GS.Nguyễn Mại: Nâng tầm đầu tư FDI vào Việt Nam
Trải qua 30 năm thu hút FDI, Việt Nam dần trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ban đầu đổ vào hai lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp nhưng thu hút nhiều lao động là dệt may và da giày thì đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư suy thoái, Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư vào sản xuất chip và chất bán dẫn, những lĩnh vực mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của dòng vốn FDI đối với nền kinh tế và vị thế của Việt Nam trên bản đồ thu hút đầu tư toàn cầu, DNVN đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Thưa ông, Việt Nam được đánh giá là một ngôi sao đang lên trong bản đồ thu hút dòng vốn đầu tư FDI nhưng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư suy thoái trên toàn cầu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì
GS. Nguyễn Mại: Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy lớn của thế giới là các cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, xung đột lợi ích giữa Mỹ và Nga hay cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá cả xăng dầu, lương thực, nguyên vật liệu leo thang.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài đạt đỉnh vào năm 2019 hơn 1.500 tỷ USD và sau đó liên tục sụt giảm. Đến năm 2022 còn dưới 1.000 tỷ USD và năm nay cũng không hồi phục được bao nhiêu.
Thứ hai, các nước bắt đầu sử dụng chính sách bảo hộ mậu dịch tức là không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Điển hình như Mỹ hiện đang có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc để chuyển về Mỹ hoặc chuyển sang lân cận.
Song song với đó, các nước lớn cũng có chính sách khuyến khích dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ các quốc gia kém thân thiện sang các nước thân thiện hơn. Trong đó, Mỹ đi đầu trong xu hướng dịch chuyển đầu tư này.
Khi “miếng bánh” đầu tư FDI giảm mạnh thì nếu không có yếu tố đột biến, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam cũng giảm theo xu hướng chung. Hiện thị phần của Việt Nam trong “miếng bánh” FDI chỉ khoảng một vài phần trăm nên con số đầu tư chắc chắn cũng sụt giảm.
Thứ hai là thách thức từ bên trong, môi trường đầu tư của Việt Nam hiện đang gặp thách thức rất lớn đặc biệt là những chủ trương như thuế tối thiểu toàn cầu. Từ năm 2021, OECD đưa ra tuyên bố “Khung giải pháp Hai trụ cột”, trong đó trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, chính sách này đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước là thành viên IF.
Đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Như vậy, nếu Việt Nam có mức thuế thấp thì các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,…sẽ thu thêm phần chênh lệch.
Các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn chịu ảnh hưởng về việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu hiện đều đang chờ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ban hành những chính sách liên quan.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính hay nói với các nhà đầu tư “lợi ích phải hài hoà, rủi ro phải chia sẻ”. Đây là nguyên tắc căn bản mà Thủ tướng nhắc đến với cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn. Trong tháng 10 này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết để thực thi thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu năm 2024 và giao cho Chính phủ ra Nghị định để thực hiện.
Một thách thức nữa là trong những tháng gần đây, kinh tế của Việt Nam giảm sút khá nhiều, tăng trưởng GDP không được như kỳ vọng, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn vô cùng lớn. Chưa bao giờ khó khăn nhiều như giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023, tất cả những điều đó làm cho chất lượng môi trường đầu tư của Việt Nam giảm sút đi rất nhiều.
Mặc dù đứng trước những thách thức lớn nhưng các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao Việt Nam trong thu hút FDI. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút vốn đầu tư FDI năm nay và các năm tiếp theo đặc biệt là sau sự kiện lịch sử nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ?
GS. Nguyễn Mại: Sự kiện nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ tác động vô cùng to lớn đến tình hình đầu tư FDI vào Việt Nam. Cho đến bây giờ, Mỹ đầu tư vào Việt Nam vẫn khá khiêm tốn. Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam mới chỉ đạt hơn 10 tỷ USD vốn đăng ký, còn vốn thực hiện thì chỉ hơn 6 tỷ USD.
Mặc dù vậy, con số này cũng chưa hẳn đầy đủ bởi Mỹ đầu tư vào Việt Nam ngoài những dự án đầu tư trực tiếp còn thông qua cả các công ty con ở nước thứ ba. Số vốn đầu tư thực tế của Mỹ vào Việt Nam có thể cao hơn gấp 2, gấp 3 lần số thống kê song cũng không phải là quá lớn.
Bởi cho dù tăng lên gấp 2, gấp 3 là 20, 30 tỷ USD thì số vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn thấp hơn so với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là khoảng 110, 120 tỷ USD/năm của Mỹ và so với vốn đầu tư của Mỹ vào các nước ASEAN khác như Singapore hay Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Philippines. Vì vậy, với việc nâng cấp quan hệ lần này, các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam đều rất mong chờ.
Tính từ năm 1995, khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia đã tăng mạnh từ 450 triệu USD lên gần 120 tỷ USD, tức 240 lần. Trong khi đó, quan hệ đầu tư lại tăng lên rất thấp. Vì vậy, cả hai bên đều mong muốn tăng cường khả năng hợp tác để có thể phát triển toàn diện quan hệ Việt – Mỹ không chỉ là về phương diện kinh tế, đầu tư, thương mại mà còn cả về an ninh quốc phòng, hợp tác trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ vừa rồi là chuyến thăm lịch sử trong quan hệ hai nước. Đi cùng với đó, các doanh nghiệp của Mỹ đã có những cam kết đầu tư vào Việt Nam.
