Ấn Độ liên tục đón 'đại bàng' đến làm tổ, thế mạnh không chỉ ở 1,4 tỷ dân
Thời điểm không thể thuận lợi hơn
Hơn một tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Mỹ, theo lời mời của Tổng thống Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden.
Ngoài việc dùng bữa tối cùng ông Biden, nhà lãnh đạo Ấn Độ còn trò chuyện cùng nhiều nhà lập pháp, doanh nhân, chuyên gia kinh tế, chuyên gia y tế và nhà khoa học của Mỹ.
Tờ Bloomberg nhận xét chuyến thăm của ông Modi diễn ra vào thời điểm không thể thuận lợi hơn. Mới tháng trước, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã rơi vào suy thoái và nhiều quốc gia khác trong khu vực đang tiếp tục gặp khó khăn.
Ngay cả siêu cường số một thế giới là Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế riêng. Ngay tại châu Á, nhiều nước láng giềng của Ấn Độ cũng phải chật vật để bảo vệ tăng trưởng.
Giữa bức tranh nhiều gam màu tối, Ấn Độ bật lên như một ngôi sao sáng và chuyến thăm của ông Modi hứa hẹn sẽ mang thêm nhiều cơ hội đến cho đất nước.
CEO Elon Musk cho biết Tesla có thể sẽ rót thêm vốn vào Ấn Độ, đồng thời vị tỷ phú còn thúc giục nhà sáng lập quỹ Bridgewater Associates Ray Dalio đẩy mạnh đầu tư vào nền kinh tế này.
General Electric và Hindustan Aeronautics nhiều khả năng sẽ ký một thoả thuận lớn để sản xuất động cơ cho máy bay chiến đấu của Ấn Độ.
Gã khổng lồ Amazon cũng tuyên bố sẽ đầu tư thêm 15 tỷ USD vào Ấn Độ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trong đó có kế hoạch rót 12,7 tỷ USD nhằm xây dựng hạ tầng đám mây để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng.
Apple, trong xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ, sẽ tiếp tục lắp ráp iPhone tại đây thông qua các nhà sản xuất hợp đồng Đài Loan. Chia sẻ với Reuters, một bộ trưởng Ấn Độ cho biết Apple có thể sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba khoản đầu tư vào nước này trong vài năm tới.
Dữ liệu từ Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ cho thấy trong giai đoạn tháng 4/2022 - 2/2023, iPhone lắp ráp tại Ấn Độ chiếm hơn 50% tổng số điện thoại thông minh xuất khẩu từ quốc gia này.
Các nhà đầu tư đều nhất trí rằng nền kinh tế Ấn Độ đang trải qua một ‘giai đoạn thuận lợi hiếm thấy'
Xét từ nhiều khía cạnh, thành công của Ấn Độ không phải do ăn may, mà là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố liên quan đến vị trí địa lý, lực lượng lao động, triển vọng kinh tế, thị trường chứng khoán và tiềm năng tiêu dùng.
"Đất lành chim đậu"
Vị trí địa lý lý tưởng
Ấn Độ là một quốc gia nằm ở khu vực Nam Á, sở hữu vị trí chiến lược trong hoạt động thương mại quốc tế.
Đầu tiên, Ấn Độ là điểm giao của Trung Á, Đông Á và Tây Á, đồng thời nằm gần các thị trường lớn như Trung Quốc và Nhật Bản. Vị trí này giúp Ấn Độ trở thành một địa điểm lý tưởng để trung chuyển hàng hóa giữa các khu vực.
Bên cạnh đó, Ấn Độ còn có thể dễ dàng tiếp cận các tuyến đường biển chính kết nối Trung Đông, châu Phi, châu Âu và Đông Nam Á. Bờ biển của quốc gia này trải dài hơn 7.500 km, có một số cảng lớn đóng vai trò là cửa ngõ thương mại quốc tế.
Kênh đào Suez mở vào năm 1869 có ảnh hưởng tích cực đến ngoại thương của Ấn Độ. Con kênh đã rút ngắn quãng đường vận chuyển từ châu Á sang châu Âu khoảng 7.000 km.
Theo tờ Economic Times, giao dịch thương mại của Ấn Độ với các khu vực địa lý qua kênh đào Suez đạt tới 200 tỷ USD mỗi năm.
Lực lượng lao động dồi dào
Dân số là một trong những tài sản quý giá nhất của Ấn Độ, mang lại cơ hội to lớn cho nền kinh tế của nước này.
