|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Phó Thủ thướng: ‘Đề xuất chỉ phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức’

19:26 | 15/08/2019
Chia sẻ
Đây là ý kiến đề xuất của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 15/8 về vấn đề liên quan đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS thông qua hình thức phát hành trái phiếu.

Trong thời gian vừa qua, dư luận đã nói rất nhiều về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ với lãi suất phát hành lên đến 14-15%. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có đặt vấn đề: "Chính Phủ xử lí vấn đề này như thế nào để đảm bảo chúng ta huy động vốn một cách an toàn, tránh rủi ro cho các nhà đầu tư, khách hàng cũng như xã hội?".

luu-binh-nhuong

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Nguồn: News Zing

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành của trái phiếu doanh nghiệp là 116 nghìn tỉ đồng, tăng 74% so với cùng kì nhờ hiệu ứng tích cực của Nghị định 163.

Về cơ cấu, các ngân hàng thương mại sở hữu 31,6%; doanh nghiệp bất động sản khoảng 19% (tương đương 1 tỉ USD); công ty chứng khoán chiếm 3,5%; còn lại là các doanh nghiệp khác.

Xét về lãi suất, lãi suất huy động cao hơn lãi suất cho vay trung, dài hạn tại các ngân hàng từ 0,5-1%. Tuy nhiên, một số đợt phát hành của các doanh nghiệp BĐS có lãi suất lên đến 12-14%.

"Cá biệt nữa như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu là có doanh nghiệp phát hành với lãi suất 14,5%", Phó Thủ tướng nói.

pho-thu-tuong

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Nguồn: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng cũng dẫn ra một số hệ lụy từ vấn đề trên. Thứ nhất, điều này có thể gây ra rủi ro về đường cong lãi suất, phá vỡ đường cong lãi suất giữa trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất ngân hàng.

Thứ hai, các đợt phát hành chủ yếu phát hành riêng lẻ và công ty không đại chúng, tức là chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, chưa được đánh giá tín nhiệm. Trong khi đó, 6,1% nhà đầu tư là nhà đầu tư cá nhân, không có điều kiện để đánh giá các rủi ro.

Do đó, có thể gây ra rủi ro về thanh khoản cũng như rủi ro cho người đi mua những trái phiếu này.

"Vừa rồi lãnh đạo Chính phủ đã có buổi họp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan, chúng tôi cũng tiếp tục quán triệt về việc bắt buộc phải phát triển thị trường này", Phó Thủ tướng thông tin.

Việc phát triển phải được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chiến lược của thị trường chứng khoán và đề án tái cơ cấu công ty chứng khoán, nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho tín dụng ngân hàng.

Phó Thủ tướng cũng nói thêm: "Trong Luật chứng khoán đang trình Quốc hội thông qua, chúng tôi có đề xuất kiểm soát nghiêm ngặt điều kiện phát hành riêng lẻ, chỉ phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư có tổ chức thôi".

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ còn đề xuất quản lí chặt chẽ trong luật doanh nghiệp về việc phát hành riêng lẻ của các nhà đầu tư không đại chúng. Đồng thời, tăng cường các công tác hỗ trọ thông tin. Theo thông tin Phó Thủ tướng cung cấp tại phiên chất vấn, sắp tới đây Bộ tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra việc thực hiện Nghị định 163 và điểm nào chưa phù hợp phải sửa ngay.

Từ khoảng cuối năm 2018, các doanh nghiệp BĐS đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn. Điều này diễn ra trong bối cảnh van tín dụng vào bất động sản co hẹp lại.

Trong khi đó, thị trường có nhiều kênh huy động vốn vẫn còn dư địa như cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư nước ngoài,…

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào đầu tháng 4, lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS niêm yết đưa ra quan điểm, chênh lệch lãi suất vay ngân hàng và lãi suất trái phiếu dù có cao cũng không đáng quan ngại bởi đó chỉ là con số tuyệt đối, hiệu quả đầu tư như thế nào mới quan trọng.

Điều này chưa kể khoảng thời gian làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng kéo dài có thể gây ì ạch, làm chậm tiến độ dự án và điều kiện để vay vốn không hề đơn giản (phải có sổ đỏ).

Do vậy, những dự án có vòng đời ngắn muốn có dòng tiền nhanh thì trái phiếu vẫn là lựa chọn phù hợp của các nhà phát triển bất động sản trong giai đoạn hiện nay.

Nguyên Ngọc