|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân số Nhật Bản già hóa trầm trọng, không có đủ người để lấp đầy 9 triệu căn nhà trống

13:45 | 09/05/2024
Chia sẻ
Tỷ suất sinh thấp và dân số sụt giảm trong nhiều năm khiến nhiều căn nhà ở Nhật Bản không có người thừa kế, coi sóc. Dù nhà có mức giá khá rẻ, người nước ngoài không dễ mua lại chúng.

Cỏ dại và dây leo mọc xung quanh một ngôi nhà bỏ hoang ở thị trấn Okuma, Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images).  

Các "akiya"

Số lượng nhà bỏ không tại Nhật Bản đã leo đến mức kỷ lục là 9 triệu căn. Để hình dung lượng nhà trống ở Nhật Bản nhiều đến mức nào, có thể minh họa bằng số liệu dân số Hà Nội cuối năm 2023 là gần 8,6 triệu người.

Các căn nhà bỏ hoang ở Nhật được gọi là “akiya” - thuật ngữ thường dùng để chỉ những ngôi nhà dân cư vô chủ nằm ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên, giờ đây ngày càng nhiều akiya xuất hiện tại các thành phố lớn như Tokyo và Kyoto. Các chuyên gia cho biết đây là hệ lụy của tình trạng dân số già hóa và sự sụt giảm đáng ngại của số trẻ em sinh ra mỗi năm.

Ông Jeffrey Hall, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda ở Chiba, cho biết: “Các căn nhà bỏ hoang là triệu chứng của tình trạng sụt giảm dân số ở Nhật Bản. Vấn đề không phải là Nhật Bản xây dựng quá nhiều nhà mà là họ không có đủ người vào ở”.

Số lượng akiya ngày càng lớn gây ra hàng loạt rắc rối cho các cộng đồng và chính phủ Nhật Bản. Chúng cản trở các nỗ lực vực dậy những thị trấn đang xuống cấp, trở thành mối nguy tiềm ẩn do không được bảo trì, làm tăng rủi ro cho những người cứu hộ khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là khi Nhật Bản là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất và sóng thần.

Thừa nhà

Giới chuyên gia nói với tờ CNN rằng các căn akiya thường là tài sản được chuyển giao qua nhiều thế hệ. Nhưng do tỷ suất sinh ở Nhật Bản trượt dốc, nhiều căn nhà không có người thừa kế, hoặc con cái của người chủ đã chuyển lên thành phố và không muốn quay về nông thôn.

Trong một số trường hợp, chính quyền địa phương không biết chủ nhà là ai do họ ghi chép sổ sách thiếu sót. Điều này khiến chính quyền gặp khó trong việc hồi sinh các cộng đồng nông thôn đang già đi, cản trở nỗ lực thu hút người trẻ muốn rời thành phố hoặc những nhà đầu tư tìm kiếm món hời.

Dưới chính sách thuế của Nhật Bản, một số chủ sở hữu thấy thấy việc giữ lại ngôi nhà sẽ rẻ hơn so với việc phá bỏ nó để tái phát triển. Và dù người chủ muốn bán thì họ cũng không dễ tìm người mua.

Giáo sư Hall của Đại học Kanda giải thích: “Nhiều căn akiya bị cắt đứt khỏi phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thậm chí là cả cửa hàng tiện lợi”.

Ngôi nhà gỗ bỏ hoang bị sập một phần ở Tambasasayama, Nhật Bản vào ngày 5/4/2023. (Ảnh: Getty Images).  

Trong những năm qua, video quay cảnh một số người - chủ yếu là người ngoại quốc - chớp được những căn nhà Nhật Bản giá rẻ và biến chúng thành quán cafe hoặc nhà nghỉ sành điệu thu hút được rất nhiều lượt xem trên mạng xã hội. Nhưng ông Hall cảnh báo việc này không hề dễ dàng.

Ông cho biết: “Sự thật là phần lớn các căn nhà bỏ hoang sẽ không được bán cho người nước ngoài, hoặc khối lượng công việc hành chính và luật lệ liên quan tới nó khá phực tạp đối với những người không đọc viết thông thạo tiếng Nhật Bản. Người nước ngoài sẽ không thể mua nhà bỏ hoang ở Nhật Bản với chi phí thấp”.

Thiếu người

Dân số Nhật Bản đã sụt giảm liên tục trong vài năm qua. Theo số liệu mới nhất của World Bank năm 2022, dân số Nhật Bản đã giảm hơn 550.000 người so với một năm trước đó, xuống 125,1 triệu người. Năm 2023, số ca sinh giảm năm thứ 8 liên tiếp xuống mức thấp kỷ lục, theo dữ liệu chính thức.

Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã dao động quanh mức 1,3 trẻ em/phụ nữ trong nhiều năm, thấp hơn hẳn mức 2,1 cần thiết để duy trì dân số ổn định. Hệ quả là, rắc rối của việc có quá nhiều nhà và quá ít người ở có vẻ sẽ không sớm kết thúc.

 

Ông Yuki Akiyama, giáo sư khoa kiến ​​trúc và thiết kế đô thị tại Đại học Thành phố Tokyo, cho biết tại những vùng nông thôn có nhiều nhà trống, các akiya khiến sự phát triển bị đình trệ.

Vị giáo sư cho biết: “Khi những căn nhà hoang tiêu điều không được xử lý, mọi người sẽ nghi rằng khu vực đó không có giá trị gì và giá bất động sản của toàn khu vực sẽ dần đi xuống”.

Ông Akiyama nhấn mạnh rằng không chỉ riêng Nhật Bản gặp phải rắc rối về nhà bỏ hoang. Cả Mỹ và một số quốc gia châu Âu cũng có vấn đề tương tự. Nhưng tình huống ở Nhật Bản đặc biệt nghiêm trọng bởi lịch sử kiến trúc và văn hóa nơi đây.

Nhà ở tại Nhật Bản không được đánh giá cao vì tuổi thọ của chúng. Và khác với phương Tây, người Nhật Bản không thấy giá trị khi sống trong những tòa nhà lâu đời. Ông cho biết: “Ở Nhật Bản, nhà càng mới thì giá bán được càng cao”.

Giang