|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Phải chẳng xuất khẩu dịch vụ là con đường mới để các quốc gia trở nên giàu có?

13:00 | 21/07/2024
Chia sẻ
Với sự phát triển của công nghệ, một người đang sống ở Philippines cũng có thể phục vụ món gà rán trên đất Mỹ.

(Hình minh họa: Science Photo Library). 

Thời thế thay đổi

Vào tháng 4, cửa hàng Sansan Chicken East Village ở New York đã trở thành cơn sốt trên mạng xã hội. Lý do không phải là hương vị của quán ăn này mà là dịch vụ.

Các thực khách ngỡ ngàng khi thấy thu ngân của cửa hàng là một người phụ nữ Philippines đang tính tiền qua đường link video. Chủ cửa hàng cho biết những người làm công nước ngoài còn trả lời điện thoại và giám sát camera an ninh. Họ cũng chấp nhận mức lương rẻ hơn nhiều lần người Mỹ.

Nhân viên thu ngân ảo là một ví dụ cho thấy sự trỗi dậy của hoạt động xuất khẩu dịch vụ từ các nước đang phát triển. Tờ Economist cho biết kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đã tăng trưởng 60% trong một thập kỷ qua và đạt quy mô 7.900 tỷ USD vào năm 2023, tương ứng 7,5% GDP toàn cầu.

 

So với dịch vụ, thị trường dành cho hàng hóa thực vẫn có quy mô lớn hơn hẳn - khoảng 24.000 tỷ USD - nhưng lại tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều.

Tỷ trọng của xuất khẩu hàng hóa trong GDP toàn cầu đã đi ngang trong nhiều năm qua. 

Thực trạng trên có ý nghĩa gì với những quốc gia đang nỗ lực làm giàu?

Năm 2005, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu có lời tuyên bố đáng chú ý: “Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, không một quốc gia nào có thể trở thành nền kinh tế lớn nếu không trở thành cường quốc công nghiệp”.

Nhưng thế giới đã thay đổi so với năm 2005. Giờ đây, hoạt động sản xuất tiêu tốn nhiều vốn hơn, vô hình trung giúp Trung Quốc dễ duy trì vị thế công xưởng thế giới.

Trong vài năm qua, phương Tây áp dụng các chính sách bảo hộ để thúc đẩy ngành sản xuất trong nước.

Các nhà hoạch định chính sách tại các thị trường mới nổi đang bàn cách để đối phó với tình hình mới.

Tiềm năng của dịch vụ

Hiện tại, dịch vụ vẫn chủ yếu được xuất khẩu bởi các nước giàu.

Các chuyên gia cổ cồn trắng từ những nước này thường làm việc xuyên biên giới. Mỹ và Anh lần lượt là hai quốc gia xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới.

Nhưng các nước đang phát triển cũng đang tạo được dấu ấn trong những loại hình dịch vụ tiên tiến khác.

Rất nhiều quốc gia xuất khẩu dịch vụ nghe nhìn, máy tính và viễn thông. Tại Ukraine, Bulgaria, Estonia, Latvia, Moldova và Romania, các dịch vụ này chiếm tỷ trọng hơn 3% GDP.

Tại châu Á, Ấn Độ là quốc gia có thành tích tốt nhất trong hạng mục này. 5 công ty công nghệ thông tin (IT) lớn nhất Ấn Độ có tổng vốn hóa gần 350 tỷ USD. Ấn Độ cũng là "nhà" của 1.600 trung tâm nghiên cứu và công nghệ của doanh nghiệp đa quốc gia - các tổ chức này thuê khoảng 3 triệu lao động.

Tổng cộng, xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ chiếm gần 5% tổng kim ngạch thế giới, cao hơn mức 3% một thập kỷ trước.

Lĩnh vực tăng trưởng đáng chú ý khác - dù sử dụng công nghệ kém cao cấp hơn - là “các dịch vụ liên quan đến kinh doanh và thương mại”, bao gồm những việc như kế toán và nhân sự.

