Thương mại toàn cầu 'thay da đổi thịt'
Những chuyển động gây chú ý
Đầu tháng 9 năm nay, Việt Nam thu hút truyền thông quốc tế khi Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng quan hệ Mỹ - Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Nhân chuyến thăm của ông Biden, doanh nghiệp hai nước còn công bố hàng loạt thoả thuận đầu tư trị giá hàng tỷ USD trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ đến giáo dục, y tế,...
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt với những thách thức gay gắt khi Liên minh châu Âu mở cuộc điều tra nhằm vào xe điện Trung Quốc do nghi ngờ nhà nước bảo trợ.
Năm 2022, thâm hụt thương mại hàng hoá của EU với Trung Quốc lên đến 420 tỷ USD. Xe điện giá rẻ ồ ạt từ Trung Quốc sang châu Âu, góp phần làm thâm hụt phình to và đe doạ ưu thế của các nhà sản xuất xe hơi trong khu vực.
Cuộc điều tra của EU có thể dẫn đến một số thuế quan trừng phạt với xe điện Trung Quốc. Một số chuyên gia lo sợ cuộc thương chiến mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng chống lại Trung Quốc cách đây 5 năm sẽ tái diễn.
Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ, vào tháng 9 năm ngoái, Apple đã thông báo iPhone 14 sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ, đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược của “táo khuyết” khi mà nhiều năm về trước, hầu hết iPhone đều sẽ sản xuất ở Trung Quốc.
Còn ngay bây giờ, công nhân tại nhà máy mới ở thị trấn công nghiệp Sriperumbudur đang vào guồng để lắp ráp iPhone 15, dòng sản phẩm vừa lên kệ cách đây không lâu. Tất cả những diễn biến trên cho thấy hoạt động thương mại toàn cầu đang có chuyển biến lớn ở cả phía cung lẫn phía cầu.
Bức tranh thương mại tương lai
Hoạt động thương mại toàn cầu vẫn đứng vững vào năm ngoái với mức tăng trưởng dương 2,7%, bất chấp những lực cản mà chiến sự Nga - Ukraine, đại dịch COVID-19 và lạm phát tạo ra.
Trong nửa đầu năm 2023, khối lượng giao dịch thương mại hàng hoá đã giảm 0,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện trong nửa cuối năm, có thể đạt mức 0,8% năm 2023 và năm 2024 có thể tăng 3,3%, theo báo cáo cập nhật đầu tháng 10.
Lạm phát cao đi kèm với xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTW) lớn, triển vọng kinh tế ảm đảm và căng thẳng địa chính trị là các yếu tố chi phối bức tranh thương mại thế giới từ nay đến cuối năm 2024.
Chi phí vận chuyển còn đắt đỏ, giá nguyên liệu thô và tiền lương của người lao động đi lên là những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, đưa các NHTW rơi vào thế khó khi vừa phải khống chế lạm phát vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế và ổn định hệ thống tài chính.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn. Lãi suất chính sách của Fed đang nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm.
Giữa lúc đó, Mỹ vẫn được cảnh báo là có thể rơi vào suy thoái. Mối nguy càng lớn hơn khi tiền tiết kiệm thời đại dịch của người dân cạn kiệt, công nhân đình công tại nhiều thành phố và chính phủ có thể sẽ lại đóng cửa trong tương lai gần.
Eurozone cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng ì ạch trong hai năm tới và Đức - trụ cột của khối - có thể sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy thoái trong năm nay.
Rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu còn bao gồm sự giảm tốc mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc. Mô hình tăng trưởng kiểu cũ của Bắc Kinh đã không còn hiệu quả và nền kinh tế tỷ dân đang bị bủa vây bởi loạt khó khăn.
Hai động cơ tăng trưởng trong quá khứ là xuất khẩu và bất động sản đều lao đao. Khối nợ khổng lồ và cuộc khủng hoảng nhân khẩu học càng ngăn cản Trung Quốc triển khai các cải cách kinh tế sâu rộng.
Theo World Bank, nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay khi tăng trưởng dự kiến đạt 2,1% - thấp hơn 1 điểm % so với năm 2022 và có thể đạt mức 2,4% trong năm 2024.
