|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nếu đi đúng hướng, Ấn Độ sẽ sớm thay Trung Quốc thành động cơ mới của nền kinh tế toàn cầu

08:07 | 09/04/2024
Chia sẻ
Giữa lúc nền kinh tế Trung Quốc chững lại thì ở biên giới phía tây nam, một nền kinh tế mới nổi đang nỗ lực để thay thế quốc gia tỷ dân, trở thành động cơ tiếp theo của nền kinh tế toàn cầu.

 

Công nhân trong dây chuyền lắp ráp điện thoại của Dixon Technologies. (Ảnh: Bloomberg).

Thay thế Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang bùng nổ, vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào và chính phủ nhiều nước đang chờ đợi để ký kết thoả thuận thương mại với thị trường trẻ trung có hơn 1,4 tỷ dân.

Các nhà sản xuất máy bay như Boeing nhận đơn hàng kỷ lục từ các hãng hàng không Ấn Độ, Apple mở rộng quy mô lắp ráp iPhone ở đây. Các nhà cung cấp trước kia tập trung quanh các trung tâm sản xuất ở miền nam Trung Quốc cũng đang đến Ấn Độ.

Nhìn chung, các nhà đầu tư rất lạc quan về nền kinh tế Ấn Độ. Tuy vậy, quy mô của nền kinh tế Nam Á này (khoảng 3.500 tỷ USD) vẫn còn quá nhỏ so với Trung Quốc (17.800 tỷ USD). Các chuyên gia nói Ấn Độ phải mất hàng chục năm mới có thể bắt kịp Trung Quốc.

Đường sá chắp vá, hệ thống giáo dục yếu kém và thị trường lao động thiếu những công nhân lành nghề chỉ là một vài trong số nhiều bất lợi mà các công ty phương Tây gặp phải khi xây dựng cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.

Song, có một khía cạnh quan trọng mà Ấn Độ có thể vượt qua nước láng giềng Trung Quốc: trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các ngân hàng đầu tư như Barclays tin rằng Ấn Độ có thể trở thành nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế chung trong nhiệm kỳ tiếp theo của Thủ tướng Narendra Modi. Đảng của ông Modi được dự đoán sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bắt đầu trong vài tuần tới.

Phân tích của Bloomberg Economics thậm chí còn lạc quan hơn khi kết luận Ấn Độ có thể chạm cột mốc đó vào năm 2028 trên cơ sở ngang giá sức mua.

Để đạt được thành tựu đó, ông Modi sẽ phải hoàn thành các mục tiêu tham vọng trong 4 lĩnh vực quan trọng - gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng kỹ năng và lực lượng lao động, quy hoạch tốt hơn để tạo nơi ăn chốn ở cho người lao động và thu hút nhiều nhà máy hơn để tạo việc làm cho họ.

New Delhi có thể tham khảo câu chuyện của Trung Quốc. Sau những cải cách vào cuối thập niên 1970 nhằm mở cửa nền kinh tế ra thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt trung bình 10% mỗi năm trong ba thập kỷ.

Kỳ tích đó biến Trung Quốc thành một thỏi nam châm hút vốn đầu tư nước ngoài và có ảnh hưởng lớn hơn trên trường thế giới. Hầu như mọi doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đều phải có chiến lược Trung Quốc.

Giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc khựng lại vì khủng hoảng bất động sản và chính sách thương mại mới của phương Tây, Ấn Độ đang có cơ hội.

Chính phủ của ông Modi đang tìm cách tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế Ấn Độ, giúp nước này thu hút những doanh nghiệp phương Tây đang tìm cách đa dạng hoá sản xuất khỏi Trung Quốc.

Tại một sự kiện tranh cử vào năm ngoái, ông Modi hứa hẹn sẽ đưa Ấn Độ “lên vị trí hàng đầu thế giới” nếu ông giành được nhiệm kỳ thứ ba.

 

Ấn Độ đã làm được những gì?

