Ấn Độ biến đất nước thành công trường khổng lồ, nỗ lực chuyển mình để cạnh tranh Trung Quốc
Biến đất nước thành đại công trường
Mumbai, thủ phủ tài chính của Ấn Độ, đã trở thành một công trường xây dựng khổng lồ. Trên những rào chắn tách biệt công trường với bên ngoài có dòng chữ: “Mumbai đang được nâng cấp”.
Một con đường mới đang được xây dựng dọc theo Biển Ả Rập nhằm giảm bớt tình trạng kẹt xe. Mumbai có những con đường ba làn nhưng thường xuyên bị tắc nghẽn bởi 5 làn xe cộ bấm còi inh ỏi, Wall Street Journal (WSJ) mô tả.
Mumbai cũng đang mở rộng hệ thống tàu điện ngầm để giảm bớt áp lực cho những chuyến tàu hoả chật cứng người từ ngoại ô vào.
Thành phố còn phát triển một tuyến đường sắt kéo dài đến thủ đô New Delhi, kỳ vọng công trình này có thể giảm thời gian vận chuyển hàng hoá dọc đoạn đường dài hơn 1.400 km từ 14 ngày xuống 14 giờ.
Hình ảnh công trường ở khắp Mumbai cho thấy Ấn Độ đang nỗ lực chuyển mình, khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế lâu nay luôn bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng xuống cấp và kém hiệu quả.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã mạnh tay rót vốn để giải quyết vấn đề. Nỗ lực này càng tăng tốc khi chính phủ các nước phương Tây và các công ty đa quốc gia ngày càng lo ngại về việc phụ thuộc vào hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc.
Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, chính phủ nước này đã cấp hơn 10.000 tỷ rupee (tương đương khoảng 120 tỷ USD) chi phí vốn (capex) cho năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2024. Con số này cao hơn 37% so với năm tài khoá trước đó và cao hơn hai lần số tiền mà New Delhi đã chi tiêu trong năm 2019.
Tính chung, chính phủ Ấn Độ đã công bố hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng cho giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 với tổng giá trị gần 2.000 tỷ USD.
Theo cơ quan xúc tiến đầu tư của Ấn Độ là Invest India, phần lớn nguồn vốn dự kiến sẽ đến từ chính quyền trung ương và địa phương, dù New Delhi kỳ vọng khu vực tư nhân sẽ tài trợ khoảng 22%.
Các công trình được rót vốn bao gồm đường bộ, đường sắt, phát triển đô thị và nhà ở, năng lượng và thuỷ lợi.
Những quả ngọt đầu tiên
Quy mô xây dựng trong những năm gần đây rất đáng kinh ngạc, WSJ nhận xét.
Theo Bộ Giao thông Đường bộ và Đường cao tốc, Ấn Độ có hơn 144.000 km đường quốc lộ vào cuối năm tài chính vừa qua, gần gấp đôi so với khoảng 79.000 km một thập kỷ trước đó. Hàng trăm km đường được thông xe mỗi tháng.
OECD cho biết Ấn Độ hiện có nhiều km đường sắt điện khí hoá hơn Anh hoặc Pháp. Các siêu dự án đầy tham vọng đang trong quá trình xây dựng bao gồm một chuỗi cảng biển mới hoặc cảng biển được cải tạo lại dọc bờ biển nước này.
Nhiều cây cầu và đường hầm đang kết nối các tỉnh vùng sâu vùng xa và những trang trại năng lượng mặt trời đang mọc lên để cung cấp điện cho những ngôi nhà và nhà máy.
Hệ thống giao thông công cộng quy mô và hiện đại xuất hiện ở hàng chục thành phố. Tàu cao tốc đang kết nối nhiều thành phố với nhau.
Ông Zarir N. Langrana, Giám đốc cấp cao của Tata Chemicals, một công ty con của gã khổng lồ công nghiệp Tata Group, cho hay: “Chúng tôi cực kỳ quan tâm tới sự hiệu quả của chuỗi cung ứng”.
Vị giám đốc cho biết những cải thiện về cơ sở hạ tầng không chỉ giới hạn ở những con đường mới. Chúng còn bao gồm các hệ thống lưu trữ thông tin cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Mặc dù ông Langrana cho rằng các cảng nhỏ của Ấn Độ cần được nâng cấp nhiều hơn, nhìn chung nền kinh tế tỷ dân đã đạt được những bước tiến đáng kể, có thể xử lý khối lượng thương mại quốc tế ngày càng lớn.
