WSJ: Ấn Độ sẽ không trở thành Trung Quốc thứ hai
Trung Quốc đang phải đối mặt với triển vọng kinh tế khó khăn, nhưng người láng giềng Ấn Độ lại thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 chủ yếu xoay quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Liệu hai thập kỷ tiếp theo có phải là câu chuyện của Ấn Độ?
Ấn Độ có nhiều lý do để lạc quan. Năm ngoái, dân số nước này đã vượt qua Trung Quốc. Hơn một nửa số dân Ấn Độ chưa đến 25 tuổi. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, quốc gia Nam Á này có thể vươn lên từ vị trí thứ 5 để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong chưa đầy 10 năm nữa.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng 8 năm liên tiếp. Xung đột thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc leo thang lại càng tạo ra nhiều lợi ích cho Ấn Độ. Nhưng con đường phía trước của Ấn Độ có vẻ sẽ rất khác và có nhiều thử thách hơn so với Trung Quốc.
Lực lượng lao động
Theo lý thuyết, Ấn độ có nguồn lao động dồi dào. Nhưng trên thực tế, một loạt rào cản khiến cho việc kết nối giữa người lao động và chủ lao động vẫn còn nhiều khó khăn.
Do đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp khó có thể tiết kiệm đủ tiền để tạo ra làn sóng đầu tư từng biến đổi nền kinh tế của những “con hổ Đông Á” như Hàn Quốc hay Đài Loan.
Nhân khẩu học hiện nay của Ấn Độ giống Trung Quốc vào thập niên 1990, thời điểm tăng trưởng GDP của Trung Quốc cất cánh. Theo Liên hợp Quốc, vào năm 2030, gần 20% dân số trong nhóm tuổi 15 - 64 của thế giới sẽ là người Ấn Độ.
Đáng tiếc là Ấn Độ vẫn chưa tạo được môi trường thuận lợi để người dân tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là phụ nữ. Số liệu từ Bộ Lao động và Việc làm Ấn độ cho thấy chỉ 1/3 phụ nữ trong tuổi làm việc ở nước này tham gia lực lượng lao động.
Con số này đã tăng 10 điểm % so với năm 2018, nhưng thấp hơn hẳn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp là khoảng 50%. Còn ở Trung Quốc, tỷ lệ này là 71%.
Thêm nữa, phần lớn sự cải thiện từ năm 2018 diễn ra ở vùng nông thôn, nghĩa là các nhà máy “khát” lao động ở thành thị không nhận được mấy lợi ích.
Các khoản trợ cấp khổng lồ cho lĩnh vực nông nghiệp và các chương trình viện trợ lương thực ở vùng nông thôn là một số nguyên nhân tiềm tàng khiến người lao động tập trung ở miền quê. Ngoài ra, phụ nữ Ấn Độ thường ngại đến nơi xa để sống và làm việc hơn phụ nữ Trung Quốc, vì họ vướng bận việc nhà và chăm sóc con cái.
Thương mại và cơ sở hạ tầng
Một trong những vấn đề khác là các biện pháp bảo hộ thương mại của Ấn Độ. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, Ấn Độ thuộc nhóm những quốc gia tính thuế nhập khẩu cao nhất trên thế giới.
Trung bình thuế suất mà New Delhi áp dụng với các quốc gia nhận nhận Đối xử tối huệ quốc (MFN) là 18,1%. Để so sánh, thuế suất theo quy chế MFN của Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ lần lượt là 7,5%, 5,1% và 3,3%.
Các biện pháp hạn chế nhập khẩu như vậy có thể tạo gánh nặng cho những nhà sản xuất cần nhập khẩu linh phụ kiện để lắp ráp và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Ấn Độ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây, giúp cải thiện mạng lưới giao thông quốc gia. Tốc độ trung bình của tàu chở hàng ở nước này đã tăng hơn 50% trong hai năm qua, theo ngân hàng Macquarie.
Nhưng khối nợ công lớn sẽ khiến Ấn Độ khó có thể tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng nếu sự bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân không giúp doanh thu thuế của chính phủ đi lên. Tỷ lệ nợ công/GDP của Ấn Độ vào khoảng 85%, cao thứ hai trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, chỉ xếp sau Brazil.
Theo tờ WSJ, Ấn Độ sẽ phải nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.
Sản xuất
Để có thể tăng cường ảnh hưởng địa chính trị, Ấn Độ cần vốn đầu tư nước ngoài để nâng tỷ trọng của ngành sản xuất trong GDP từ dưới 15% lên gần mục tiêu chính thức là 25%. Nhưng các số liệu gần đây vẽ ra bức tranh có những điểm sáng tối lẫn lộn. FDI leo lên mức cao kỷ lục vào năm 2020 nhưng lại sụt giảm trong năm 2022 và 2023.
Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là sự sụp đổ của bong bóng công nghệ toàn cầu và sự rút lui của vốn đầu tư mạo hiểm. Nhưng FDI đổ vào các lĩnh vực như máy tính - tương đương khoảng 0,5% GDP Ấn Độ trong năm 2021 - cũng giảm xuống đáng kể.
Đây là điều đáng lo ngại bởi Ấn Độ rất cần việc làm trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như lắp ráp. Các doanh nghiệp điện tử khổng lồ như Foxconn đang đầu tư lớn vào Ấn Độ nhưng họ đồng thời phải đối mặt với luật lao động thiếu linh hoạt cùng nhiều vấn đề khác.
Cho tới thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng và dịch vụ. Ấn Độ cần giải quyết các rắc rối trong thị trường lao động và giảm bớt rào cản thương mại. Bởi nếu không thực sự thúc đẩy được FDI trong lĩnh vực sản xuất, Ấn Độ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp quỹ đạo tăng trưởng chóng mặt của những con hổ và con rồng kinh tế châu Á.