|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Là khối kinh tế đối trọng với G7, BRICS lớn đến đâu và đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng toàn cầu?

17:59 | 22/08/2023
Chia sẻ
Trung Quốc muốn đưa BRICS trở thành nhóm các quốc gia đối trọng với G7 cả về phương diện kinh tế lẫn địa chính trị. Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các thành viên hiện tại là điểm yếu lớn của BRICS.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn nhất trong BRICS. (Ảnh: AFP).  

Sự ra đời 

50 năm trước, các bộ trưởng tài chính từ Anh, Mỹ, Pháp và Tây Đức đã gặp gỡ không chính thức tại thư viện ở tầng trệt Nhà Trắng để thảo luận về tình hình tiền tệ quốc tế lúc bấy giờ. Đây là câu chuyện về nguồn gốc của G7.

Nhóm các quốc gia này nhanh chóng mở rộng, kết nạp Nhật Bản, Canada và Italy để củng cố khối các nền kinh tế phi cộng sản lớn nhất vào thời điểm đó. Do các quốc gia công nghiệp hóa được hưởng lợi lớn nhất từ sự bùng nổ của năng suất thời hậu chiến, 7 nước này là những gã khổng lồ về kinh tế, thường xuyên đóng góp khoảng 30-40% cho GDP toàn cầu.

Tuy nhiên gần đây, một nhóm quốc gia khác đã nổi lên và chiếm lấy vị trí cho riêng mình trong trật tự kinh tế toàn cầu, đó là BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất của BRIC diễn ra vào năm 2009 với sự góp mặt của lãnh đạo 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Một năm sau Nam Phi được kết nạp.

Ban đầu những nước này tập hợp với nhau để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Song, trong thập kỷ qua, BRICS đã trở thành đối thủ kinh tế với G7. Nhóm BRICS hiện chiếm 42% dân số thế giới, đóng góp cho 23% GDP toàn cầu và 16% thương mại toàn thế giới. Do đó, BRICS có rất nhiều quyền lực nếu các thành viên đồng lòng hiệp lực với nhau.

Một trong những thế mạnh đặc biệt khác của khối BRICS là nông sản. Có tới 4 trong số 5 thành viên của BRICS nằm trong danh sách 10 quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất trên thế giới, với Nam Phi là ngoại lệ. Điều này đồng nghĩa với việc BRICS có khả năng chi phối đáng kể tới áp lực giá của các nước khác trên thế giới thông qua chính sách xuất khẩu.

 

Thế mạnh của BRICS

So với G7, các quốc gia thuộc khối BRICS có tương đối ít điểm chung. Các thành viên khác nhau cả về mặt chính trị, kinh tế lẫn quân đội. Tuy nhiên, BRICS vẫn gắn bó nhờ một số chức năng chính.

Việc tham gia BRICS đem lại danh tiếng cho các quốc gia, đặc biệt là với những thành viên gặp khó khăn. Kể từ năm 2013, Trung Quốc và Ấn Độ mỗi năm tăng trưởng khoảng 6%. Trong giai đoạn đó, trung bình Nga, Nam Phi và Brazil chỉ tăng trưởng chưa đến 1% một năm, tờ Economist cho biết. Do vậy, việc là quốc gia Mỹ Latinh và châu Phi duy nhất trong BRICS cho phép Brazil và Nam Phi thể hiện sức ảnh hưởng tại châu lục của mình.

BRICS cũng hỗ trợ cho các thành viên trong giai đoạn bị cô lập. Ngày nay, Nga cần BRICS hơn bao giờ hết. Tại một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao, phóng viên tờ Economist hỏi Đại sứ Nga tại Nam Phi rằng Moscow tham gia BRICS vì mục đích gì. Ông đáp: “Để kết thêm bạn”.

Nga sẽ có thêm bạn bởi Bắc Kinh muốn kết nạp thêm các nước khác vào nhóm. Việc Mỹ tập hợp các đồng minh đang thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm một tổ chức ngang hàng và đối lập với phương Tây thông qua BRICS.

Ngoài việc mở rộng mối quan hệ quốc tế cho các nước thành viên, BRICS cũng nỗ lực thực hiện các dự án kinh tế chung.

Khối này đã thành lập hai tổ chức tài chính nhằm đối trọng với những thể chế tài chính toàn cầu là World Bank và IMF. “World Bank thu nhỏ”, theo cách gọi của Bộ trưởng Tài chính Nga, là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB). Kể từ khi được thành lập vào năm 2015, NDB đã cho gần 100 dự án vay 33 tỷ USD.

