Trung Quốc cuối cùng cũng để mắt tới núi nợ của các chính quyền địa phương
Theo CNBC, buổi họp báo của Bộ Tài chính Trung Quốc vào cuối tuần trước báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ tập trung giải quyết vấn đề nợ nần của các chính quyền địa phương, thay vì triển khai các biện pháp kích thích mà thị trường đang mong chờ.
Trong bài phát biểu mở đầu cuộc họp vào ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Lan Fo’an (Lam Phật An) đã đề cập đến 4 biện pháp, bắt đầu bằng việc tăng cường hỗ trợ để chính quyền các địa phương giải quyết rắc rối nợ nần.
Chỉ sau khi nêu xong 4 điểm đó, ông Lan mới hé lộ rằng Trung Quốc dự tính sẽ tăng quy mô nợ công và thâm hụt ngân sách.
Chia sẻ với CNBC, nhà kinh tế Robin Xing của Morgan Stanley nhấn mạnh: “Kết quả cuộc họp báo phù hợp với nhận định của chúng tôi rằng giải quyết khó khăn tài chính của các chính quyền địa phương sẽ là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh”.
Trong một báo cáo mới, ông Xing và các đồng nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền trung ương sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc tái cấu trúc nợ của các chính quyền địa phương và ổn định thị trường nhà ở.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chính phủ vẫn sẽ tăng dần quy mô hỗ trợ cho tiêu dùng và phúc lợi xã hội”, các nhà kinh tế lưu ý.
Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản đã làm giảm đáng kể nguồn thu của chính quyền các địa phương. Nhiều tỉnh thành đã vật lộn về mặt tài chính ngay cả trước khi họ phải chi tiêu cho các biện pháp chống COVID.
Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng ảm đạm và tăng trưởng kinh tế giảm tốc đã thúc giục giới chuyên gia kêu gọi Bắc Kinh tăng cường kích thích tài khoá.
Trong một báo cáo khác công bố vào cùng ngày 12/10, viện chính sách kinh tế Trung Quốc CF40 cũng nhận thấy 4 biện pháp mà Bộ Tài chính tiết lộ tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc.
“Chúng không nhằm mục đích cụ thể là giải quyết các vấn đề kinh tế vĩ mô như tổng cầu yếu hay giá cả sụt giảm thông qua việc tăng chi tiêu tài khoá thông thường”, báo cáo có đoạn.
CF40 cho rằng Trung Quốc không cần chi tiêu tài khoá bổ sung để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 là khoảng 5%, miễn là chính phủ thực sự triển khai các biện pháp mà họ đã công bố trước đó.
Quả tạ kéo lùi nhu cầu
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Lan cho biết chính quyền trung ương sẽ cho phép chính quyền các địa phương phát hành 400 tỷ nhân dân tệ (tương đương 56,5 tỷ USD) trái phiếu để hỗ trợ trả lương cho viên chức và các dịch vụ cơ bản khác.
Ông nói thêm rằng trong tương lai gần, Bắc Kinh sẽ công bố một kế hoạch lớn để xử lý khối nợ ẩn của chính quyền các địa phương. Theo vị bộ trưởng, mức nợ ẩn vào cuối năm 2023 chỉ bằng một nửa so với năm 2018.
Hãng tư vấn Rhodium Group cho biết trước đây, các chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cho hơn 85% chi tiêu công nhưng chỉ nhận khoảng 60% doanh thu thuế vào năm 2021.
Trong một phân tích vào cuối tháng 8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo tình hình tài chính hạn chế của chính quyền các địa phương đã “góp phần khiến giá cả trong nền kinh tế Trung Quốc đi xuống”.
Vào tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động) chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo nền tảng Wind, đây là mức tăng chậm nhất kể từ tháng 2/2021.
Đối với Morgan Stanley, giải quyết vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương là “một bước quan trọng” giúp ngăn chặn xu hướng giảm phát của Trung Quốc. Việc này quan trọng không kém các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nhu cầu.
Chờ đợi một cuộc họp khác
Sau một loạt thông báo chính sách trong vài tuần qua, các nhà đầu tư đang hướng tới cuộc họp của quốc hội Trung Quốc. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.
Tại cuộc họp năm ngoái, các nhà lãnh đạo cấp cao đã nhất trí nâng tỷ lệ thâm hụt tài khoá từ 3% lên 3,8%. Đây là một động thái rất hiếm hoi của quốc hội Trung Quốc từ trước đến nay.
Theo CNBC, các nhà phân tích đang bất đồng quan điểm về gói kích thích tài khoá mà Trung Quốc cần sử dụng.
“Cho dù là 2.000 hay 10.000 tỷ nhân dân tệ, đối với chúng tôi không có quá nhiều sự khác biệt”, nhà quản lý quỹ Vikas Pershad của M&G Investments chia sẻ. Ông nói chính sách đang “đi đúng hướng”, bất kể quy mô kích thích là bao nhiêu.
Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc nhìn chung vẫn giữ thái độ dè dặt. Bắc Kinh không phát tiền mặt cho người tiêu dùng sau đại dịch như Hong Kong hay Mỹ.
Nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cho biết Trung Quốc cần gói kích thích tài khoá bổ sung trị giá ít nhất 2.500 tỷ nhân dân tệ để duy trì mức tăng trưởng khoảng 5% cho năm nay và năm sau.
“Nếu con số thấp hơn mức đó, tôi nghĩ nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ sẽ tiếp tục giảm tốc vào năm tới do những trở ngại về mặt cấu trúc mà họ đang phải đối mặt”, ông cảnh báo trong cuộc phỏng vấn hôm 14/10.
Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng chính sách tài khoá là rất quan trọng để giải quyết tình trạng kinh tế hiện tại của Trung Quốc vì các biện pháp hỗ trợ trước đây (bao gồm bất động sản và tín dụng) đều không hiệu quả.