|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khó khăn chờ đón Delivery Hero khi trở lại thị trường giao món Việt Nam

17:37 | 18/09/2020
Chia sẻ
Tập đoàn giao món từ Đức cần phải làm nhiều việc nếu muốn đạt mục tiêu của họ tại thị trường Việt Nam khi đã phải rút vốn một lần trước đây.

Hiện tại, các ứng dụng giao đồ ăn ngày một phổ biến hơn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết rằng cách đây 8 năm, một ứng dụng với mô hình tương tự từng "suýt làm nên chuyện" ở thị trường Việt Nam với tên gọi Foodpanda nhờ sự hậu thuẫn từ cả Delivery Hero và Rocket Internet.

Foodpanda là một ứng dụng quốc tế xuất hiện lần đầu ở Việt Nam vào năm 2012, thời điểm các ứng dụng kết nối chưa phổ biến ở thị trường Việt. Ứng dụng nhanh chóng triển khai ra 5 tỉnh, thành trên cả nước.

Dòng vốn đầu tư vào Foodpanda tương đối phức tạp và rắc rối. Tới năm 2015, Foodpanda rút khỏi thị trường Việt Nam sau khi "bán thị phần bản địa" cho hãng giao đồ ăn gốc Việt là Vietnammm. Sau đó một năm, toàn bộ các thị trường còn lại của Foodpanda hoàn toàn thuộc về Delivery Hero từ Rocket Internet.

Khó khăn chờ đón Delivery Hero trong lần trở lại Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng - Ảnh 1.

Sau nhiều lần mua bán, sáp nhập, Delivery Hero đã quay trở lại thị trường Việt Nam với thương hiệu Baemin. Ảnh: Baemin.

Hồi đầu năm 2019, "kì lân" Hàn Quốc Woowa Brothers quyết định mua lại Vietnammm và triển khai Baemin tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng chưa đầy một năm, Delivery Hero lại thâu tóm chính Woowa Brothers, đánh dấu lần trở lại thị trường Việt Nam sau nhiều năm.

Khi tuyên bố "dừng cuộc chơi", Foodpanda cho rằng họ sẽ cần nhiều tiền để đi tới mục tiêu. Số tiền này vượt quá khả năng mà Foodpanda sẵn sàng đầu tư. Thay vào đó, hãng tuyên bố muốn tập trung vào các thị trường đã tạo ra lợi nhuận. 

Tuy nhiên, với lần trở lại này, Delivery Hero đang rất kì vọng sẽ tạo ra sự khác biệt. 8 năm trước, các ứng dụng kết nối, cả trên nền tảng website lẫn di động, đều chưa phổ biến như hiện tại. Ngoài phải cạnh tranh với các đối thủ trực tiếp, Foodpanda còn phải đối mặt với thách thức khác là định hướng thị trường. 

Về lịch sử của Baemin (tên gọi tại Hàn Quốc là Baedal Minjeok), thương hiệu giao đồ ăn bắt nguồn từ dịch vụ giao gà rán tại Hàn Quốc từ những năm 1950. Với lịch sử 70 năm, người dân Hàn Quốc đã quen thuộc với việc nhận giao món. Trong khi đó, các dịch vụ giao món mới xuất hiện ở Việt Nam không lâu. Đây là một thách thức lớn ở thời điểm đó.

Hiện tại, thị trường Việt Nam đã dần cởi mở và ngày một chấp nhận hơn các nền tảng giao món. Bằng chứng là bên cạnh Baemin, hàng loạt các ứng dụng khác vẫn đang "sống ổn", như GoFood, GrabFood, Now hay Loship.

Ngoài ra, thị trường giao đồ ăn Việt Nam có thể đạt giá trị 450 triệu USD vào cuối năm 2023, theo báo cáo của Kantar. Để giành thị phần này, các hãng giao đồ ăn sẽ phải cạnh tranh với nhau bằng các chính sách, đặc biệt là chính sách giá thông qua các chương trình khuyến mại.

Khó khăn chờ đón Delivery Hero trong lần trở lại Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng - Ảnh 2.

Baemin vẫn có phần thất thế khi so với các đối thủ cạnh tranh. Ảnh: Qandme.

Lần trước, Delivery Hero đã không đủ vốn để trụ tại thị trường Việt Nam. Lần này hành trình của tập đoàn Đức tại Việt Nam sẽ có một cái kết khác. Trong một phát biểu gần đây với Dealstreetasia, đại diện Baemin tuyên bố họ sẵn sàng đầu tư một lượng tiền lớn vào thị trường Việt Nam, ít nhất là ngang các đối thủ cạnh tranh.

Hàng loạt khó khăn đang chờ đón Baemin. Công ty TNHH Việt Nam MM, chủ sở hữu của Vietnammm (tiền thân của Baemin) đã có một năm tài chính không thật sự như ý, ít nhất về mặt kết quả kinh doanh.

Woowa Brothers thâu tóm Vietnam MM từ tháng 2/2019. Song 2019 là năm đầu tiên kể từ 2016 có mức lợi nhuận gộp âm (41,9 tỉ đồng). Trước đó, lợi nhuận gộp các năm của Vietnam MM tăng trưởng đều từ 12,5 tỉ đồng lên 25,6 tỉ.

Một khảo sát khác của Qandme vào tháng 5 cho thấy, Baemin đang là nền tảng giao đồ ăn xếp thứ 4 tại Việt Nam, xếp sau GrabFood, GoFood và Now.

Tiểu Phượng