|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

7 lời khuyên hữu ích cho doanh nghiệp nhỏ hậu COVID-19

10:18 | 04/10/2020
Chia sẻ
Quan tâm những nhân viên giỏi, tiết kiệm tối đa, lắng nghe khách hàng là những việc sẽ giúp mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ thành công trong giai đoạn hậu suy thoái kinh tế.

Vào giai đoạn đại dịch COVID-19 đạt đỉnh với hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày, lệnh phong tỏa ngày càng kéo dài trên quy mô lớn, bạn từng có ý định dừng lại công việc kinh doanh, phải không? Nhưng mọi thứ đã qua đi và bạn đang có cơ hội làm lại mọi thứ.

Đã tới thời điểm các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có bước nhảy vượt trội và tận dụng giai đoạn bình thường mới để phát triển nhanh hơn bao giờ hết hoặc tụt hậu và 'chết yểu' do không thể thích nghi. Hãy vận hành những bánh răng trong hệ thống và thành công vào thời điểm khởi điểm.

Nếu bạn đang cần một số cảm hứng, các chuyên gia của Entrepreneurs đưa ra cho bạn 7 chiến lược dưới đây.

Tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm

Một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải trong thời gian qua là họ không có đủ tiền mặt trong ngân hàng khi thời điểm tồi tệ nhất diễn ra. Dù đó là công việc kinh doanh của bạn chậm lại hay cả nền kinh tế cùng suy thoái, bạn phải chuẩn bị sẵn sàng.

Một lời khuyên tiết kiệm càng nhiều càng tốt nghe có vẻ sáo rỗng và mơ hồ? Vậy hãy giữ tiền đủ chi tiêu trong 6 tháng trong một sổ tiết kiệm hoặc tài khoản riêng. Điều này có nghĩa là bạn phải có ít nhất 3.000 USD trong tài khoản nếu chi tiêu 1.000 USD/ tháng, bao gồm tất cả các chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, thực phẩm, điện nước, năng lượng, v.v.

Tương tự, bạn cũng phải có đủ tiền tiết kiệm để trang trải 6 tháng trả lương cho nhân viên, chi phí duy trì và vận hành doanh nghiệp, v.v... Nếu bạn không có đủ số tiền này trong tài khoản, hãy đánh giá lại cách doanh nghiệp đang hoạt động và phân bổ chi phí hợp lí hơn.

7 lời khuyên hữu ích cho mọi doanh nghiệp nhỏ hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chiến lược phát triển bền vững hậu suy thoái. Ảnh: Getty

Chăm sóc những nhân viên tuyệt vời 

Điều tốt nhất bạn có thể làm để duy trì hoạt động kinh doanh theo hướng tích cực là quan tâm đến những nhân viên thân thiết và gắn bó. Khả năng của một nhà lãnh đạo tốt là xác định được những ai có giá trị nhất và chăm sóc họ tốt nhất có thể.

Nếu bạn không ngừng chăm sóc những nhân viên tốt nhất, họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn và ở lại lâu hơn. Những nhân viên trung thành là điều tuyệt vời cho mọi doanh nghiệp, đặc biệt là bởi họ chính là đội ngũ sẽ tạo ra môi trường tuyệt vời cho khách hàng.

Chế độ đãi ngộ và văn hóa doanh nghiệp hấp dẫn sẽ giúp công ty của bạn được đánh giá cao hơn với sự thân thiện và nguồn cảm hứng bất tận. Để làm được điều này, hãy tận dụng lợi thế từ chính những con người tuyệt vời đang tới văn phòng mỗi ngày và cho họ thấy bạn quan tâm đến tương lai của họ ra sao.

Sa thải nhân viên kém

Không bao giờ là quá sớm để sa thải một nhân viên tồi. Dù tất cả chúng ta đều xứng đáng có cơ hội thứ hai nhưng bạn cũng nên biết rõ thời điểm tốt nhất để ra quyết định là khi nào.

Nhân viên tồi không phải là một vấn đề hiếm gặp. Họ cũng là những người đang tương tác với khách hàng và có ảnh hưởng nhất định trong đội ngũ của bạn. Vì vậy, hậu quả họ có thể đem đến là rất khó lường.