Ngoài ra, các sự kiện xung đột địa chính trị cũng đóng vai trò chi phối hoạt động thương mại các năm tới. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn đang khiến các công ty phải dịch chuyển chuỗi cung ứng với chiến lược sản xuất “Trung Quốc +1, +2”.
Vậy, doanh nghiệp đang cần gì?
Thời thế khó khăn càng buộc các doanh nghiệp toàn cầu phải đưa ra những quyết định phù hợp để sống sót.
Khảo sát Transition in Trade 2023 do Economist Impact thực hiện trên 3.000 nhà quản lý chuỗi cung ứng cho thấy, doanh nghiệp trên toàn thế giới đang có chung một mục tiêu: Tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động thương mại diễn ra xuyên suốt.
Ngoài việc tìm kiếm những thị trường có chi phí sản xuất rẻ, hiệu quả và năng động, họ cũng muốn sự an toàn trước các rủi ro địa chính trị.
Trong vài năm qua, những gã khổng lồ như Apple, Samsung hay các công ty quy mô nhỏ hơn đều dần dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các cứ điểm sản xuất mới như Việt Nam, Ấn Độ,..., hoặc quay về quê hương mình.
Một số chuyên gia cho rằng toàn cầu hoá đã chết, nhưng có lẽ nó chỉ đang tiếp tục phát triển. Thay vì mang dáng vẻ trước kia, toàn cầu hoá đang “thay da đổi thịt”, hay còn gọi là “tự định hình lại”, theo như lời giáo sư Dani Rodrik của Đại học Harvard từng nói trên Wall Street Journal.
Những xu hướng của tương lai
Như đã nói, hiện tượng toàn cầu hoá đang phát triển thành những xu hướng thương mại mới. Trong đó, nổi bật nhất là đa dạng hoá, reshoring, nearshoring và friendshoring (hay regionalisation).
Đa dạng hoá tiếp tục là chiến lược chủ đạo để doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Trong một nghiên cứu năm ngoái, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận thấy khi doanh nghiệp đa dạng hoá danh sách nhà cung ứng, thiệt hại từ một cú sốc nguồn cung đến GDP toàn cầu sẽ giảm gần 50%.
Đa dạng hoá cũng đóng vai trò quan trọng ở phía cầu. Xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường mới và tung ra sản phẩm mới tại các thị trường hiện tại là hai chiến lược hiệu quả nhất để củng cố sự bền bỉ của hệ thống, khảo sát của Economist Impact chỉ ra.
Xu hướng đa dạng hoá bắt đầu thể hiện rõ nét khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra và càng tăng tốc sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, làm bộc lộ những rủi ro khi doanh nghiệp “bỏ hết trứng vào một chiếc giỏ” là Trung Quốc.
Quả thực, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đã bớt mặn mà với việc rót vốn vào Trung Quốc. Khảo sát công bố vào đầu tháng 9 của Rhodium Group cho thấy, 20% công ty Đức và Anh, cùng 10% doanh nghiệp Mỹ, có ý định giảm đầu tư vào Trung Quốc.
Ông lớn Samsung của Hàn Quốc đã ngừng sản xuất smartphone, TV và PC tại Trung Quốc vào năm 2019 và 2020, sau đó chuyển dây chuyền sang Việt Nam.
Tương tự, Apple đã chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất chính cho các dòng AirPods, đồng thời có kế hoạch sản xuất Macbook tại đây.
“Táo khuyết” cũng chuyển một phần dây chuyền lắp ráp iPhone sang Ấn Độ. Năm 2022, chỉ 5% iPhone được sản xuất bên ngoài Trung Quốc nhưng JPMorgan dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2025.
Song song với đa dạng hoá, reshoring - quá trình đưa hoạt động sản xuất trở lại quê nhà của doanh nghiệp cũng đang tăng tốc, đặc biệt tại Mỹ.
Trong một phân tích về báo cáo kết quả tài chính của doanh nghiệp thuộc S&P 500, Bank of America phát hiện số lượt nhắc đến cụm từ “reshoring” đã tăng 128% so với cùng kỳ vào quý I năm nay.
Mặc dù việc đưa dây chuyền ra nước ngoài thường mang lại lợi ích kinh tế gồm chi phí lao động và sản xuất rẻ, reshoring lại có thể củng cố nền kinh tế quê nhà thông qua tạo lập việc làm và cân bằng thâm hụt thương mại của đất nước.
