|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khảo sát doanh nghiệp Mỹ: Ấn Độ và Việt Nam là điểm đến ưu tiên khi đa dạng hoá chuỗi cung ứng

16:46 | 28/01/2024
Chia sẻ
Các doanh nghiệp Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là một mắt xích rủi ro trong chuỗi cung ứng của họ, trong khi Ấn Độ và Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi khi các công ty tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Một dây chuyền sản xuất smartphone tại Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg).

Lựa chọn Ấn Độ

Công ty nghiên cứu thị trường OnePoll của Anh vừa thực hiện một khảo sát trên 500 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, tờ CNBC thông tin. Kết quả cho thấy 61% sẽ chọn Ấn Độ thay vì Trung Quốc nếu cả hai nước đều có thể chế tạo sản phẩm từ các nguyên vật liệu giống nhau.

Bên cạnh đó, khoảng 56% người tham gia khảo sát ưu tiên chọn Ấn Độ làm một phần trong chuỗi cung ứng của họ trong 5 năm tới. Ngoài ra, 59% nhận thấy việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc là “hơi rủi ro” hoặc “rất rủi ro”. Tỷ lệ nhận định tương tự đối với Ấn Độ là 39%.

Ít nhất 25% giám đốc cấp cao tham gia cuộc khảo sát do nền tảng India Index ủy thác thực hiện đang không nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc hay Ấn Độ.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC, ông Samir Kapadia, CEO của India Index, cho hay: “Các công ty Mỹ đang coi Ấn Độ là một chiến lược đầu tư dài hạn chứ không phải là một điểm đến ngắn hạn để tránh né thuế quan”.

Mối quan hệ nồng ấm giữa Mỹ và Ấn Độ, cùng với chính sách “friend-shoring” mà Tổng thống Joe Biden thúc đẩy nhằm khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đa dạng chuỗi cung ứng khỏi thị trường Trung Quốc cũng giúp Ấn Độ trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Mối quan hệ nói trên vừa bước sang một chương mới khi Thủ tướng Narendra Modi thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhà Trắng vào tháng 6 năm ngoái. Tại đó, hai bên đã ký kết một loạt thoả thuận lớn về quốc phòng, công nghệ và đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Trong thời gian gần đây, không ít doanh nghiệp đã tuyên bố kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ. Đầu tháng này, Maruti Suzuki tiết lộ sẽ rót 4,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy thứ hai ở quốc gia Nam Á.

Hãng xe điện VinFast của Việt Nam cũng cho biết vào đầu tháng 1 rằng họ dự kiến sẽ chi khoảng 2 tỷ USD để thành lập nhà máy ở Ấn Độ, CNBC nêu ví dụ.

Rủi ro vẫn còn

Tuy doanh nghiệp Mỹ lạc quan về Ấn Độ là vậy, họ vẫn thận trọng về năng lực chuỗi cung ứng của đất nước đông dân nhất thế giới.

Khảo sát cho thấy 55% số người được hỏi nhận thấy chất lượng sản phẩm là “rủi ro trung bình” mà họ có thể phải đối mặt nếu xây dựng nhà máy ở Ấn Độ.

Vào tháng 9, nhà cung ứng của Apple là Pegatron đã phải tạm ngừng hoạt động tại nhà máy Chengalpattu sau khi hoả hoạn bùng phát.

Bên cạnh đó, rủi ro về giao hàng (48%) và nguy cơ trộm cắp sở hữu trí tuệ (48%) cũng là mối lo ngại của các công ty Mỹ đang nhắm đến thị trường Ấn Độ.

Ông Amitendu Palit, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Nam Á, cảnh báo rằng những doanh nghiệp đang muốn chuyển toàn bộ hoặc một phần chuỗi cung ứng sang Ấn Độ có thể sẽ không thành công như Apple.

“Các công ty khác sẽ không thể ngay lập tức đạt được mức độ hiện diện như Apple. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ có thể phát triển hệ sinh thái nhanh chóng hơn so với nhiều doanh nghiệp khác, vì vậy họ cần phải tính tới yếu tố thời gian”, ông Palit lưu ý với CNBC.

Cả hai ông Palit và Kapadia đều nhất trí rằng việc chuyển toàn bộ chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc là không thể. Ông Kapadia nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ luôn đóng vai trò nền tảng trong chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Mỹ”.

Trao đổi với CNBC, ông Raymund Chao, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của PwC, nói dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ và đây vẫn là “lựa chọn thứ hai” của doanh nghiệp sau Mỹ.

Việt Nam là ưu tiên khác?

Tương tự như Ấn Độ, Việt Nam cũng là lựa chọn tiềm năng của các nhà đầu tư khi áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”. Nhờ vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng 14% so với năm 2022 vào năm ngoái.

Theo dữ liệu của LSEG, doanh nghiệp ngoại đã cam kết rót 29 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2023.

Tuy nhiên, ông Kapadia cho rằng Việt Nam sẽ không thể bắt kịp Ấn Độ. Theo vị CEO, quốc gia tỷ dân này có “một cơ sở khách hàng rất lớn mà Việt Nam không có”.

“Các công ty không đưa ra quyết định đầu tư vì chênh lệch chi phí. Họ rót vốn để tiết kiệm chi phí và tiếp cận thị trường mới. Họ sẽ không có được những lợi ích tương tự khi chuyển sang Việt Nam”, ông nói thêm.

Khả Nhân