|
 Thuật ngữ VietnamBiz

 

PV: Sau hơn 6 tháng rời vị trí Chủ tịch FPT Telecom sang làm giáo dục, ông cảm thấy thế nào?

Ông Hoàng Nam Tiến: Trong một cuộc trò chuyện cách đây 10 năm, tôi nhận được một câu hỏi có nội dung “nếu không làm phần mềm thì tôi sẽ làm gì”. Thời điểm đó, câu trả lời của tôi đã là “trở thành thầy giáo” (cười).

Có thể nhiều người chưa biết, tôi rất hâm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người có một câu nói rất hay thế này, “nếu không có chiến tranh, tôi sẽ làm thầy giáo”. Và tôi cũng là người hâm mộ của chính ba tôi – chiến tướng Hoàng Đan. Cuộc đời ba tôi là chiến trường và nhà trường quân đội. Rất nhiều thế hệ tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là học trò của ông, rất nhiều tác phẩm lý luận cũng như huấn luyện chiến đấu của ông đến hôm nay vẫn được sử dụng trong quân đội. Nên tôi nghĩ rằng, việc tôi trở thành thầy giáo là rất phù hợp và quan trọng nhất là tôi cảm thấy yêu thích công việc này.

Với tôi, nếu đi làm chỉ để mưu sinh, kiếm sống thì thành công được là điều rất khó, tìm được hạnh phúc trong công việc là điều không tưởng. Thế nên, tôi thường khuyên các bạn trẻ là khi được trao cơ hội làm công việc mình yêu thì hãy dốc toàn bộ sức lực quyết liệt chinh phục nó.

PV: Vậy ông đang rất yêu công việc làm giáo dục?

Ông Hoàng Nam Tiến: Đúng vậy (cười).

PV: Là một người gắn bó với FPT hơn 30 năm và trải qua nhiều vị trí công tác, ông thấy giữa kinh doanh và giáo dục, lĩnh vực nào khó hơn?

 

Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi đã trải qua 6 lĩnh vực kinh doanh khác nhau ở FPT và chưa bao giờ làm việc nào dễ. Câu hỏi mà mọi người hay đặt ra cho tôi là bí quyết thành công nằm ở đâu, tôi hay đáp lại một cách “hài hước” là nhờ may mắn. Nhưng có một thực tế, khi bạn muốn thành công thì cần có yếu tố may mắn nhưng muốn có may mắn thì chúng ta phải lao động mỗi ngày. Vì may mắn không tự nhiên rơi xuống, có rơi” trúng bạn thì nếu không có năng lực, cơ hội vẫn sẽ vụt qua.

Quay trở lại câu hỏi bạn đặt ra cho tôilàm giáo dục khó hay dễ? Tôi cho rằng làm giáo dục rất khó. Nói là khó vì nhiều năm nay ở Việt Nam cũng như một số quốc gia ở châu Á, giáo dục gần như là một chiều, là thầy giáo giảng bên trên còn ở dưới học trò nghe, ghi chép và cố gắng viết lại. Rất ít tình huống khi thầy dạy, học trò suy nghĩ, phản biện như Aristoteles và các môn đệ hàng ngàn năm trước.

 

Trong một thế giới liên tục thay đổi, xã hội cần các bạn trẻ không chỉ có kiến thức, bằng cấp. Chúng ta cần những cá nhân có tư duy độc lập, năng lực phản biện, có năng lực chung sống, thích nghi, có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề. Vì vậy, giáo dục với tôi là bài toán khó. Khó, nhưng xứng đáng để giải.

Thế giới mở và sự phát triển của công nghệ cho chúng ta những cơ hội lớn để phát triển, muốn như vậy, chúng ta cần có một thế hệ những cá nhân xuất sắc theo tiêu chuẩn mới, những công dân toàn cầu sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu tại Việt Nam và trên thế giới để học tập, làm việc. Hoạt động giáo dục đúng cách góp phần trực tiếp tạo ra những đổi thay đó.

