Hiệp định CPTPP, EVFTA: Tạo động lực dịch chuyển dòng vốn đầu tư
Bất động sản là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Huế.
Dịch chuyển dòng vốn
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các FTA đàm phán thành công sẽ đem lại lợi ích cho thu hút FDI không chỉ ở các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mới được ký kết cũng đã và đang tạo ra sức hút mới cho FDI vào Việt Nam.
Với các FTA vừa được ký kết với EU thì không chỉ có dòng vốn đầu tư có chất lượng từ EU sẽ gia tăng vào Việt Nam mà dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung từ các quốc gia khác cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.
Giới chuyên gia đánh giá, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã bắt đầu có sự dịch chuyển khi CPTPP, EVFTA và EVIPA được ký kết gần đây. Theo nhận định của ông Jean Jaques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam, khi EVFTA và EVIPA được thông qua dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào Việt Nam và xu hướng đầu tư chính của châu Âu vào là năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp và sản xuất thực phẩm.
Thực tế đã cho thấy từ đầu năm tới nay đã có rất nhiều nhà đầu tư, DN cam kết “đổ vốn” vào các lĩnh vực của Việt Nam như công nghiệp, du lịch…
Cụ thể, trong lĩnh vực du lịch, vào đầu tháng 7/2019, Tập đoàn Centara Hotels & Resorts (Thái Lan) đã tiết lộ kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam, với mục tiêu mở ít nhất 20 khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới trên khắp Việt Nam vào năm 2024.
Trong lĩnh vực công nghiệp, ông Martin Fethke, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ ô tô của Bosch tại Việt Nam cho biết, một trong những kế hoạch trọng điểm của Bosch tại Việt Nam là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào thị trường nội địa. Do đó, Bosch sẽ “rót” thêm 100 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để đầu tư nhà máy giải pháp truyền lực tại tỉnh Đồng Nai.
Từ trong nước, thông tin từ Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho biết, các FTA mới đã và đang tạo ra lực hút cho các nhà đầu tư vào cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam. Với lực hút đầu tư từ các FTA, Việt Nam đang có nhiều nhà máy sợi rất hiện đại.
Hàng loạt DN lớn từ châu Âu và Mỹ đã đầu tư dự án kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, hay các dự án dệt ở Bình Định, Nam Định... Ngoài ra còn có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Nga, Trung Đông đã đến Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ, liệu, dệt, nhuộm với các dự án lên tới hàng trăm triệu USD. Điều này cho thấy, lực hút từ các FTA rất tốt.
Tương tự, các FTA mới với các cam kết giảm thuế hấp dẫn vào các thị trường NK lớn trên thế giới cũng đang tạo động lực thu hút hàng loạt dự án đầu tư của các DN nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất da giày.
Điển hình ở Đồng Nai, gần đây Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy 100 triệu USD, công suất hơn 27 triệu đôi giày/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2020; tại Vĩnh Long, Công ty Bách Tỷ (thuộc Tập đoàn Lai Yih Footwear - Đài Loan) đã đầu tư một dự án sản xuất giày dép với tổng vốn khoảng 70 triệu USD.
Ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Italia tại Việt Nam cho biết, hiện đang có nhiều DN da giày của Italia đang tìm kiếm các cơ hội tại thị trường Việt Nam thông qua việc mở văn phòng, tìm kiếm DN hợp tác và có thể tiến tới chuyển giao công nghệ.
Bà Gabriella Marchioni Bocca, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất máy, thiết bị và công nghệ dành cho sản phẩm giày, đồ da và thuộc da của Italia (ASSOMAC) cũng cho rằng, DN Italia có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có kinh nghiệm trong phát triển thương hiệu…
Trong khi đó, các DN Việt Nam có lợi thế về lao động nên cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn. Việc tăng thu hút đầu tư, bắt tay hợp tác với đối tác nước ngoài sẽ giúp ngành da giày Việt Nam phát triển đội ngũ thiết kế, quản lý cấp cao, đặc biệt là chuyển giao dây chuyền sản xuất giày dép hiện đại nhất hiện nay.
Cải cách thể chế tăng tốc hút vốn FDI
Để thu hút đầu tư, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các DN nước ngoài khi đến Việt Nam như giảm thuế thuê đất, giảm thuế thu nhập DN, tạo thuận lợi trong các thủ tục…
Để đón dòng đầu tư từ các FTA mới, Việt Nam đang chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, để thu hút đầu tư chất lượng cao, Việt Nam cần đạt được tiến bộ nhanh chóng trong cải cách thủ tục hành chính.
Cụ thể, là một số thách thức về thể chế, chính sách, cơ chế quản lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các DN Việt Nam...
Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các DN Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh.
Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo phương thức đối tác công tư; Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, DN...
Ngoài ra, để có thể duy trì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về đầu tư, ông Kent Wong, thành viên Tiểu ban Pháp luật EuroCham cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, ưu tiên công cụ và dịch vụ kỹ thuật số cho các DN, giảm thiểu quy định về hồ sơ, giấy tờ nhằm tinh giản thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký rót vốn 20,22 tỷ USD vào Việt Nam. Vốn FDI rót nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 14,46 tỷ USD, lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 1,47 tỷ USD và thứ ba là bán buôn bán lẻ và sửa chữa ôtô, xe máy đạt 1,09 tỷ USD.