Theo nhóm vận hành lang Reshoring Initiative, các công ty Mỹ dự kiến sẽ tuyển dụng hơn 406.000 lao động trong lĩnh vực sản xuất trong năm 2023, tăng 11,7% so với năm ngoái.
Động lực đằng sau chuyển biến trên là chính sách đầu tư và trợ cấp của chính quyền Tổng thống Biden cho những lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, xe điện và năng lượng tái tạo. Ước tính, ba gói đầu tư công mà Washington công bố trong năm 2021 và 2022 có giá trị khoảng 2.200 tỷ USD.
Tuy nhiên, một mặt trái của reshoring là nguy cơ xuất hiện các biện pháp bảo hộ thương mại. Đạo luật CHIPS năm 2022 trợ cấp 52,7 tỷ USD để doanh nghiệp xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong 5 năm tới.
Đạo luật trên cấm doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở Trung Quốc và các quốc gia được coi là mối đe doạ an ninh của Mỹ.
Ngoài ra, một bất lợi khác của reshoring là doanh nghiệp có thể sẽ đối mặt với những cú sốc liên quan đến lao động, chẳng hạn như việc tiền lương tăng quá nhanh hoặc đình công trên quy mô lớn.
Tăng trưởng tiền lương tại Mỹ đang bắt kịp đà tăng của lạm phát. Thu nhập trung bình hàng giờ tháng 9 đi lên 0,2% so với tháng 8 và 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, nearshoring và friendshoring là hai phiên bản ít cực đoan hơn của reshoring.
Báo cáo của Economist Impact cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng chiến lược nearshoring/friendshoring đã tăng 8 điểm % so với khảo sát năm trước, trong khi reshoring đi lên 10 điểm %.
Nearshoring - quá trình đưa dây chuyền sản xuất về gần thị trường tiêu thụ - giúp đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hoá từ nhà máy đến tay khách hàng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi trả thuế quan nhập khẩu hàng hoá thấp hơn và tiêu tốn ít chi phí vận chuyển hơn.
Lấy Mỹ làm ví dụ. Năm 2022, Canada và Mexico đã trở thành hai đối tác thương mại hàng hoá lớn nhất của Mỹ với tổng kim ngạch lần lượt đạt 790 tỷ USD và 779,1 tỷ USD, vượt qua Trung Quốc với 690,3 tỷ USD.
Khác với nearshoring một chút, friendshoring là xu hướng đem chuỗi cung ứng đến các nước được xem là an toàn hoặc ít rủi ro về kinh tế và chính trị nhằm tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.
Chính phủ Mỹ từng nhấn mạnh ý định mua các linh kiện và nguyên liệu thô từ những quốc gia “thân thiện” có chung giá trị để tăng cường an ninh cho lĩnh vực chế tạo địa phương.
Việt Nam, Ấn Độ tiếp tục là những nước hưởng lợi lớn từ friendshoring, bên cạnh Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Brazil và một số quốc gia châu Âu.
Trong chuyến công du hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ có tiềm năng để trở thành trung tâm sản xuất quan trọng.
Gần đây, chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam và loạt thoả thuận kinh doanh giữa doanh nghiệp hai bên cho thấy triển vọng thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của đất nước hình chữ S.
Năm 2012, Ấn Độ không lọt nổi nhóm 10 nền kinh tế hút nhiều vốn FDI nhất. Đúng 10 năm sau, nền kinh tế Nam Á này đã chính thức xếp hạng 10, vượt qua nhiều nước phát triển như Đức, Hà Lan và Ireland.
Trong khi đó, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm ngoái đạt gần 27,7 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD - tăng 13,5% so với năm 2021 và nhảy vọt hơn 115% so với năm 2012.
Suy cho cùng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng - từng bị coi là bất thường trong đại dịch đã trở nên phổ biến hơn. Ở diễn biến khác, địa chính trị đang trở thành một trong các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động thương mại toàn cầu.
Trong một môi trường mới, các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu đang tìm cách thích ứng để tồn tại phát triển thông qua đa dạng hoá, reshoring hay friendshoring. Điều này có thể tạo ra những cơ hội mới cho các quốc gia “thân thiện” như Việt Nam.
(Trích đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 10/2023)