4 bước để biết ý tưởng kinh doanh khả thi hay không
Hiện nay, khoảng 100 triệu startup ra đời mỗi năm trên toàn thế giới, cơ hội để nảy ra một ý tưởng kinh doanh hoàn toàn độc đáo gần như là điều không tưởng. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn sở hữu một sản phẩm hay dịch vụ không hoàn toàn mới, bạn vẫn có thể mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng, tạo lợi thế hơn đối thủ cạnh tranh.
Những thách thức mới trong kỉ nguyên 4.0 đã buộc các doanh nghiệp lớn và nhỏ phải xoay quanh và thu hút nhu cầu mới của khách hàng. Các doanh nghiệp không thể hiện rõ ràng giá trị cho khách hàng mục tiêu có tuổi thọ ngắn ngủi. Và trong thời kì suy thoái kinh tế, sức chi tiêu giảm đồng nghĩa với việc một ý tưởng kinh doanh từng rất hiệu quả cách đây một năm có thể nhanh chóng thất bại.
Rich Vogel, nhà đồng sáng lập và Giám đốc tài chính của Loeb.nyc, tin rằng những nhà khởi nghiệp đầy tham vọng cần phải cân bằng giữa nhiệm vụ phục vụ người tiêu dùng trong thời kì khủng hoảng và đảm bảo giá trị bền vững của sản phẩm, tối thiểu trong vòng 5 năm tới.
"Các doanh nhân trẻ nên suy nghĩ về việc liệu đang kinh doanh nhờ những vấn đề của ngày hôm nay hay liệu sản phẩm của họ có còn được quan tâm sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt. Họ phải hiểu tiềm năng lâu dài của doanh nghiệp", ông chia sẻ.
4 yếu tố dưới đây có thể giúp bạn đánh giá lại lợi thế cạnh tranh của ý tưởng cốt lõi bạn đang áp dụng cũng như cách tận dụng nó tốt nhất nhằm đạt được lợi thế so với đối thủ cạnh tranh.
Giải quyết một vấn đề mới
Khi động lực thị trường thay đổi, hầu hết các nhà kinh doanh đều muốn tập trung vào những nhu cầu mới mà người tiêu dùng đang hướng đến. Về cơ bản, như trong bóng đá, bạn muốn chạy về hướng quả bóng đang lăn tới chứ không phải nơi quả bóng đang nắm.
Một trong những đặc quyền của các công ty khởi nghiệp là mô hình hoạt động linh hoạt, dễ dàng xoay vòng hơn các công ty lớn và theo dõi các xu hướng dễ dàng hơn.
Theo Accenture, xu hướng tiêu dùng đang nổi lên ở thời điểm hiện tại bao gồm ý thức mua sắm cao hơn, các nhà bán lẻ địa phương được ưa chuộng hơn và các công cụ kết nối công nghệ phổ biến hơn.
Với bối cảnh này, hãy nghĩ về những khó khăn khách hàng có thể gặp phải như chi phí hàng hóa bền vững quá cao, các nhà bán lẻ địa phương không cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà hoặc lo ngại về quyền riêng tư trực tuyến.
Vậy ý tưởng kinh doanh của bạn đang góp vai trò gì cho cộng đồng? Bạn có thể giải thích rõ ràng ý tưởng kinh doanh của mình và tại sao nó lại có giá trị trên thị trường không? Nếu bạn chưa thể hiểu ý nghĩa sản phẩm của mình, nguyên nhân có thể là do sản phẩm chưa thực sự phù hợp với thị trường ngách.
Hãy tinh chỉnh ý tưởng của mình bằng cách đặt mình vào vị trí của khách hàng mục tiêu. Đồng cảm với người mua tiềm năng, xem xét ý tưởng của bạn sẽ cải thiện cuộc sống của họ như thế nào và liệu mọi người có nên bỏ tiền mua nó hay không. Khi nói đến giá trị của doanh nghiệp, đừng ngại tận dụng trải nghiệm cá nhân.
Richard Singh, Giám đốc Điều hành Tăng trưởng tại Loeb.nyc, cho biết: "Một số doanh nghiệp tốt nhất được thành lập bởi những người thực sự gặp khó khăn. Họ đâm đầu vào một bức tường và tìm thấy giải pháp vượt qua".
Giải pháp mới cho vấn đề cũ
Một số công ty mới đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách giải quyết các vấn đề cũ theo cách tiếp cận hoàn toàn mới. Nhiều vấn đề của người tiêu dùng xung quanh việc kiểm dịch vẫn cần được giải quyết, nhưng họ mong đợi các doanh nghiệp đưa ra được giải pháp khác biệt.
Ví dụ, hầu hết người tiêu dùng tin rằng họ sẽ phải giảm chi tiêu mua sắm do thu nhập giảm. Giá cả là yếu tố nhạy cảm trong mọi hoàn cảnh và bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách đưa giá thấp hơn hoặc chế độ thanh toán linh hoạt hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Trong suốt thời kì dịch bệnh chạm đỉnh, chiến lược định giá thông minh đã được áp dụng để tạo lợi thế trong nhiều ngành. Microsoft Office 365 E1 miễn phí trong 6 tháng, Học viện CTO giảm hơn 80% mức phí đăng kí hàng năm và HubSpot giảm giá tới 50%.
