Yêu cầu làm rõ việc TP.HCM, Hà Nội chậm cổ phần hóa
Cổ phần hóa DNNN: Cần biết 'làm hàng' và bán vốn khôn ngoan hơn |
Ngày 25-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018.
Điểm đáng lưu ý trong cuộc họp này là việc TP.HCM, Hà Nội cho đến nay vẫn chưa cổ phần hóa được DNNN nào. Trong khi đó, theo kế hoạch, TP.HCM phải thực hiện cổ phần hóa 39 DNNN, còn Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp. Dĩ nhiên, đây chỉ là hai điểm “điển hình” về việc cổ phần hóa DNNN chậm.
Theo Ban chỉ đạo tiến độ cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai và cần có nỗ lực lớn trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành cao nhất kế hoạch đề ra của năm 2018.
Cụ thể hơn, một số bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn như: Hà Nội, Bộ Xây dựng, Bình Định, Bắc Giang…vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu làm rõ nguyên nhân vì sao Hà Nội, TP.HCM đến nay chưa cổ phần được DN nào. |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần phải làm rõ nguyên nhân vì sao Hà Nội và TP.HCM chậm cổ phần hóa các DNNN theo kế hoạch như vậy và Ban Chỉ đạo cần có kế hoạch làm việc với TP.HCM để nắm tình hình.
Ông Huỳnh Trung Lâm, Phó ban chỉ đạo đổi mới DN TP.HCM trình bày rằng: việc chưa cổ phần hóa được DNNN nào là do Thành ủy TP.HCM yêu cầu “đợi họp có ý kiến phương án sắp xếp, về nội dung phương án đặc thù”. Mặt khác, Thành ủy cũng muốn giữ lại 100% vốn và có những DNNN muốn nâng tỷ lệ vốn nhà nước lên.
“Hôm nay, Ban thường vụ họp. Sau cuộc họp này sẽ có báo cáo”, ông Lâm cho hay.
Còn ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay: việc Hà Nội không cổ phần hóa được DNNN nào trong 6 tháng qua có nhiều khó khăn từ thực tế của từng DN và việc chuyển giao các chính sách cũng có độ trễ.
Ông Toản cũng cho rằng trong quá trình thực hiện, một số DN đề nghị Hà Nội trình Thủ tướng xem xét. “Có những công ty dù không thuộc ngành nghề nhà nước cần giữ tỷ lệ vốn chi phối nhưng vẫn đề nghị phải giữ vốn chi phối”, ông Toản nói và cho hay: Hà Nội đang rà soát từng DN để có phương án, trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước trong DN sau cổ phần hóa sao cho phù hợp với địa phương.
Toàn cảnh hội nghị sáng 25-7 về cổ phần hóa DNNN trong 6 tháng qua. |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng: năm 2016, Ban chỉ đạo đã có cuộc họp riêng với TP.HCM để xác định giai đoạn 2017-2018 cần phải làm gì. Phó Thủ tướng cho rằng ngay cả ở Trung ương cũng chỉ còn 16 DNNN cần cổ phần hóa. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình cổ phần hóa hiện nay không chỉ dừng lại ở số lượng các DN, mà điều quan trọng hơn là giá trị vốn.
Tổng kết về hai trường hợp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Hà Nội có 5 tổng công ty, đã cổ phần hóa được 1, giờ còn phải cổ phần hóa các tổng công ty như UDIC, HUD, Tổng công ty Du lịch Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội. Còn lại, chủ yếu tập trung vào việc cổ phần hóa 39 DNNN tại TP.HCM”.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/