Điều thứ hai, có một thực tế là xã hội đang thay đổi rất nhanh, công nghệ cũng thay đổi rất nhanh khiến hàng chục triệu lao động ở Việt Nam và hàng tỷ người trên thế giới cần phải đào tạo lại. Vì những điều trước đây mọi người được học, được đào tạo đang bị cạnh tranh bởi trí tuệ nhân tạo và robot. Đấy là sự thật.

Vậy câu hỏi đặt ra, ai sẽ là người thực hiện việc đào tạo lại?

Đã có nhiều chính sách do các bộ, ban ngành đặt ra nhằm đưa hoạt động đào tạo lại vào thực tế càng nhanh càng tốt. Tôi tin rằng cả Nhà nước và các doanh nghiệp đang tập trung vào mục tiêu đó và chúng tôi nghĩ rằng mình cần có trách nhiệm trong việc này. So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang có những lợi thế nhất định như nguồn dân số trẻ, đội ngũ lao động dồi dào…

 

PV: Dù có nguồn lao động dồi dào nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng về mặt nhân sự mảng công nghệ. Vậy chúng ta cần làm gì để bổ sung nguồn nhân sự chất lượng cao?

Ông Hoàng Nam Tiến: Là người làm trong ngành giáo dục, FPT hiểu rằng đào tạo luôn phải đi trước một bước và chúng tôi phải có trách nhiệm với thế hệ trẻ trong tương lai. Chúng tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ trong 3 – 5 năm nữa phải giải được bài toán thế giới cần gì, chứ không chỉ giới hạn trong câu hỏi Việt Nam cần gì.

Tại FPT, chúng tôi tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Theo đó, những ngành liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, an ninh mạng… đang được ưu tiên phát triển. Một quyết định quan trọng gần đây của FPT là xác định “chip và bán dẫn” là mũi nhọn quan trọng tiếp theo của tập đoàn.

Thực tế, FPT đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong thị trường. Bây giờ chúng tôi triển khai ở mức cao hơn. FPT đã có công ty chuyên về bán dẫn (FPT Semiconductor), đại học FPT đã thành lập khoa vi mạch và bán dẫn với mục tiêu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

PV: Trước những nhu cầu cấp bách về nhân sự mảng công nghệ cao, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã mở các khoa, chuyên ngành đào tạo về chip và bán dẫn. Vậy bước vào cuộc đua này, đại học FPT sẽ cạnh tranh như thế nào?

Ông Hoàng Nam Tiến: Trong kinh doanh có một triết lý rất hay là “Time to market”, nghĩa là ai cũng có thể làm được việc đấy nhưng ai làm nhanh hơn, làm tốt hơn và làm trên quy mô lớn hơn sẽ là người dẫn đầu. Ở đây không có người chiến thắng, ở đây cũng không có khái niệm chiến thắng, ở đây chỉsự cạnh tranh để cùng phát triển chứ không phải cạnh tranh để phân định thắng thua.

PV: Muốn có trò giỏi thì ắt hẳn cần thầy giỏi, vậy kế hoạch chiêu mộ nhân tài của FPT diễn ra như thế nào?

Ông Hoàng Nam Tiến: Tại FPT, chúng tôi đặt ra quyết tâm rất lớn về việc chiêu mộ nhân tài. Chúng tôi quan niệm thu nhập rất quan trọng trong tuyển dụng nhưng việc tuyển và giữ người thì không chỉ bằng thu nhập, mà còn bằng môi trường làm việc, bằng cơ hội phát triển và được cống hiến cho xã hội, cho đất nước.

FPT kêu gọi người tài không chỉ bằng tiền, chúng tôi phát đi một thông điệp kêu gọi người Việt Nam trong nước và trên toàn cầu hãy quay trở về quê hương, giúp thế hệ trẻ nhanh chóng tiếp cận được với công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Hiện tại, chúng tôi đang triển khai hợp tác với các trường đại học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về chip và bán dẫn. Các bạn hãy chờ đợi những công bố liên tục của FPT về những hợp tác này trong thời gian tới.