Những chiết khấu này thu hút thêm người đăng kí và tạo cảm giác tích cực. Dù bạn có thể không đưa ra mức giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh nhưng bạn có thể tạo sự khác biệt bằng các dịch vụ thành viên thân thiết, hội viên mới cho phép người dùng được sử dụng không giới hạn sản phẩm với số lượng nhất định.
Ngoài ra, hãy thử thay đổi đề xuất và chiến lược kinh doanh để cung cấp thêm giá trị cho khách hàng như chào bán một sản phẩm truyền thống lên mạng hoặc cải thiện quy trình sản xuất và giao hàng nhanh chóng, an toàn hơn. Cách thức tiếp cận đạo đức cũng rất hiệu quả như sử dụng vật liệu tái chế hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có nguy cơ phá sản.
Đối với các sản phẩm B2B, việc chọn người đưa ra giải pháp chính là chìa khóa thể hiện giá trị thương hiệu. Nhiều bên tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm và mỗi bên có thể nhìn nhận vấn đề qua một lăng kính rất khác.
Giám đốc điều hành của Straight Talk Consulting, Dan Wheatley chia sẻ: "Hãy tự hỏi bản thân xem bạn đang giải quyết vấn đề cho ai. Người đưa ra quyết định cuối cùng về sản phẩm như một quản lí cấp trung có thể không gặp phải những vấn đề của người dùng".
Khởi đầu thuận lợi không?
Chỉ vì bạn có một giải pháp không có nghĩa là bạn có một khởi đầu vượt trội so với đối thủ cạnh tranh. Bạn cần có khả năng tiên phong cho ý tưởng của mình và quan trọng là ngăn cản được những kẻ sao chép. Điều này có nghĩa là bạn phải trở thành người dẫn đầu thị trường trong khi những người khác vẫn đang tìm chiến lược.
Đối thủ cạnh tranh có thể dễ dàng bắt kịp sản phẩm hay bạn sẽ là người duy nhất sở hữu mô hình hoạt động tốt nhất, tối thiểu là trong vài tháng? Nếu đối thủ cạnh tranh cốt lõi của bạn là những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính mạnh thì thời gian phát triển của họ sẽ ngắn hơn nhiều.
Vì vậy, bạn nên tập trung nguồn lực vào việc tinh chỉnh, phát triển và sản xuất. Dù sân chơi hoàn toàn không bình đẳng, bạn sẽ phải bảo vệ ý tưởng của mình theo cách hợp pháp và chính thống nhất thông qua quyền sở hữu trí tuệ hoặc nhãn hiệu.
Thời gian phát triển ý tưởng càng lâu, thì bạn càng có khả năng điều chỉnh sao cho phù hợp, đặc biệt là trong giai đoạn bình thường mới. Vogel tin rằng quá trình thích ứng nên được ưu tiên hàng đầu: "Bạn có thể thấy rằng ngay khi bạn đang làm sản phẩm A thì thế giới đã không còn cần A nữa mà đã cần tới X. Bạn nhận ra càng sớm thì bạn càng có nhiều thời gian để biến A thành X".
Liên tục tìm kiếm kết quả và phản hồi từ khách hàng (đặc biệt là phản hồi tiêu cực) ngay từ giai đoạn khởi đầu là điều hết sức quan trọng. Thu thập đủ dữ liệu để phát hiện ra giải pháp mới có thể trở thành vũ khí tốt nhất cho một start-up trong bối cảnh thị trường không ngừng thay đổi như hiện nay.
Bạn có mang 'khẩu vị mới' lên bàn ăn?
Tất cả 'tài sản vô hình' bạn đang sở hữu - mạng lưới quan hệ, kinh nghiệm cá nhân và nền tảng hiểu biết - chính là giá trị độc đáo nhất mà các đối thủ của bạn không thể sao chép. Nếu cần rút ra những gì mang lại lợi thế quyết định, hãy tự hỏi bản thân: Tại sao bạn lại là người tốt nhất để thực hiện ý tưởng này? Bạn đã chuẩn bị những gì vào thời điểm này?
Nhìn vào trải nghiệm, kết nối và tài nguyên bạn đã xây dựng trong nhiều năm qua, lập danh sách những con người và công cụ bạn đang có để bắt đầu trao đổi, cập nhật về sản phẩm, khai thác kiến thức chuyên môn của đội ngũ cộng sự sẽ giúp bạn tìm ra cách tốt nhất để phá vỡ khuôn mẫu và thực sự đổi mới.
Tom Foster, Giám đốc điều hành của công ty cung cấp protein thực vật Beyond Meat, lớn lên trong một trang trại và quen thuộc với các nhà cung ứng và kinh doanh nông nghiệp. Ông cũng biết rằng khí hậu là một trong những vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.
Nhờ tận dụng mạng lưới quan hệ và hiểu biết về quy trình nông nghiệp, ông đã cung cấp sản phẩm thịt thuần chay trên quy mô lớn. Trong vòng chưa đầy 10 năm, Beyond Meat được định giá hơn 10 tỉ USD.
Các doanh nhân khởi nghiệp trước khi nhận ra đầy đủ lợi thế cạnh tranh của họ sẽ phải vật lộn để có được động lực thực sự đúng đắn. Hãy bắt đầu hành trình bằng cách xác định giá trị độc đáo nhất và duy nhất mà bạn đem đến cho người tiêu dùng.