Theo WSJ, quả thực có một số dấu hiệu cho thấy những thay đổi của Ấn Độ đang mang lại kết quả tốt.
Các khoản chi khổng lồ đang giúp thúc đẩy nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết chi phí vốn và tăng trưởng năng suất sẽ là động lực lớn nhất cho sự phát triển của Ấn Độ trong những năm tới.
Đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp như Apple hay Foxconn đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm qua, lên khoảng 50 tỷ USD vào năm 2022.
Ông Wes Burgess, Giám đốc phụ trách sản phẩm của Cocona, công ty Mỹ chuyên sản xuất vật liệu điều chỉnh nhiệt dùng trong may mặc và chăn ga gối đệm, lần đầu đến Ấn Độ vào năm 2020 để tìm kiếm cơ hội đầu tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Vị giám đốc đã tìm được đối tác sản xuất trên khắp Ấn Độ và cả những khách hàng lớn ở Delhi và Bengaluru, đồng thời nhìn thấy tiềm năng ở một thị trường tiêu dùng khổ lồ như quốc gia Nam Á này.
Ông đã trở lại Ấn Độ vài lần kể từ chuyến thăm đầu tiên đó và nói rằng mỗi lần trở lại đều bị ấn tượng bởi quy mô xây dựng hạ tầng đang diễn ra.
“Ở khắp mọi nơi đều có công trình mới mọc lên”, ông chia sẻ với WSJ. Chuyến tàu tốc hành đưa ông đi từ Mumbai đến Ahmedabd cảm tưởng như “vừa bay” và Ấn Độ hiện có một số sân bay tốt nhất thế giới.
Thách thức trong cuộc chuyển mình
Các nhà kinh tế cho rằng Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài trước khi có được hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết để tiến vào hàng ngũ những nền kinh tế có thu nhập cao hơn.
Họ cho rằng Ấn Độ vẫn tụt hậu so với Trung Quốc, quốc gia đã dành nhiều thập kỷ đầu tư số tiền khổng lồ vào cơ sở hạ tầng để củng cố vị thế là công xưởng của thế giới.
“Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ có tốt lên rõ rệt hay không? Câu trả lời là có. Liệu có đủ tốt để Ấn Độ hiện thực hoá những khát vọng của mình hay không? Câu trả lời là chưa. Họ vẫn đang trong quá trình cải tiến”, ông Arup Raha, trưởng bộ phận phân tích kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho hay.
Trên thực tế, hệ thống đường sắt cũ kỹ, đường sá chất lượng kém và mạng lưới điện chắp vá khiến Ấn Độ phải đứng bên lề chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Mạch chi tiêu của nước này tăng vọt là để thay đổi thực trạng đó.
Theo số liệu thống kê chính thức, sản lượng điện trung bình hàng tháng trong 12 tháng tính đến tháng 8 năm nay đã tăng 42% so với một thập kỷ trước, nhưng đôi khi nhu cầu vẫn có thể vượt xa nguồn cung.
Vào tháng 8 khô hạn, Ấn Độ đã phải đốt nhiều than hơn dự kiến do lưới điện buộc phải đáp ứng nhu cầu điện tăng vọt của hệ thống tưới tiêu.
Một thập kỷ trước, các tập đoàn lớn của Ấn Độ cũng từng khởi xướng nhiều dự án đường sá và lưới điện lớn, được thúc đẩy bởi các khoản vay giá rẻ từ những ngân hàng quốc doanh.
Tuy nhiên, nhiều dự án không bao giờ hoàn thành vì vướng vào rắc rối pháp lý liên quan đến việc thu hồi đất từ nông dân và tranh chấp chính trị giữa các bang và chính quyền trung ương.
Ông Saugata Bhattacharya, kinh tế trưởng của ngân hàng Axis tại thị trường Ấn Độ, nhận xét: “Tất cả [nỗ lực] trước kia đều khá chắp vá”.
Ngày nay, các nhà kinh tế nhận thấy chính quyền trung ương ở New Delhi và các cấp địa phương đều đã nhất trí về nhu cầu tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng của Ấn Độ.
Các dự án phát triển đường bộ, đường sắt và năng lượng hầu hết được chính quyền trung ương tài trợ hoặc bảo lãnh. Đây là một phần trong kế hoạch chung nhằm hoàn thiện 10.000 dự án để đưa nền kinh tế Ấn Độ tiến gần hơn đến cột mốc 5.000 tỷ USD vào năm 2025.