PV: Trong một chia sẻ mới đây trên truyền thông, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dự kiến đưa hoạt động sản xuất chip về Việt Nam trong 5 năm tới. Theo ông, kế hoạch này có về đích đúng hạn?

Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi đã làm việc với anh Bình 30 năm nay, có nhiều điều anh Bình nói mọi người cho là viển vông nhưng nhiều điều đã trở thành hiện thực. Ở FPT có văn hoá nghĩ khác và làm khác. Chúng tôi cho rằng, nếu bạn chỉ làm theo đám đông và đi theo xu hướng thì bạn có thể vẫn thành công nhưng thành công ở mức rất bình thường.

 

PV: Một số chuyên gia cho rằng, để phát triển lĩnh vực chip và bán dẫn không chỉ đơn thuần là xây một nhà máy mà cần rất nhiều yếu tố và nguồn lực, trong đó có những ưu tiên phải đặt lên hàng đầu. Theo quan điểm của ông thì sao?

Ông Hoàng Nam Tiến: Trong mọi cuộc cách mạng về công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực chip và bán dẫn thì việc đào tạo phải đi trước một bước, thậm chí là đi trước hai bước để tạo ra những con người phù hợp yêu cầu ấy.

 

Bên cạnh đó, chúng ta còn cần có nguồn lực đủ lớn để xây dựng những phòng thí nghiệm liên quan đến chip và bán dẫn. Vì nếu để một doanh nghiệp hay một trường đại học tự xây dựng phòng thí nghiệm là điều rất khó khăn do chi phí đầu tư ban đầu đắt đỏ và cũng không biết đến bao giờ mới thu hồi vốn. Song, nếu có sự tham gia và hỗ trợ của Nhà nước thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn. Trên thực tế, chi phí xây dựng một phòng thí nghiệm về chip và bán dẫn tương đương với số tiền bỏ ra xây dựng 3km đường cao tốc.

PV: Vậy việc chúng ta gia nhập thị trường chip và bán dẫn muộn hơn các quốc gia khác có phải là bất lợi không, thưa ông?

Ông Hoàng Nam Tiến: Trên thế giới, đặc biệt là trong giới công nghệ có một quy luật là lợi thế của người đi sau. Chúng ta đang có lợi thế đó. Lợi thế của người đi đầu thì ai cũng biết rồi, còn lợi thế của người đi sau là không vấp phải những gì mà người đi đầu gặp phải, ít nhất là không phải làm công việc dò đá qua sông.

Thung lũng Silicon là nơi khởi đầu của làn sóng công nghệ và khởi nghiệp nhưng Trung Quốc mới là gã khổng lồ công nghệ với tốc độ tăng trưởng và sáng tạo nhanh hơn rất nhiều trong những năm gần đây, thậm chí đã kéo nguồn lực tài chính và nhân tài ngược đại dương về phía mình.

 

PV: Vậy theo ông, đứng trước làn sóng công nghệ, doanh nghiệp Việt có những cơ hội và thách thức gì?

Ông Hoàng Nam Tiến: Khách hàng là người thầy vĩ đại của chúng ta. Khách hàng sẽ yêu cầu về sản phẩm, về chất lượng, về tốc độ nếu chúng ta đáp ứng được hết, doanh nghiệp của chúng ta sẽ phát triển. Như vậy việc tự học và tự phát triển trong chính tổ chức sẽ mang tới cơ hội chinh phục những khách hàng lớn hơn, tăng trưởng nhanh hơn và quyền lợi cho công ty, mỗi cá nhân.

Còn theo quan điểm của tôi, chúng ta có rất nhiều cơ hội để vươn lên và khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Trí tuệ nhân tạo, chip và bán dẫn chính là một trong những vũ khí giúp ta tham gia trận chiến mới. Còn có nắm bắt được thời cơ để bứt phá và thành công hay không sẽ phụ thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện! 

 

Hoàng Dung
Alex Chu
Doanh nghiệp & Kinh doanh