|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ASEAN và các nước châu Á chạy đua với thời gian để 'cứu' thỏa thuận lớn nhất thế giới RCEP

15:03 | 18/09/2019
Chia sẻ
Quá trình đàm phán RCEP - thỏa thuận thương mại tư do lớn nhất thế giới, đã bắt đầu từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ vì sự bất hợp tác từ phía Ấn Độ và tranh chấp thương mại Nhật - Hàn. 2019 có thể là cơ hội cuối cùng để chốt thỏa thuận này.
1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Khi đồng hồ điểm 9h sáng tại Bangkok vào ngày 8/9, bộ trưởng từ 16 quốc gia đã được kì vọng sẽ cùng ngồi xuống để thảo luận chi tiết cho thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Là nước chủ trì cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay, Thái Lan mong muốn đạt tiến bộ rõ rệt để các bên có thể kí kết thỏa thuận RECP tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới.

2

Các hiệp định thương mại tự do tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm TPP 11, ASEAN và RCEP (đang thảo luận). (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Một Ấn Độ bất hợp tác

Tuy không có thời gian để lãng phí, cuộc họp lại bị trì hoãn hơn 5 giờ đồng hồ vì các đại diện tham dự đang bận rộn làm một việc: thuyết phục Ấn Độ.

"Có một số vấn đề mà một vài thành viên RCEP, đặc biệt là Ấn Độ, không hoàn toàn nhất trí và chúng tôi cần thêm thời gian để vận động họ", Nikkei Asian Review dẫn lời một quan chức Thái Lan cho hay.

Các cuộc đàm phán RCEP được công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2012 và bắt đầu vào năm 2013, qua đó đưa 10 thành viên khối Đông Nam Á ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Nếu được kí kết, RCEP sẽ là thỏa thuận thương mại tự do (FTA) lớn nhất thế giới với 3,5 tỉ dân và khoảng 1/3 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Như vậy, RCEP có thể vượt qua Liên minh châu Âu và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Ban đầu, quá trình đàm phán diễn ra rất chậm chạp nhưng dần tăng tốc kể từ năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc và các thành viên tham gia RCEP bắt đầu nhìn nhận bản thân là những người tiên phong cho chủ trương thương mại tự do.

Tuy nhiên, cánh cửa cơ hội có thể đóng lại rất nhanh giống như khi nó mở ra.

Singapore, Nhật Bản và một số nước khác đã hi vọng đạt được một "thỏa thuận ý nghĩa" vào cuối năm 2018. Chủ trì ASEAN hồi năm ngoái, Singapore đặc biệt muốn kí kết thỏa thuận RCEP do quốc đảo sư tử phụ thuộc lớn vào thương mại.

Tuy nhiên, sự ngần ngại mở cửa thị trường của Ấn Độ đã cản trở con đường đi đến thành công.

Bất ổn chính trị trong nước chỉ là một cái cớ?

Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin thân cận từng tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng hồi tháng 11 năm ngoái ở Singapore cho hay, phái đoàn Ấn Độ đã viện dẫn vấn đề chính trị trong nước và yêu cầu các bộ trưởng đưa ra tuyên bố cẩn trọng. Được biết, vào thời điểm đó Ấn Độ đang chuẩn bị tiến hành tổng tuyển cử cho năm 2019.

Thủ tướng Narendra Modi không muốn đánh mất sự ủng hộ của nông dân, doanh nghiệp chế tạo và các nhóm khác chỉ vài tháng trước cuộc bỏ phiếu.

Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đạt khoảng 54 tỉ USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019 và giảm thuế chỉ khiến thêm nhiều hàng hóa Trung Quốc tràn vào Ấn Độ.

3

Giá trị xuất, nhập khẩu của Ấn Độ với Trung Quốc qua các năm (đơn vị: tỉ USD). Nguồn: Nikkei Asian Review.

Các thành viên RCEP quyết định trì hoãn việc kí kết thỏa thuận đến năm 2019. Sau đó, Thủ tướng Modi đã thắng cử tuy nhiên lập trường của Ấn Độ không thay đổi nhiều.

Ấn Độ ngần ngại hợp tác cùng Trung Quốc

Ấn Độ đang phải chịu thâm hụt thương mại với Trung Quốc và tin rằng sự thâm hụt này là kết quả của việc tiếp cận thị trường hạn chế, không công bằng. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar tại Hội nghị thượng đỉnh về Đổi mới và Kinh doanh Ấn Độ - Singapore ngày 9/9.

Nhiều ngành nghề ở Ấn Độ như các nhà máy gang thép, trang trại bò sữa, công ty dược phẩm và nhà máy dệt may đều phản đối xóa bỏ thuế quan thông qua thỏa thuận RCEP.

