|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xung đột Mỹ - Trung tăng cao, doanh nghiệp không thể lơ là phòng vệ thương mại

06:20 | 24/03/2019
Chia sẻ
Khi các luồng đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng dần trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, nguy cơ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị Mỹ tăng cường điều tra phòng vệ thương mại cũng tăng.

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trước nguy cơ bị Mỹ điều tra và áp các biện pháp phòng vệ thương mại

Tại Hội thảo "Xung đột thương mại Mỹ - Trung và rủi ro với các doanh nghiệp Việt Nam" do Trung tâm Hội nhập Quốc tế TP HCM (CIIS) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tại TP HCM ngày 22/3, các chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tác động không nhỏ đến thị trường kinh tế toàn thế giới.

Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, xung đột giữa Mỹ - Trung khiến doanh nghiệp hai nước phải tìm cách tăng cường xuất khẩu sang nước thứ ba, tạo ra áp lực nhập khẩu cho các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Xung đột Mỹ - Trung tăng cao, doanh nghiệp không thể lơ là phòng vệ thương mại - Ảnh 1.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cập nhật diễn biến xung đột thương mại Mỹ - Trung tại hội thảo. Ảnh: Như Huỳnh

Tuy nhiên, điều này lại làm tăng nguy cơ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị Mỹ điều tra và áp các biện pháp phòng vệ thương mại

Số liệu của Bộ Công thương cho biết, số lượng vụ việc Việt Nam bị Mỹ kiện cùng với Trung Quốc là 13/14 vụ việc chống bán phá giá và 6/6 vụ việc trợ cấp, chủ yếu liên quan đến ngành thép, ngành sợi và bao bì. Đáng chú ý, các vụ kiện này đều xảy ra ngay sau khi Mỹ kiện Trung Quốc, do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ của Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng nhau. Thêm vào đó, sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ với hàng hóa của Trung Quốc thì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, ông Chu Thắng Trung phân tích thêm.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN cho rằng, hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập tái xuất hoặc gia công đơn giản để lấy xuất xứ Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Đây chính là rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn biến căng thẳng như hiện nay.

Trong khi đó, việc điều tra chống lẫn thuế là vấn đề mới và chưa được quy định cụ thể trong Hiệp định WTO, phía Mỹ thường quy định chặt chẽ và tiền lệ bất lợi với Việt Nam. "Nếu Mỹ kết luận có sự chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam thì tất cả sản phẩm đó của Việt Nam sẽ chịu chung mức thuế với Trung Quốc chứ không chỉ áp riêng với số hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc", luật sư Thảo cảnh báo.

Doanh nghiệp phải "phòng vệ" thế nào?

Phân tích các vấn đề phòng vệ thương mại trong xuất nhâp khẩu hàng hóa cụ thể trong cuộc xung đột Mỹ - Trung, ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC nhận định rằng, để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong việc đánh giá rủi ro.

Xung đột Mỹ - Trung tăng cao, doanh nghiệp không thể lơ là phòng vệ thương mại - Ảnh 2.

Bao bì, thép, sợi...là những ngành hàng có số vụ kiện cao, nên doanh nghiệp cần có những biện pháp phòng vệ nhất định. Ảnh: Như Huỳnh

"Doanh nghiệp không được tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam, đồng thời phải quản trị tốt việc lưu trữ các chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm", ông Bắc phân tích rõ.

Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo khuyến cáo rằng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cho sản phẩm của Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng khi việc sử dụng các nguyên liệu bán thành phẩm và thành phẩm từ Trung Quốc cũng như các quốc gia đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để hạn chế tối đa nguy cơ bị Mỹ điều tra và áp các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đặc biệt nhấn mạnh: "Dưới diễn biến phức tạp của cuộc thương chiến Mỹ - Trung, vấn đề phòng vệ thương mại là điều doanh nghiệp không thể lơ là và cần phải có những chiến lược nhất định để tránh gây tổn thất lớn cho mình trong hoạt động kinh doanh".

Không để Việt Nam bị Không để Việt Nam bị 'vạ lây' trước phòng vệ thương mại Doanh nghiệp cần làm gì trước sóng gió phòng vệ thương mại?Doanh nghiệp cần làm gì trước sóng gió phòng vệ thương mại? Doanh nghiệp Việt Nam vẫn lơ mơ về phòng vệ thương mại?Doanh nghiệp Việt Nam vẫn lơ mơ về phòng vệ thương mại?


Như Huỳnh