 

Năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng BRICS đang nỗ lực tạo ra “đồng tiền dự trữ quốc tế”.

Theo Viện Lowy, kế hoạch về đồng tiền này sẽ là một trong những chủ đề được đem ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS được tổ chức trong tuần này. Nhiều người đồn đoán rằng đồng tiền BRICS sẽ được đảm bảo bởi vàng.

Nhiều ngân hàng trung ương đang tích trữ vàng. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nhận thấy rằng hai tháng đầu năm nay là giai đoạn mà Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ mua vàng với tốc độ kỷ lục.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy BRICS đang tích trữ vàng để chuẩn bị cho đồng tiền mới của họ. Thổ Nhĩ Kỳ và hàng chục quốc gia khác đã đăng ký trở thành thành viên của BRICS.

Trong khi đó, tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương các nước BRICS lại có xu hướng giảm. Có vẻ như các quốc gia này đang hướng đến một hệ thống tài chính quốc tế mới.

 

Điểm yếu đáng lo ngại

Sự trỗi dậy của BRICS trên phương diện kinh tế đã làm thay đổi cán cân địa chính trị toàn cầu. Sức mạnh ngày càng lớn của BRICS mang lại cho các quốc gia thành viên năng lực tài chính để bảo vệ các ý tưởng chính trị khác với phương Tây.

Mỹ và các đồng minh đã nỗ lực cô lập Nga khi nước này đem quân sang Ukraine. Song, các nước thành viên BRICS đã mở đường sống cho nền kinh tế và nền ngoại giao của Moscow.

Trung Quốc và Ấn Độ từ chối lên án Nga tại Liên Hợp Quốc và tiếp tục mua dầu mỏ Nga, cung cấp cho nước này nguồn doanh thu quan trọng từ hoạt động xuất khẩu. Tổng cộng, Nga đã tham gia 166 sự kiện của BRICS trong năm 2022.

Tuy đây là diễn biến đáng ngại với G7, nhóm 7 nền kinh tế phát triển này vẫn đang nắm giữ ảnh hưởng vô song trên trường quốc tế. Năm 2022, GDP danh nghĩa của các nước G7 đạt 46.000 tỷ USD, lớn hơn hẳn con số của BRICS là 27.700 tỷ USD, Visual Capitalist cho biết.

Ngoài ra, loạt biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây phối hợp giáng vào Nga cũng như viện trợ quân sự mà họ gửi đến Ukraine cho thấy G7 vẫn có ảnh hưởng to lớn về mặt tài chính và chính trị. 

BRICS không có được sự đoàn kết như G7. Trung Quốc muốn thúc đẩy BRICS trở thành đối thủ toàn diện với G7 trong hội nghị tuần này. Một quan chức Trung Quốc nói với tờ Financial Times: “Nếu chúng tôi mở rộng BRICS để chiếm tỷ trọng tương đương G7 trong GDP thế giới, thì tiếng nói chung của chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn”.

Tổng thống Nam Phi đã mời hơn 60 nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Johannesburg. Vị tổng thống cho biết khoảng 23 nước muốn tham gia vào BRICS.

Tuy nhiên, ý muốn kết nạp thêm thành viên của Bắc Kinh đã làm lộ ra sự chia rẽ trong BRICS. Ấn Độ xung đột với Bắc Kinh về việc mở rộng này. Khác với Trung Quốc, Ấn Độ muốn BRICS tập trung vào lợi ích kinh tế của các nước đang phát triển, thay vì trở thành lực lượng chính trị công khai thách thức phương Tây.

Brazil và Nam Phi cũng muốn tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo với phương Tây. Các cường quốc phương Tây hiện nằm trong nhóm những đối tác rót nhiều vốn FDI vào hai nước này nhất. Brazil cũng đang cố gắng tham gia vào một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu.

Một vấn đề gây chia rẽ khác liên quan đến giá trị của BRICS với tư cách là một nhóm riêng biệt. Ngoại trưởng Brazil muốn bảo vệ “thương hiệu” của BRICS. Nam Phi cũng thích là đại diện duy nhất của châu Phi trong khối. Trung Quốc sẽ thấy mạnh lên khi BRICS có đông thành viên hơn, nhưng những nước khác sẽ thấy vị thế của họ yếu đi.

Hội nghị thượng đỉnh tuần này sẽ là thời điểm quyết định đối với BRICS. Việc mở rộng sẽ cho thấy tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cả nhóm. Nhưng nếu đề xuất của Trung Quốc bị chặn thì sự chia rẽ giữa các thành viên sẽ càng trở nên nổi bật. 

Giang