Trong năm tài khoá 2025, chi tiêu của chính phủ Ấn Độ cho cơ sở hạ tầng đã tăng hơn ba lần so với 5 năm trước lên hơn 11.000 tỷ rupee (tương đương 132 tỷ USD). Con số này có thể vượt mốc 20.000 tỷ rupee nếu bao gồm cả chi tiêu của chính quyền các bang.

Ông Modi dự kiến sẽ rót 143.000 tỷ rupee để cải thiện hệ thống đường sắt, đường bộ, bến cảng, đường thuỷ cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng khác trong 6 năm tính đến năm 2030.

Đầu thập kỷ này, chính quyền ông Modi còn triển khai các chương trình khuyến khích trị giá khoảng 2.700 tỷ rupee để doanh nghiệp tập trung sản xuất trong nước. Chính quyền các bang cũng giảm thuế, giá đất và cung cấp thêm vốn để doanh nghiệp xây dựng nhà máy ở Ấn Độ.

Trong kịch bản cơ sở của Bloomberg Economics, nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 9% vào cuối thập kỷ này, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chững lại còn 3,5%. Điều này sẽ giúp Ấn Độ vượt Trung Quốc, trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới vào năm 2028.

Ngay cả trong kịch bản bi quan nhất - phù hợp với dự báo 5 năm tới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ duy trì dưới 6,5% và quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ vượt mức đóng góp của Trung Quốc vào năm 2037.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg, cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ là ông V. Anantha Nageswaran lưu ý các chuyên gia không nên so sánh Ấn Độ với Trung Quốc vì quy mô nền kinh tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, ông bày tỏ rằng tiềm năng tăng trưởng kinh tế, dân số trẻ hơn, hệ thống hạ tầng và khả năng mở rộng của tầng lớp trung lưu Ấn Độ (lên tới 800 triệu người) là những điểm cộng với nhà đầu tư nước ngoài.

“Chúng tôi không chỉ cạnh tranh về chi phí, mà còn về thị trường, khả năng tạo ra lợi tức kinh tế, tuân thủ pháp luật và ổn định chính sách...”, ông Nageswaran nói.

Ấn Độ đang đẩy mạnh nâng cấp hệ thống hạ tầng để thu hút vốn và doanh nghiệp nước ngoài. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như hàng không, có bằng chứng cho thấy những kỳ vọng tăng trưởng của Ấn Độ có thể thành hiện thực.

Tính riêng năm ngoái, Ấn Độ có khoảng 148 sân bay, kém Trung Quốc hơn 100 cơ sở. New Delhi đặt mục tiêu nâng con số lên 220 vào năm tới.

Cùng năm đó, IndiGo (hãng hàng không lớn nhất nước này) và Air India đã đặt kỷ lục 970 máy bay với Airbus và Boeing. Hãng hàng không mới nhất là Akasa cũng đặt mua 150 tàu bay từ Boeing vào đầu năm nay.

Ông Salil Gupte, Giám đốc Boeing Ấn Độ, cho biết sự xuất hiện của nhiều sân bay và startup hàng không mới - cùng với nhu cầu nội địa ngày càng tăng - đang thúc đẩy nhu cầu về máy bay.

Hồi tháng 1 năm nay, Boeing đã khánh thành một trung tâm kỹ thuật ở Bengaluru với chi phí 200 triệu USD, đồng thời hứa hẹn chi thêm 100 triệu USD cho cơ sở hạ tầng và đào tạo phi công trong hai thập kỷ tới. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của gã khổng lồ này bên ngoài thị trường Mỹ.

Câu chuyện của nhà sản xuất theo hợp đồng Dixon Technologies cũng là một tín hiệu tốt khác. Công ty Ấn Độ này vừa động thổ xây dựng một nhà máy lắp ráp điện thoại di động rộng gần 93.000 m2 ở Noida.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Sunil Vachani, nhà đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Dixon, cho biết lực lượng lao động của công ty đã tăng từ khoảng 9.000 trước đại dịch lên khoảng 26.000 người.