Estonia và Philippines đứng đầu hạng mục này, các dịch vụ đó chiếm hơn 5% GDP của họ. Ưu điểm của Phillipines là chi phí lao động thấp và dân số biết nói tiếng Anh lớn, tương tự Ấn Độ.

Ngoài ra còn phải kể đến du lịch. Không phải quốc gia nào cũng có cảnh quan đặc sắc như các bãi biển ở Mexico, nhưng nhiều nước tìm được cách khác để thu hút du khách. Ví dụ điển hình là dịch vụ y tế.

Các dịch vụ được cung cấp bao gồm nha khoa, thay khớp háng và cấy tóc. Amernia và Jordon xuất khẩu dịch vụ y tế tương đương khoảng 1% GDP của những nước này.

Tại các sân bay ở Istanbul, người ta có thể nhận ra một ngành nghề đang phát triển mạnh mẽ khi nhìn thấy những người đàn ông lên đường về nhà với đầu quấn nylon, che các sợi tóc mới đang mọc lên.

Trong ngắn hạn, có vẻ hoạt động xuất khẩu dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng. Một yếu tố khích lệ là xu hướng làm việc tại nhà đã khiến doanh nghiệp trở nên thoải mái hơn nhiều với việc thuê lao động nước ngoài. Xét cho cùng, nhân viên làm việc từ xa cũng không khác biệt nhiều với nhân viên được thuê ngoài trong nước.

Thách thức

Nhưng liệu xuất khẩu dịch vụ có thể nâng cao chất lượng sống giống như những gì sản xuất đã làm được trong quá khứ?

Nhà kinh tế Dani Rodrik của Đại học Harvard cho biết trong lịch sử, ngành công nghiệp có ba ưu thế lớn so với dịch vụ, bao gồm: thâm dụng công nghệ, sản xuất ra các sản phầm có thể giao dịch quốc tế và tạo ra rất nhiều việc làm.

Dịch vụ đang thu hẹp khoảng cách với công nghiệp trong hai khía cạnh đầu tiên, nhưng vẫn không tạo ra nhiều cơ hội việc làm bằng, tờ Economist cho hay.

Theo tính toán của ông Marc Lautier, Giáo sư kinh tế của Đại học Rennes, số việc làm trong ngành sản xuất tại 160 quốc gia mà ông thu thập được dữ liệu vẫn duy trì ổn định từ năm 1991, bất chấp các quá trình tự động hóa. Cụ thể, sản xuất chiếm khoảng 14% tổng số việc làm tại các quốc gia này. 

 

Các dịch vụ tiên tiến thường không sử dụng nhiều lao động. Ngành IT của Ấn Độ có thể thu về 250 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu, tương ứng gần 8% GDP quốc gia và ngang ngửa với kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp.

Tuy nhiên, các công ty IT chỉ tuyển dụng chưa đến 10 triệu nhân viên trong khi dân số trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ là khoảng 1 tỷ người.

Trong dài hạn, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ra rắc rối cho ngành dịch vụ.

Báo cáo của hãng tư vấn Capital Economics chỉ ra AI có thể dẫn đến “sự sụp đổ từ từ” của hoạt động xuất khẩu dịch vụ, khiến tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ giảm 0,3 - 0,4 điểm % mỗi năm trong thập kỷ kế tiếp.

Sự phổ biến của công nghệ viễn thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê lao động nước ngoài. Tương tự, sự phổ biến của công nghệ mới có thể hủy hoại mọi thứ.

Nhưng bất chấp nhược điểm của mô hình phát triển kinh tế dựa trên dịch vụ, các rào cản trong lĩnh vực sản xuất khiến những quốc đang phát triển có ít lựa chọn hơn quá khứ.

Xây dựng ngành dịch vụ một cách đúng đắn, đặc biệt là những dịch vụ có thể bán ra nước ngoài, là điều kiện thiết yếu cho tăng trưởng trong thế giới ngày nay.

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.