|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Xung đột, cú sốc giá dầu và lạm phát cùng xuất hiện, chuyên gia lo sợ cơn ác mộng những năm 1970 tái hiện

08:19 | 10/10/2023
Chia sẻ
Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel đã thổi bùng ngọn lửa xung đột đã âm ỉ từ lâu ở Trung Đông và làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với những sự kiện tương tự thập niên 1970.

 

Binh lính Hamas vẫy cờ Palestine sau khi phá huỷ một xe tăng của Israel, ngày 7/10/2023. (Ảnh: Getty Images).

Lo sợ lịch sử tái diễn

Gần đúng 50 năm trước, cuộc chiến Yom Kippur và lệnh cấm vận dầu thô đối với các quốc gia ủng hộ Israel đã gây ra một cú sốc giá dầu, từ đó mở ra một thập kỷ “lạm phát đình trệ”.

Giờ đây, khi căng thẳng tại Israel leo thang, chiến lược gia vĩ mô Henry Allen của Deutsche Bank lo sợ lịch sử sẽ tái diễn.

“Bây giờ, khi nhìn lại những sự kiện vào thập niên 1970, chúng ta sẽ thấy một số điểm tương đồng đáng ngại. Hồi cuối tuần qua, cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã cho thấy rủi ro địa chính trị có thể quay trở lại một cách bất ngờ ra sao”, ông Allen bày tỏ trong một lưu ý mới.

Tăng trưởng kinh tế yếu kém và lạm phát cao dai dẳng là tình trạng chung trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng Mỹ, trong hầu hết những năm 1970.

Trong giai đoạn 1973 đến 1983, khi tăng trưởng GDP giảm tốc mạnh ở nhiều quốc gia, lạm phát trung bình toàn cầu đạt 11,3%, cao hơn ba lần mức trung bình của thập kỷ trước.

Mối lo của ông Allen là lạm phát có thể cao dai dẳng trong thập niên 2020. Trong lưu ý, vị chiến lược gia đã nêu ra một số lý do khiến ông bất an, từ mối đe doạ về một cú sốc giá dầu khác cho đến “tình trạng bất ổn công nghiệp” khi công nhân đình công trên quy mô lớn.

Tương tự với thập niên 1970

Theo ông Allen, điểm tương đồng rõ ràng nhất giữa hiện tại với những năm 1970 là việc giá năng lượng bật tăng mạnh mẽ, đặc biệt là giá dầu thô.

Trong thập niên 1970, thị trường từng chứng kiến hai cú sốc giá dầu lớn do chiến sự ở Trung Đông gây ra. Điều này đã khiến vấn đề lạm phát trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Cú sốc đầu tiên xảy ra vào tháng 10/1973, khi OPEC (khi đó có tên là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ Arab, hay OAPEC) cắt giảm sản lượng và áp đặt cấm vận lên một số quốc gia đã ủng hộ Israel chống lại liên minh các nước Arab trong cuộc chiến Yom Kippur.

Động thái trên của OAPEC đã khiến giá dầu nhảy vọt 300%, từ 2,9 USD/thùng lên 11,65 USD/thùng chỉ sau 4 tháng.

Tương tự, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cùng các biện pháp trả đũa phương Tây của Moscow, đã kéo giá dầu từ mức 80 USD/thùng vào đầu năm 2022 lên hơn 139 USD/thùng trong ba tháng.

Giá đã dần tụt xuống mức thấp khoảng 74 USD vào tháng 6 năm nay, nhưng tình trạng mất cân bằng cung - cầu đã kéo giá đi lên lần nữa. Cuộc chiến Hamas - Israel có nguy cơ sẽ tạo ra cú sốc giá dầu thứ hai, tương tự những năm 1970.

Năm 1979, cuộc cách mạng Iran đã làm tê liệt hoạt động khai thác dầu thô của Tehran, khiến sản lượng toàn cầu sụt khoảng 7%. Sau đó, chiến tranh Iran - Iraq bắt đầu vào năm 1980, dẫn đến việc sản lượng tiếp tục giảm.

Kết quả là, giá dầu thô từ dưới 10 USD/thùng vào đầu năm 1979 đã vọt lên 34 USD/thùng vào tháng 2/1981, theo Fortune.

“Các cú sốc nguồn cung này đặt ra những thách thức lớn cho nền kinh tế, cả trong những năm 1970 lẫn thời hiện nay, vì chúng vừa kéo lạm phát lên cao vừa đè nặng tốc độ tăng trưởng”, ông Allen giải thích.

Vị chiến lược gia lưu ý rằng đà tăng của giá dầu trong thời gian gần đây đã đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó bởi họ vẫn đang tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát giữa lúc tăng trưởng kinh tế yếu đi.

 

Tuy nhiên, chiến lược gia cấp cao Jonas Goltermann của Capital Economics cho biết ông không tin cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông sẽ tác động mạnh đến giá dầu như các cuộc chiến trong quá khứ.

“Xung đột giữa Hamas và Israel cần phải leo thang mạnh mẽ để tạo ra một cú sốc tương tự năm 1973. Khi đó, giá dầu tăng 4 lần chỉ trong vài tháng. Khả năng sự việc tương tự xảy ra lúc này là không lớn”, ông Goltermann nhấn mạnh.

Gạt khả năng xảy ra một cú sốc giá dầu khác sang bên, ông Allen của Deutsche Bank lưu ý rằng lạm phát hiện nay vẫn đang cao hơn nhiều mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương, giống như những gì đã xảy ra vào thập niên 1970.

Và, lịch sử có nguy cơ lặp lại. Các nhà kinh tế có vẻ đang hơi quá lạc quan về hướng đi của giá tiêu dùng trong thời gian tới. “Dự báo vào những năm 1970 cũng rất lạc quan, các chuyên gia đã đánh giá thấp lạm phát”, ông Allen cho hay.

“Bây giờ không phải là lúc để các ngân hàng trung ương tự mãn, kinh nghiệm từ những năm 1970 cho thấy những cú sốc bất ngờ có thể nhanh chóng kéo lạm phát lên cao một lần nữa”, ông cảnh báo.

Ngoài ra, số lượng công nhân tham gia đình công cũng đang gia tăng như những năm 1970. Hàng trăm nghìn diễn viên, nhà biên kịch, công nhân ô tô, nhân viên y tế,... đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để yêu cầu tăng lương nhằm bù đắp cho tác động của lạm phát trong vài năm qua. 

Trong những năm 1970 và đầu 1980, người lao động Mỹ từng thấy tiền lương của mình tăng 7, 8 hoặc 9% mỗi năm để bù đắp tổn thất mà lạm phát gây ra.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế tin rằng việc nâng lương đã góp phần làm trầm trọng hơn vấn đề lạm phát và giờ đây, họ lo sợ điều này có thể tái diễn.

Khả Nhân