Ông Shamshad Khan, một thành viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc (New Delhi), cho rằng trải nghiệm của Ấn Độ với FTA nhìn chung không mấy vui vẻ.

"Các số liệu thống kê về thương mại song phương với Nhật Bản, Malaysia, Singapore,...mà Ấn Độ đã kí kết thỏa thuận FTA cho thấy cán cân thương mại đã nghiêng về phía có lợi cho đối tác", ông Khan nói.

"Điều này tạo ra thái độ bất bình ở một số thành phần trong nước, cụ thể họ đề xuất chính phủ Ấn Độ nên xem xét lại các FTA cũng như tạm dừng các cuộc đàm phán tương tự hiện đang diễn ra".

"Lo ngại tương tự cũng đã xuất hiện quanh thỏa thuận RCEP", ông nói thêm.

Bắc Kinh không thể đi đường tắt

Sự chống đối của Ấn Độ đã khiến Trung Quốc thất vọng sâu sắc. Bắc Kinh thậm chí từng đề xuất một hiệp định thương mại mới chỉ với 10 nước ASEAN cùng Nhật Bản và Hàn Quốc. Tức là, hiệp định RCEP này không bao gồm Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tuy nhiên, Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á đã từ chối ý tưởng trên.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, có nhiều lí do để vội vã dàn xếp thỏa thuận. Bắc Kinh cho rằng một thỏa thuận với qui mô của RCEP sẽ cho thế giới thấy phe nào trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung mới thực sự cam kết mở cửa thị trường.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn muốn tăng cường ảnh hưởng kinh tế của họ trong khu vực trước khi khái niệm về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" mà Mỹ khởi xướng thu hút thêm sự chú ý.

Tuy nhiên, ông Pairat Burapachaisri của Phòng Thương mại Thái Lan, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong Hội đồng Kinh tế ASEAN, cảnh báo rằng các bên không thể đi lối tắt.

"Nếu tất cả thành viên không thể giải quyết bất đồng với Ấn Độ, RCEP sẽ không đạt được mục tiêu. Và nếu RCEP hoàn thành mục tiêu bằng cách bỏ lại Ấn Độ sau lưng, thỏa thuận này không còn có ý nghĩa gì nữa, bởi Ấn Độ là một thị trường lớn mà thế giới quan tâm".

4

Qui mô của RCEP (về GDP, dân số và thương mại) đã vượt qua TPP 11. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Đến năm 2050, tổng GDP của tất cả thành viên RCEP có thể đạt 250 nghìn tỉ USD, với Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 75% con số này, theo ước tính của PwC.

Quan hệ Nhật - Hàn là một điểm vướng mắc khác

Mặc dù vậy, Trung Quốc và Ấn Độ không phải là hai nước duy nhất đối chọi nhau. Tình trạng rạn nứt quan hệ ngoại giao và kinh tế ngày càng lớn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể làm gián đoạn tiến trình RCEP.

Tại cuộc họp của các bộ trưởng thương mại RCEP ở Bắc Kinh hồi đầu tháng trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee đã hai lần nêu lên vấn đề Nhật Bản loại Seoul ra khỏi danh sách đối tác thương mại đáng tin cậy.

Trong khi đó, ông Hiroshige Seko - Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản vào thời điểm đó, gọi động thái của bà Yoo là "cực kì đáng thất vọng" vì khẳng định của bà không liên quan đến quá trình đàm phán RCEP.

Nhật - Hàn không tiếp tục đụng độ tại vòng đàm phán mới nhất ở Bangkok, tuy nhiên Hàn Quốc có thể gặp khó khi tham gia một thỏa thuận mà Nhật Bản chủ trương kí kết vì điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội trong nước.

5

Căng thẳng Nhật - Hàn leo thnag. (Ảnh: AP)

Trước cuộc họp ở Bangkok, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết quá trình đàm phán đã hoàn tất 70%.

Sau đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại Jurin Laksanavisit lại không cho hay đàm phán đã tiến triển như thế nào mà chỉ khẳng định các nước, bao gồm Ấn Độ, đều cam kết kết thúc đàm phán vào tháng 11.

Nhiều nhà ngoại giao và nhà đàm phán nhận định, 2019 có thể là cơ hội cuối cùng để thực hiện thỏa thuận, ít nhất là trong thời gian tới.

Ghế chủ tịch ASEAN sẽ luân phiên theo thứ tự bảng chữ cái: Việt Nam sẽ đảm nhận trọng trách này vào năm tới, sau đó là Brunei và Campuchia.

Yên Khê