|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ động phòng vệ thương mại - Bài 2: Tự tin ra sân chơi lớn

11:30 | 01/12/2018
Chia sẻ
Trước áp lực từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự chủ động sẽ là yếu tố quyết định để đối mặt và đứng vững trên thị trường.
chu dong phong ve thuong mai bai 2 tu tin ra san choi lo n Chủ động phòng vệ thương mại - Bài 1: Điều kiện tiên quyết trong hội nhập
chu dong phong ve thuong mai bai 2 tu tin ra san choi lo n
Sản xuất phôi thép tại Công ty Cổ phần thép Toàn Thắng (Khu Công nghiệp Sông Công I). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Kiện phòng vệ thương mại là kết quả tất yếu của việc mở rộng cánh cửa hội nhập, bởi khi thuế suất nhập khẩu hàng hóa về 0%, sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp là vô cùng lớn khiến các nước sở tại tăng cường các biện pháp bảo vệ hàng trong nước. Trước áp lực từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp cho rằng, sự chủ động của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định để đối mặt và đứng vững trên thị trường.

* Đứng đầu về kiện phòng vệ

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã chịu 10 vụ kiện phòng vệ thương mại từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, chủ yếu tập trung ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Canada... Thời gian gần đây, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan cũng đã đẩy mạnh các vụ kiện phòng vệ thương mại với Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm bị áp thuế bổ sung ở mức 25%, 35%, thậm chí lên tới từ 200-250%.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam mới chỉ thực hiện điều tra, khởi kiện 4 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, tập trung chủ yếu từ thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, với việc áp thuế như vậy, doanh nghiệp Việt đang phải chịu sức ép của thị trường xuất khẩu. Kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy không nhỏ về tài chính cho ngành thép Việt khi phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ vừa hoàn thành giai đoạn đầu tư. Đồng thời, đang phụ thuộc vào sản xuất và xuất khẩu để thu hồi hàng trăm triệu USD đầu tư hoặc chi trả lãi vay.

Theo số liệu mới đây từ Hiệp hội Thép Việt Nam, 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm hơn 5,79 triệu tấn với kim ngạch hơn 4,3 tỷ USD, tăng lần lượt 47% về lượng và tăng 42% về giá trị. ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính chiếm 55,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thép, tiếp theo là Hoa Kỳ hơn 15%, EU hơn 9%...

“Rõ ràng, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu như vậy, việc thép Việt bị các nước chú ý và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước là không thể tránh khỏi”, ông Sưa nói.

Một khó khăn nữa, rất nhiều vụ kiện đối với ngành thép Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ việc thị trường Trung Quốc lẩn tránh thuế bằng cách chuyển sản phẩm qua Việt Nam gia công để lấy xuất xứ từ Việt Nam.

Việc gian lận thương mại này gây ảnh hưởng lớn đến hàng Việt khi xuất khẩu sang các thị trường, làm thu hẹp thị trường hàng Việt. Trong khi đó, hàng gian lận của Trung Quốc lại được hưởng lợi một cách thiếu minh bạch. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị mất uy tín trên thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam), ngành thép là ngành phải đối mặt với kiện phòng vệ cao hơn hẳn so với các ngành, sản phẩm khác, chiếm khoảng 50%. Nguyên nhân có thể đến từ việc dư thừa thép trên thế giới, đặc biệt là ngăn chặn thép giá rẻ từ Trung Quốc nên các thị trường đều tiến hành phòng vệ.

Tiếp theo đó là việc Mỹ áp dụng thuế với sản phẩm thép nhập khẩu với lý do an ninh quốc phòng làm cho việc dịch chuyển thép sang các thị trường khác khiến các thị trường này phải tăng cường phòng vệ.

* Chủ động ứng phó

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, dù muốn hay không thì kiện phòng vệ thương mại vẫn là một thực tế mà ngành thép phải đối mặt. Để ứng phó, sự chủ động của doanh nghiệp là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi sát các động thái của ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu để có thông tin và có sự chuẩn bị sẵn sàng cho vụ kiện khi nó xảy ra. Qua đó, đạt được kết quả điều tra tốt nhất, giảm thiểu thiệt hại.

chu dong phong ve thuong mai bai 2 tu tin ra san choi lo n
Sản xuất thép thanh tại Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát

Thực tế cho thấy, trong rất nhiều vụ việc liên quan đến kiện phòng vệ thương mại, thép Hòa Phát là đơn vị phòng tránh tốt nhờ chủ động phối hợp và chứng minh xuất xứ, năng lực cạnh tranh của mình. Tập đoàn này đã chủ động phối hợp với phía cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu theo yêu cầu. Đồng thời, tích cực phản biện các lập luận của nguyên đơn và cung cấp bổ sung đầy đủ hồ sơ chứng minh.

Điển hình như việc không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU, hay phía Australia tuyên bố thép Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang thị trường này là những minh chứng rõ nhất khi doanh nghiệp chủ động hợp tác.

Ngoài việc phối hợp trong các vụ kiện, đại diện các doanh nghiệp cũng cho hay, đẩy mạnh công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ cũng là yếu tố quyết định chiến thắng. Theo ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, với việc đầu tư khu liên hợp gang thép Dung Quất, Hòa Phát sẽ sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ quặng sản xuất thép cán nóng đến sản phẩm tôn thép và phân phối.

Điều này sẽ giúp Hòa Phát nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tối đa việc “dính” tới kiện lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á, việc các nước áp dụng các biện pháp bảo hộ đang gây khó khăn cho xuất khẩu của ngành thép. Do vậy, Tôn Đông Á đã tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất ra sản phẩm thép có chất lượng cao. Công nghệ tốt sẽ giúp bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm thép Việt Nam thuận lợi và tự tin hơn khi bước ra sân chơi quốc tế. Đồng thời, hạn chế việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước.

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.

Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn; trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như: Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là thực trạng đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Công Thương cho hay, sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, song cũng khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Đức Dũng