương đương hơn 10% tổng ngân sách của Nusantara, theo Wall Street Journal (WSJ). Tuy nhiên, chính phủ Indonesia mới chỉ cam kết chi 20% ngân sách. Các quan chức hy vọng 80% còn lại sẽ đến từ khu vực tư nhân.

Để làm được điều này, chính phủ Indonesia đã tung ra nhiều chính sách ưu đãi, ví dụ như cắt giảm thuế và quyền sử dụng đất lâu dài.

Tuy nhiên, tổng các khoản đầu tư mà Nusantara thu hút được đến nay có quy mô chưa đến 50.000 tỷ rupiah (tương đương khoảng 3,2 tỷ USD) - và tất cả đến từ doanh nghiệp địa phương và các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước.

Một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đã ký ý định thư bày tỏ mong muốn đầu tư vào Nusantara, nhưng chưa công ty ngoại nào tham gia vào thỏa thuận mang tính bắt buộc. Lý do khiến các doanh nghiệp ngoại ngần ngại là họ không chắc Nusantara sẽ thực sự được phát triển thành một đô thị. 

Công nhân xây đường tại thủ đô mới của Indonesia. (Ảnh: Bloomberg). 

Tương lai u ám

Tương lai của dự án Nusantara rất bấp bênh. Việc trưởng và phó ban giám sát giám sát dự án bất ngờ từ chức được coi là dấu hiệu xấu.

Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto tuyên bố ông sẽ tiếp tục dự án di dời thủ đô của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ cho thủ đô mới mà không gây ra lỗ hổng lớn trong ngân sách quốc gia.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo hứa sẽ cung cấp bữa ăn bổ dưỡng miễn phí cho hơn 80 triệu học sinh. Ước tính chương trình sẽ tiêu tốn khoảng 450.000 tỷ rupiah (gần 29 tỷ USD) mỗi năm, tờ Bloomberg cho hay. 

Các quan chức Indonesia chỉ ra trong 100 năm qua, ít nhất 30 quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc “dời đô”, bao gồm Brazil, Kazakhstan và Australia. Nhưng mặt khác, thủ đô Naypyidaw do chính quyền cũ của Myanmar xây dựng cho tới nay vẫn là một thành phố trống vắng.

Hàng nghìn công chức dự kiến ​​sẽ được cử đến sống và làm việc tại Nusantara bắt đầu từ tháng 9 năm nay, nhưng một số không muốn dời đi. Một số người nói với Reuters rằng họ sẽ cân nhắc xin nghỉ hoặc tìm cách chuyển sang bộ phận khác nếu bị yêu cầu.

Một công chức trong Bộ Viễn thông Indoensia cho biết: “Ở Nusantara không có gì cả, không có cơ sở y tế hay giáo dục. Rõ ràng việc chuyển đến đó không phải lựa chọn mà là do bị yêu cầu”.

Giang