Tuy nhiên, với văn hóa của các nước Đông Nam Á, nhiều chủ doanh nghiệp đi vào một lối mòn về cách sử dụng nhân sự. Chúng ta có xu hướng giữ lại những người đã gắn bó với công ty từ ngày đầu tiên, bất chấp kết quả làm việc của họ xấu đi theo thời gian.

Chuyên nghiệp trong nhìn nhận và đánh giá nhân sự cốt cán chính là yếu tố cốt lõi trong quản lí và vận hành doanh nghiệp.

Nhìn nhận lại bản thân  

Nếu những trục trặc liên tiếp xảy ra và những yếu tố bên ngoài không như bạn mong muốn, chính bạn có thể là nguyên nhân tại sao. Vì vậy, giải pháp tốt hơn là bình tĩnh thở sâu và nhìn nhận lại bản thân trước khi đổ lỗi cho đồng nghiệp, cộng sự hay đối tác.

Khả năng lãnh đạo của bạn có yếu kém? Chế độ đãi ngộ nhân viên của bạn có vấn đề? Tâm trạng của bạn thường xuyên thất thường?

Ảnh hưởng của bạn ở nơi làm việc, từ phong cách lãnh đạo, nội quy cho đến cả tâm trạng, đều có tác động tích cực và tiêu cực đến toàn bộ mọi người và kết quả cuối cùng.

Đánh giá bản thân trước khi chỉ tay 5 ngón là một trong những kĩ năng lãnh đạo được rèn luyện từ rất sớm ở phương Tây nhưng chưa thực sự phổ biến tại châu Á. Vì vậy, vào lần tới, khi một nhân viên mắc lỗi, hãy thử nghĩ về cách bạn có thể truyền đạt những kỳ vọng của mình một cách kém hiệu quả.

Lắng nghe khách hàng

Khách hàng luôn đúng, ít nhất là trong phần lớn tình huống. Họ biết họ muốn gì và nhiệm vụ của bạn là giúp họ đạt được điều đó.

Khi doanh nghiệp của bạn phát triển, khách hàng của bạn sẽ cho bạn biết họ muốn gì thông qua các mạng xã hội, trao đổi trực tiếp với nhân viên,... Cốt lõi trong xây dựng quan hệ với khách hàng là phải giải quyết được mọi lời phàn nàn hoặc đề xuất tiềm năng.

Ngoài ra, hãy lưu ý nhân viên luôn ghi nhớ những gì khách hàng đã nói.

Tin tưởng vào trực giác

Trực giác dường như là thứ duy nhất bạn có thể dựa vào trong những quyết định chớp nhoáng và nó thường đi cùng với sự dũng cảm và liều lĩnh của một nhà khởi nghiệp.

Trong kinh doanh, bạn sẽ phải đưa ra rất nhiều lựa chọn. Đôi khi, bạn không có thời gian hoặc năng lượng để tìm hiểu sâu rộng mọi câu hỏi và vấn đề. Đó là thời điểm hoàn hảo để tin vào trực giác.

Từ đó, hãy tập trung thời gian và sức lực của bạn cho những quyết định lớn hơn và để trực giác dẫn dắt khi cảm giác nội tại thực sự mạnh mẽ.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Bí quyết lớn nhất để không kiệt sức vì khởi nghiệp chính là tách biệt giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Hoàn toàn tách biệt.

Đời sống xã hội sẽ thực sự cảm ơn bạn nếu bạn giữ công việc tại nơi làm việc và công việc kinh doanh sẽ phát triển nếu bạn không bận bịu nghe điện thoại của người nhà trong giờ làm việc.

Bạn cũng nên đảm bảo rằng tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp được tách riêng. Không bao giờ nên sử dụng tiền cá nhân cho doanh nghiệp. Dù đây là một lời khuyên khó khăn vào thời điểm công ty trên đà suy thoái nhưng nếu bạn không muốn một thất bại của riêng mình sẽ kéo theo toàn bộ gia đình vào cuộc thì hãy tỉnh táo.

Thu Phương