Tháng 4 năm nay, số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy Ấn Độ đã chính thức soán ngôi Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Dân số của Ấn Độ đạt 1.425.782.975 người, cao hơn gần 35.000 so với Trung Quốc.
Trong một báo cáo công bố vào năm 2021, tổ chức OECD cho biết số dân trong độ tuổi lao động của Ấn Độ là hơn 900 triệu và dự kiến sẽ chạm mốc 1 tỷ trong một thập kỷ tới.
Ở báo cáo khác, hãng phân tích Boston Consulting cho biết Ấn Độ đang sở hữu nhóm các nhà khoa học và kỹ thuật viên lớn thứ ba trên thế giới.
Liên Hợp Quốc lưu ý rằng Ấn Độ đang có dân số trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên lớn nhất từ trước đến nay. Nước này sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất trên thế giới cho đến năm 2030.
Theo Worldometer, độ tuổi trung vị tại Ấn Độ là 28,4, trong khi ở Mỹ, Trung Quốc và Anh là 38,3, 38,4 và 40,5.
Nhìn chung, với quy mô dân số như vậy, nền kinh tế quốc gia Nam Á đã và đang được hưởng lợi lớn từ nguồn cung lao động dồi dào, tương đối trẻ trung và được đào tạo bài bản của mình.
Nền kinh tế vững vàng
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Modi đã khởi xướng kế hoạch “Make in India” (tạm dịch: sản xuất tại Ấn Độ) với mục đích phát triển các ngành chế tạo chính như điện tử, ô tô, y tế, điện năng, điện mặt trời, hoá chất và dệt may.
New Delhi cũng có sự điều chỉnh lớn về chính sách đất đai, thuế cũng như cải cách về cơ cấu nhằm thu hút FDI. Chính phủ đã thông qua kế hoạch cấp đất tại các khu vực bỏ trống hoặc các đặc khu kinh tế (SEZ) cho doanh nghiệp nước ngoài.
Đầu năm 2023, chính quyền ông Modi thông báo chi tiêu vốn (capital expenditure) của Ấn Độ sẽ tăng năm thứ ba liên tiếp lên 10.000 tỷ rupee (tương đương 122 tỷ USD), cao hơn năm trước 33% và tương đương 3,3% GDP.
Chi tiêu sẽ tập trung vào các hạng mục như đường sắt, đường bộ, nhà máy điện, mạng viễn thông và nhà ở giá rẻ, theo Nikkei Asia.
Chỉ riêng đường sắt đã được phân bổ hơn 29,2 tỷ USD - mức chi tiêu cao nhất cho hạng mục này từ trước đến nay và gấp khoảng 9 lần so với số tiền được cấp vào năm tài khoá kết thúc vào tháng 3/2014, trước khi ông Modi trở thành thủ tướng.
Ngoài ra, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang giúp Ấn Độ hưởng lợi. Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển một phần dây chuyền từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam.
Chưa kể, chính sách trung lập của chính quyền New Delhi giúp Ấn Độ có thể duy trì quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nước, tạo bước đệm cho quan hệ ngoại thương.
Tất cả các yếu tố trên đã giúp Ấn Độ mang đến hình ảnh của một trung tâm sản xuất toàn cầu, có khả năng thay thế “công xưởng thế giới” Trung Quốc và qua đó giúp củng cố nền kinh tế nội địa.
Dữ liệu từ Cục Xúc tiến Công nghiệp và Thương mại Nội địa Ấn Độ cho thấy, nước này đã hút dòng vốn FDI kỷ lục là 83,57 tỷ USD vào năm tài khoá 2021 - 2022.
Đầu năm nay, IMF nhận định Ấn Độ sẽ là một “điểm sáng” của bức tranh kinh tế toàn cầu, đồng thời đóng góp 15% vào tăng trưởng chung.
Nhìn xa hơn, S&P Global dự báo quốc gia Nam Á sẽ vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến đạt trung bình 6,3%.
Thị trường chứng khoán ở đỉnh cao
Theo dữ liệu của Bloomberg, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã hút ròng gần 10 tỷ USD vốn nước ngoài kể từ tháng 3 đến cuối tháng 6. Đây là khoản đầu tư lớn nhất mà thị trường này nhận được trong một quý kể từ cuối năm 2020.
Dòng vốn nước ngoài và sự bùng nổ của hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ đã kéo chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ lên mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ riêng trong quý II, chỉ số này đã tăng gần 9%.
