|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ba dấu hiệu đáng lo về nền kinh tế Mỹ từ các công ty hàng đầu đất nước

16:14 | 15/08/2022
Chia sẻ
Phần lớn các công ty hàng đầu nước Mỹ đều báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong quý II. Tuy nhiên, báo cáo của họ cũng cho thấy các dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: AFP). 

Thoạt nhìn, các doanh nghiệp Mỹ có vẻ đang xoay xở tốt trong môi trường lạm phát cao và lãi suất gia tăng. Nhưng đằng sau bề ngoài đó là những dấu hiệu cảnh báo về nền kinh tế - và chúng khiến cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu đất nước lo lắng. 

Theo S&P Dow Jones Indices, đến nay đã có 453 trong số 500 doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh. Khoảng 75% trong số đó đạt thành tích quý II tốt hơn Phố Wall dự kiến. Quả là màn trình diễn đáng nể trong lúc lạm phát leo lên đỉnh 40 năm và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất.

Thu nhập cao hơn dự kiến cùng với hy vọng rằng Fed sẽ không tăng lãi suất mạnh tay như trước đã giúp chứng khoán Mỹ phục hồi trong những ngày qua.

Tuy nhiên, các lãnh đạo cao cấp nhất nói rằng họ đang đối mặt với rất nhiều bất ổn giữa lúc lo ngại về suy thoái gia tăng. Doanh nghiệp Mỹ chưa hoảng loạn nhưng đang trở nên thận trọng. Dưới đây là ba dấu hiệu có thể đang báo trước rắc rối cho nền kinh tế Mỹ.

Doanh nghiệp cắt giảm quảng cáo

Khi e ngại về tương lai, doanh nghiệp thường cắt giảm ngân sách quảng cáo. Do đó, xu hướng này là chỉ báo hàng đầu về nhận định của giới doanh nghiệp về nền kinh tế. Và đó chính là điều đã xảy ra trong quý vừa rồi.

Các công ty truyền thông chứng kiến doanh số bán quảng cáo chậm lại, kéo theo lợi nhuận đi xuống. Trong quý II, Meta – công ty mẹ của Facebook – ghi nhận doanh thu sụt giảm lần đầu tiên trong lịch sử.

Snap cũng gióng lên cảnh báo rằng doanh thu từ quảng cáo đang xuống dốc. Cổ phiếu công ty mạng xã hội này đã “bốc hơi” 75% trong năm nay.

Các công ty truyền thông truyền thống cũng nhận thấy doanh thu quảng cáo suy yếu, bao gồm The New York Times Company và Gannet. BuzzFeed cảnh báo lo ngại về suy thoái sẽ gây áp lực lên dịch vụ quảng cáo của công ty.

Roku, nhà sản xuất thiết bị streaming viết trong lá thư gửi cổ đông rằng “đã có sự sụt giảm đáng kể trong chi tiêu quảng cáo trên TV do môi trường kinh tế vĩ mô”. Công ty dự kiến “những thách thức này sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn khi lo lắng về kinh tế gây áp lực lên các thị trường toàn thế giới”.

Doanh nghiệp giảm chi phí và việc làm

Khi doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm chi phí hay hoãn kế hoạch mở rộng, điều đó thường có nghĩa là họ nhìn thấy rắc rối sắp đến.

Ví dụ, nhà bán lẻ Bed Bath & Beyond thông báo sẽ giảm 25% chi phí tài sản cố định. Một số doanh nghiệp cũng ngừng tuyển dụng hoặc thậm chí sa thải nhân viên, bất chấp dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy thị trường lao động tổng thể vẫn mạnh mẽ.

Làn sóng sa thải có vẻ đang diễn ra trội hơn trong giới công nghệ. Netflix, app giao dịch chứng khoán Robinhood và đại gia thương mại điện tử Shopify là những công ty ra thông báo sa thải trong thời gian gần đây. Theo Layoffs.fyi, trang web theo dõi tình trạng sa thải trong ngành công nghệ, các công ty trong ngành đã cắt giảm gần 70.000 công việc trong năm 2021.

Các nhà sản xuất ô tô cũng ngày càng thận trọng. Gần đây bà Mary Barra, CEO GM cho biết công ty “đang giảm thiểu một số chi tiêu tùy ý và chỉ tuyển thêm nhân công cho các vị trí thiết yếu và hỗ trợ tăng trưởng”. Bà nói thêm rằng GM “đã lập mô hình cho vài kịch bản kinh tế sụt giảm và sẵn sàng hành động cứng rắn hơn nếu cần thiết”.

Thói quen tiêu dùng bắt đầu thay đổi

Trong thời gian qua, một trong những điểm tích cực về nền kinh tế là mọi người tiếp tục mua sắm dẫu lạm phát leo thang. Nhưng các doanh nghiệp đang chứng kiến sự thay đổi trong các sản phẩm mà người tiêu dùng lựa chọn, và điều đó góp phần khiến lượng hàng hóa chưa bán được chất đống. 

Tháng trước, Walmart đã cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm 2022 bởi giá cả tăng cao đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Walmart cho biết khách hàng ngày càng chi tiêu ít hơn cho “hàng hóa thông thường” vì giá lương thực đã tăng đáng kể. Với hàng hóa chất đầy trên kệ, Walmart phải hạ giá hàng tồn kho.

Trong lúc đó, các nhà sản xuất trong đủ mọi ngành – từ ô tô cho đến smartphone – vẫn gặp rắc rối thu mua phụ tùng. Ông Pat Gelsinger, CEO Intel phát biểu gần đây: “Trên toàn nền kinh tế, các vấn đề về chuỗi cung ứng vừa hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu ở một số khu vực, vừa khiến hàng tồn kho tăng lên cao hơn mức bình thường ở những khu vực khác”.

Giang