Dixon đang hưởng lợi từ mối quan hệ làm ăn với các khách hàng mới như nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Xiaomi và Hàn Quốc Samsung Electronics.

“Những gì chúng tôi từng thấy ở Trung Quốc là những nhà máy lớn, nơi hàng nghìn người làm việc trong một khuôn viên và sống trong đó. Chúng tôi cũng đang cố gắng tái hiện khung cảnh đó ở Ấn Độ”.

Thách thức cần giải quyết

Dù mất nhiều năm thúc đẩy, lĩnh vực sản xuất vẫn chỉ chiếm khoảng 15,8% sản lượng kinh tế của Ấn Độ, thấp hơn mức 26,4% của Trung Quốc, theo số liệu chính thức năm 2023.

Phân tích của Bloomberg Economics chỉ ra, ngay cả khi lĩnh vực sản xuất liên tục tăng trưởng cao hơn 3 điểm % so với tăng trưởng GDP, phải đến năm 20240 thì Ấn Độ mới đạt được mục tiêu của Thủ tướng Modi là nâng tỷ lệ đóng góp của ngành này vào sản lượng kinh tế chung lên 25%.

Gia tăng năng lực sản xuất là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tại Ấn Độ. Nguyên nhân là lĩnh vực dịch vụ hiện không tạo ra đủ việc làm và thường chỉ tuyển dụng những lao động có trình độ cao, trong khi lĩnh vực sản xuất phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng lớn công nhân có tay nghề thấp hơn.

Giáo sư Sabyasachi Kar tại Viện Tăng trưởng Kinh tế cho hay: “Chúng ta có lượng lớn lao động dư thừa trong lĩnh vực nông nghiệp, họ đâu thể viết code ngay ngày mai”.

Lĩnh vực sản xuất chính là chìa khoá để Ấn Độ “đưa những người này ra khỏi ngành nông nghiệp và có việc làm”, vị giáo sư gợi ý.

 

Một trở ngại lớn khác của Ấn Độ là tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đang thực sự làm việc hoặc tìm việc.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp nhất thế giới - ở mức 55,4% vào năm 2022, thấp hơn con số 76% của Trung Quốc. Ở nữ giới, tỷ lệ này còn thấp hơn khi chưa đến 1/3 phụ nữ Ấn Độ trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường việc làm.

Về giải pháp, trước tiên Ấn Độ nên nâng cao cơ hội việc làm của người lao động.

“Ấn Độ có rất nhiều thái cực khác nhau. Họ có những bộ óc thông minh nhất, những học viện lớn có thể cạnh tranh với các trường Ivy League của Mỹ...

...nhưng mức độ đầu tư trung bình vào nhân lực thì không thể so sánh với hầu hết các quốc gia trong khu vực, chứ đừng nói đến các nước phát triển”, nhà kinh tế Alexandra Herman thuộc Oxford Economics cho hay.

Tiếp đến, Ấn Độ cần xây dựng nơi ở cho tất cả công nhân khi họ chuyển từ nông thôn ra thành phố. Chỉ 36% dân số Ấn Độ sống ở thành phố, trong khi tỷ lệ tương ứng ở Trung Quốc là 64%. Ấn Độ cần nhiều thập kỷ đô thị hoá thì mới có thể thu hẹp khoảng cách đó.

Ông Santanu Sengupta, nhà kinh tế của Goldman Sachs ở Mumbai, nhấn mạnh: “Ấn Độ cần nhiều thành phố hơn nữa. Ấn Độ đang đạt được nhiều tiến bộ về kết nối các thành phố, về mạng lưới đường sắt, cơ sở hạ tầng,... Nhưng các vấn đề quan trọng như nước, giao thông, nhà ở vẫn cần phải giải quyết”.

Yên Khê

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I ghi nhận sự xáo trộn lớn khi đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.