|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ động phòng vệ thương mại- Bài cuối: Công cụ hữu hiệu bảo vệ doanh nghiệp

13:00 | 01/12/2018
Chia sẻ
Mặc dù phòng vệ thương mại được ví như "van an toàn" của dòng chảy hội nhập, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và sử dụng hiệu quả công cụ này.
chu dong phong ve thuong mai bai cuoi cong cu huu hieu bao ve doanh nghiep Chủ động phòng vệ thương mại - Bài 2: Tự tin ra sân chơi lớn
chu dong phong ve thuong mai bai cuoi cong cu huu hieu bao ve doanh nghiep Chủ động phòng vệ thương mại - Bài 1: Điều kiện tiên quyết trong hội nhập
chu dong phong ve thuong mai bai cuoi cong cu huu hieu bao ve doanh nghiep

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đáng lưu ý, trong các vụ việc Việt Nam đã điều tra, không ít doanh nghiệp tỏ ra không hợp tác hoặc chỉ kêu cứu khi có kết luận cuối cùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về những giải pháp đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp.

BNEWS/TTXVN: Xin Bộ trưởng cho biết, công cụ phòng vệ thương mại có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp khi Việt Nam đang mở cửa và phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm đến từ các nước khác, đặc biệt khi Việt Nam đang tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và sắp tới là EVFTA?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng thể hiện qua việc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); trong đó, có nhiều FTA mức độ tự do hóa rất cao như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thực hiện cam kết theo các hiệp định này, Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Điều này đặt các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm chống bán phá giá; chống trợ cấp và tự vệ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo nền kinh tế có thể hội nhập hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp. Đây cũng là các biện pháp được WTO, luật pháp các nước cho phép và đã được các nước trên thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế lớn áp dụng thường xuyên, phổ biến trong thương mại quốc tế.

Nhận rõ tầm quan trọng của các biện pháp phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với cam kết quốc tế để bảo vệ sản xuất trong nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 12 nêu rõ “có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng".

Tính đến tháng 10/2018, đã có hơn 140 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam, gồm: 81 vụ việc chống bán phá giá, 14 vụ việc chống trợ cấp, 27 vụ việc tự vệ, 19 vụ việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Riêng tháng 10/2018, số vụ việc mới được khởi xướng là 16 vụ. Những vụ việc này đã tác động tới xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt đối với một số ngành như thủy sản, sắt thép...

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tăng cường điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với quy định của WTO và các cam kết quốc tế.

Trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 10/2018, Bộ Công Thương đã áp dụng 6 biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt thép như: phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu.

Các biện pháp này đã giúp đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý và khuyến khích sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Theo tính toán, những ngành sản xuất này ước tính đang sử dụng khoảng 100.000 lao động, đóng góp khoảng 6,13% GDP của cả nước. Vì thế, với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Qua theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ , Bộ Công Thương nhận thấy việc nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể.

Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước, đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Như vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng kịp thời đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh.

Cùng với việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và chuẩn bị ký chính thức Hiệp định EVFTA, đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp để bảo vệ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần tuân thủ đầy đủ các quy định chặt chẽ của WTO và pháp luật trong nước. Đồng thời, các biện pháp này cũng chỉ có thời hạn nhất định, với mức độ cần thiết để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích tổng thể, lâu dài của toàn bộ nền kinh tế.

BNEWS/TTXVN: Thời gian gần đây, sau nhiều vụ kiện thương mại xảy ra, các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong phòng vệ để bảo vệ chính mình. Điều này thể hiện qua việc các doanh nghiệp đã cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để lấy cơ sở điều tra. Vậy, Bộ trưởng đánh giá năng lực của các doanh nghiệp đang ở mức độ nào?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý nhiều hơn tới các biện pháp phòng vệ thương mại, cả trong lĩnh vực khởi kiện và kháng kiện.

Trong lĩnh vực khởi kiện, hầu hết các vụ việc Việt Nam áp dụng cho đến nay đều diễn ra trong vòng 4-5 năm gần đây, dù khuôn khổ pháp lý đã được ban hành cách đây 15 năm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn trong việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với hàng xuất khẩu, với sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp Việt Nam đã kháng kiện thành công nhiều vụ việc như vụ tôm, cá tra, basa do Hoa Kỳ áp dụng, thép do Australia, Canada áp dụng...

Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là trong khi các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận thức rất tốt về phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại chưa chú ý đúng mức tới công cụ được coi là “van an toàn" của dòng chảy hội nhập.

Xin nhấn mạnh rằng, biện pháp phòng vệ thương mại là để bảo vệ cho một ngành sản xuất chứ không phải một doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp cụ thể. Do vậy, cơ quan điều tra cần có đầy đủ thông tin từ tất cả các thành phần liên quan trong ngành sản xuất đó, từ các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất hạ nguồn và cả người tiêu dùng cuối cùng để có thể đưa ra quyết định khách quan và chính xác về vụ việc.

Trong một số vụ việc Việt Nam đã điều tra, có hiện tượng một số doanh nghiệp liên quan không hợp tác đầy đủ trong việc cung cấp thông tin hoặc chỉ “kêu cứu” sau khi cơ quan quản lý nhà nước đã kết thúc quá trình điều tra và đưa ra kết luận cuối cùng.

Vì thế, chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.

BNEWS/TTXVN: Để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện phòng vệ thương mại cũng như áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ chính mình, các doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi nào trong chiến lược kinh doanh, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Kinh doanh cần hướng tới mục tiêu lợi nhuận nhưng mục tiêu lợi nhuận, đó không chỉ là trước mắt mà cần được duy trì và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế ngày càng sâu thì các doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với tranh chấp, khiếu kiện phòng vệ thương mại ngày càng nhiều.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có tư duy tích cực, chủ động bảo vệ mình trong sân chơi hội nhập. Trong cả khởi kiện và kháng kiện, doanh nghiệp cần xem xét phòng vệ thương mại là một chiến lược kinh doanh dài hạn.

Đối với lĩnh vực khởi kiện, doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình giá cả hàng hóa trên thị trường nội địa, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước. Cùng đó, tìm hiểu quy trình thủ tục để có thể tham vấn, sử dụng ngay biện pháp phù hợp khi có hiện tượng hàng hóa nước ngoài gây sức ép cạnh tranh không công bằng.

Ngoài ra, với lĩnh vực kháng kiện, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược xuất khẩu để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu. Từ đó, có thể hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

Uyên Hương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.