Vấn đề còn lại chỉ là chờ đợi những thoả thuận cụ thể về công nghệ, hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo…Năm 2024, 2025 sẽ có dòng vốn đầu tư từ Mỹ đổ mạnh vào Việt Nam.
Ngành công nghiệp bán dẫn đang là trọng tâm thu hút vốn FDI thế hệ mới, Việt Nam có những lợi thế gì để thu hút đầu tư với các đối thủ đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Ấn Độ hay Malaysia?
GS. Nguyễn Mại: Một trong những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn là đất hiếm. Cuộc chiến của ngành công nghiệp bán dẫn đang diễn ra rất gay gắt và nó gắn liền với đất hiếm.
Theo ước tính, trữ lượng đất hiếm của thế giới là 120 triệu tấn. Hiện Việt Nam có trữ lượng đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Xếp sau Việt Nam là Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn)…
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, đất hiếm gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hóa đặc biệt. Là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang.
Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Đất hiếm cũng là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió…
Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Theo một số nghiên cứu, thị trường đất hiếm thế giới có trị giá khoảng 8,1 tỷ USD và sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025.
Một trong những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn là đất hiếm.
Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng sản xuất chất bán dẫn cho các ngành công nghiệp cao. Với trữ lượng tài nguyên này, Việt Nam có những cơ hội, lợi thế để khai thác, hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn, tham gia chuỗi cung ứng.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, Việt Nam đã ký liên doanh với Hàn Quốc để thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt - Hàn về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi. Hy vọng đến năm 2024, chúng ta có thể sản xuất được để cung cấp cho thế giới một lượng đất hiếm không thua kém Trung Quốc hiện đang đạt khoảng 220.000 tấn/năm.
Về cách thức khai thác, Việt Nam không phải xuất khẩu đất hiếm mà coi đó là một lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư FDI từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… vào công nghiệp bán dẫn, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước cứ điểm của sản xuất thế giới.
Từ tất cả những tín hiệu ấy, tin tưởng rằng thu hút FDI sắp có bước đột phá không chỉ tăng thêm vài tỷ USD mà có thể lên tới hàng chục tỷ USD trong năm 2024.
Mặc dù được nhận định là điểm sáng đầu tư nhưng môi trường đầu tư của Việt Nam cũng được nhận định là có nhiều điểm cần cải thiện. Những “nút thắt” này là gì và phải làm sao để khơi thông dòng vốn đầu tư vào Việt Nam?
GS. Nguyễn Mại: Không ai nghi ngờ về việc sắp tới các tập đoàn lớn từ EU và Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam nhưng vấn đề còn lại là chúng ta phải làm gì để tranh thủ cơ hội này. Các tổ chức quốc tế như EuroCham, AmCham hay JETRO đều đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đã giảm sút rất nhiều.
Cần phải biết rằng dòng vốn đầu tư của Mỹ, EU hay các quốc gia OECD nói chung khác rất nhiều so với đầu tư của các nước châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc. Bởi các quốc gia châu Á khi đầu tư vào Việt Nam họ tìm kiếm lợi ích nhưng cũng sẵn sàng giải quyết vấn đề theo “cách truyền thống” là xử lý trực tiếp bằng các mối quan hệ với Chính phủ, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây, Mỹ hay khối OECD họ khó chấp nhận những vấn đề còn “vênh” về trình độ phát triển, trong đó có là ba vấn đề lớn nằm ở nguyên tắc đầu tư.
Thứ nhất, họ coi trọng về bản quyền. Khi chuyển giao công nghệ hay đầu tư vào các công nghệ hiện đại, tương lai vấn đề bản quyền rất quan trọng. Vấn đề hàng nhái, hàng giả, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đang được Chính phủ ban hành xử lý nhưng vẫn còn khiếm khuyết cần khắc phục. Nếu không khắc phục được, các nhà đầu tư chất lượng cao, các tập đoàn công nghệ hàng đầu chắc sẵn sẽ không đến Việt Nam.
Thứ hai, tình trạng tham nhũng vặt tại bộ phận công chức Nhà Nước gây tốn kém thời gian và công sức của doanh nghiệp. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cũng đã phản ánh về vấn đề này.
Vấn đề thứ ba là nếu muốn 'đại bàng làm tổ' ở Việt Nam, đặc biệt là đại bàng ở Mỹ hay châu Âu thì một yếu tố quan trọng là thời gian. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ quan tâm ưu đãi còn các doanh nghiệp lớn họ quan tâm hơn đến tốc độ ra sản phẩm.
Khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư thì họ ra quyết sách trong thời gian rất ngắn và chỉ 6 tháng đến một năm sau là phải có sản phẩm ra thị trường vì họ đã tính đến việc ký kết các Hiệp định đầu tư để thương mại ra thị trường thế giới. Tình trạng ở Việt Nam hiện nay, mỗi thủ tục cấp cho doanh nghiệp có thể kéo dài vài tháng đến thậm chí vài năm. Đặc biệt là sau khi cấp giấy phép còn nhiều khâu "gian nan" như giải phóng mặt bằng, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường,…
Các doanh nghiệp nước ngoài dự định đầu tư vào Việt Nam nhưng nếu gặp các khó khăn trong thủ tục nhất là việc kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư thì họ sẽ không đầu tư vào.
Tựu chung lại, câu chuyện hiện nay là con người, công chức, viên chức Nhà nước phải thực hiện cho được những định hướng lớn của Chính phủ như: Nhà nước kiến tạo, Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp và làm tăng sức cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI.
*Trích đặc san Doanh nhân Việt Nam số tháng 10
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/