Chỉ số Sensex cũng tăng đều đặn trong ba tháng qua và đạt mức kỷ lục 63.588 điểm vào phiên 22/6 nhờ sự thúc đẩy của các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí nước ngoài. Sensex là chỉ số theo dõi 30 công ty lớn nhất thị trường chứng khoán Ấn Độ tính theo vốn hoá và thiên về nhóm cổ phiếu tài chính.
Ông Vijay Chandok, Giám đốc điều hành của hãng dịch vụ tài chính ICICI Securities, nhận xét: “Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đang đóng vai trò là chất xúc tác cho đợt tăng giá hiện tại của thị trường”.
Chứng khoán Ấn Độ hiện đang chiếm khoảng 3,3% vốn hoá thị trường toàn cầu. Hồi tháng 5, Ấn Độ đã giành lại vị trí thị trường chứng khoán lớn thứ 5 thế giới sau khi để lọt vào tay Pháp vào tháng 1.
Thị trường tiêu dùng giàu tiềm năng
Lĩnh vực tiêu dùng đang trong đà tăng trưởng tích cực cũng giúp Ấn Độ chống các cú sốc kinh tế bên ngoài cũng như thu hút các đại gia bán lẻ đến lập “căn cứ”.
Chia sẻ khi Apple mở cửa hàng đầu tiên tại đây, CEO Tim Cook cho biết với 2/3 dân số trong độ tuổi lao động, Ấn Độ trở nên nổi bật với sự “sôi động” và “năng lượng”.
Điều này tương phản với rất nhiều quốc gia châu Á đang vật lộn với quy mô dân số ngày càng thu hẹp. Đây là điểm cộng cho thị trường tiêu dùng Ấn Độ, vị CEO nhấn mạnh.
Ở một sự kiện khác ở Hong Kong vào đầu tháng 6, ông Mark Mobius, đối tác sáng lập Mobius Capital Partners, cho hay: “Điều tuyệt vời ở Ấn Độ là với 1,4 tỷ dân, bạn có thể nhảy vào bất kỳ lĩnh vực nào, bởi họ có cả một thị trường nội địa”.
Theo Viện Brookings, Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành “thị trường tiêu dùng trẻ” lớn nhất thế giới vào năm 2030. Thu nhập khả dụng của người dân tăng nhanh sẽ thúc đẩy nhu cầu của mọi loại hàng hoá, từ xe cộ, điện thoại đến xa xỉ phẩm.
Vẫn còn thách thức
Tuy có môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi so với phần còn lại của thế giới và thu hút dòng vốn ngoại mạnh mẽ trong năm nay, Ấn Độ vẫn đối mặt với những thách thức nhất định. Một trong số đó là việc đồng rupee giảm giá so với đồng USD.
Sự mất giá của đồng nội tệ là một dấu hiện của lạm phát. Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ ba thế giới và nhập khẩu hơn 80% năng lượng từ các nước khác.
Đồng rupee suy yếu gây áp lực lên giá dầu thô và các nguyên liệu thô nhập khẩu, dẫn đến lạm phát nhập khẩu cao hơn. Chi phí sản xuất công nghiệp và giá hàng tiêu dùng trong nước do đó cũng tăng theo.
Hầu hết nhà kinh tế cảnh báo lạm phát là rủi ro lớn nhất của Ấn Độ trong năm nay. Lạm phát được dự đoán sẽ đạt trung bình 5,1% trong năm nay và 4,8% vào năm tới, cao hơn mục tiêu trung hạn 4% của ngân hàng trung ương.
Việc mưa gió mùa đến muộn cũng đe doạ triển vọng tăng trưởng và lạm phát. Mưa gió mùa thường diễn ra vào đầu tháng 6 nhưng năm nay lại tới trễ hơn.
Gần 44% dân số Ấn Độ phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp, theo số liệu năm 2021. Gió mùa cung cấp hơn 2/3 lượng mưa của nước này.
Số liệu của World Bank vào năm 2015 cho thấy, chưa đến 40% diện tích đất nông nghiệp của Ấn Độ được tưới tiêu đầy đủ, khiến phần còn lại phải phụ thuộc hoàn toàn vào mưa gió mùa.
Bất kỳ sự thiếu hụt nào cũng có thể làm dấy lên nỗi lo về hoạt động sản xuất lương thực. Nếu sản lượng nông sản bị ảnh hưởng, giá lương thực có thể bật tăng và lạm phát cũng vậy.
Chính phủ cũng buộc phải chi thêm tiền để nhập khẩu thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Đồng thời, chính phủ còn phải trợ cấp cho nông dân, gây thất thoát nguồn thu ngân sách và đè nặng lên chi tiêu tài khoá.