|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bắc Kinh: Nếu Mỹ muốn nói chuyện, phải 'chân thành' và 'sửa sai'

22:05 | 23/05/2019
Chia sẻ
Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định đã gửi công hàm phản đối hành vi "bắt nạt" Huawei của Mỹ, nhấn mạnh nếu Washington muốn nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh trước hết nên "chân thành".
Bắc Kinh: Nếu Mỹ muốn nói chuyện, phải chân thành và sửa sai - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong - Ảnh chụp màn hình

Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 23-5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng (Cao Phong) nhấn mạnh Mỹ đã đẩy cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc leo thang đến mức có nguy cơ tạo ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông này tiếp tục nhắc lại quan điểm cũ của chính quyền Bắc Kinh, khẳng định Trung Quốc sẽ tiến hành mọi bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích của các công ty Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nếu Mỹ muốn nối lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc để chấm dứt một cuộc chiến thuế quan mà Mỹ cũng chịu thiệt, Washington "cần cho thấy sự chân thành và sửa chữa các hành động sai lầm".

"Chỉ có việc dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau thì các cuộc đàm phán mới có thể tiếp tục", ông Cao Phong nêu quan điểm đồng thời tuyên bố Bắc Kinh sẽ "không lùi bước" trước các nguyên tắc lớn bất di bất dịch.

Chính quyền Washington đã tăng thuế nhập khẩu với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đổ vỡ. 

Trong cuộc điều trần tại Hạ viện Mỹ ngày 22-5, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin khẳng định các cuộc đàm phán sẽ không thể bắt đầu trong ít nhất "30 hoặc 45 ngày tới".

"Trước các hành động bắt nạt của Mỹ, cách đáp trả tốt nhất của các công ty Trung Quốc là tiếp tục phát triển hơn nữa", đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định đồng thời cho biết đã gửi công hàm phản đối tới Washington.

Bắc Kinh: Nếu Mỹ muốn nói chuyện, phải chân thành và sửa sai - Ảnh 2.

Một nhân viên bán hàng Huawei khởi động điện thoại P30 do Huawei sản xuất - Ảnh: REUTERS

Mỹ đã đưa Huawei - tập đoàn viễn thông số 1 Trung Quốc - vào danh sách đen hồi tuần trước, mở đường cho làn sóng tẩy chay và quay lưng của các công ty Mỹ là đối tác của Huawei.

Động thái của Mỹ ngay lập tức tạo ra bầu không khí căng thẳng tại Trung Quốc khi người dân nước này hô hào tẩy chay các sản phẩm công nghệ Mỹ như điện thoại iPhone của hãng Apple.

Trước làn sóng chủ nghĩa dân tộc dâng cao, ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập Huawei đã kêu gọi mọi người bình tĩnh và đừng chính trị hóa vấn đề. 

Ông Nhậm trước đó cũng tuyên bố đã chuẩn bị sẵn kế hoạch B trong trường hợp bị cấm tiếp cận hệ điều hành Android của Google.

"Tôi thực dụng lắm. Một người không nên được gọi là ái quốc khi sử dụng các sản phẩm của Huawei và ngược lại. Chúng tôi là một doanh nghiệp thương mại. Nếu bạn thích sản phẩm của hãng nào đó thì cứ xài nó, đừng chính trị hóa việc sử dụng", ông Nhậm chia sẻ với truyền thông nhà nước Trung Quốc trong ngày 21-5, đồng thời tiết lộ gia đình ông vẫn sử dụng các thiết bị của Apple.

Bảo Duy

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.