Xuất khẩu tôm giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, tháng 1, trong tổng cơ cấu xuất khẩu tôm của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 68,1%, tôm sú chiếm 19,3% và tôm biển 12,6%. Xuất khẩu các sản phẩm tôm sú giảm mạnh nhất 36,5%, xuất khẩu các sản phẩm tôm chân trắng giảm 15% và các sản phẩm tôm biển giảm 6%.
Trong top 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam trong tháng 1, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ và Papua New Guinea tăng so với cùng kỳ năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường còn lại đều giảm.
Đáng chú ý, Papua New Guinea đã lọt vào top 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam (xếp thứ 9, chiếm 1,5% tỉ trọng). Tháng 1, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 2,8 triệu USD, tăng 1.358% so với tháng 1/2019 và tăng 108% so với tháng 12/2019.
Trong tháng đầu tiên của năm 2020, Mỹ đứng đầu trong danh sách các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu. xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng này đạt 37,9 triệu USD, tăng 7,7% so với tháng 1/2019.
Năm 2019, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định sang Mỹ nhờ kết quả thuế chống bán phá giá khả quan.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp tôm cho Mỹ, chiếm 10,7% tổng khối lượng nhập khẩu tôm vào thị trường này.
Năm 2019, tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm, Mỹ cũng giảm nhập khẩu tôm từ Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc. Trong khi, Việt Nam là nguồn cung ghi nhận kết quả tăng trưởng dương trong xuất khẩu tôm sang Mỹ, cùng với Ấn Độ, Ecuador, Mexico…
Năm 2019, nhu cầu tiêu thụ tôm nuôi tăng ở Mỹ thể hiện qua doanh số bán lẻ, doanh số bán tôm nuôi trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, nhà hàng cũng tăng.
Theo số liệu của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI), kể từ năm 2007, tôm luôn là mặt hàng thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ. Năm 2018, trung bình người Mỹ ăn 4,60 pao tôm, tăng 4,5% so với năm 2017.
Thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam là EU. Tháng 1, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 36,4 triệu USD, giảm 26,6% so với tháng 1/2019. Hiện tôm chân trắng đang chiếm 80% tổng cơ cấu sản phẩm tôm xuất sang EU, tôm sú chỉ chiếm 12%.
Các doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh xuất các sản phẩm tôm sú sang thị trường này. Hiện tôm sú hầu hết được nhập khẩu vào châu Âu như một sản phẩm cuối cùng, đóng gói và được phân phối trong các phân khúc đông lạnh của siêu thị hoặc cửa hàng bán buôn dịch vụ thực phẩm.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, VASEP khuyến nghị bên cạnh chờ đợi thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại, doanh nghiệp cần tìm kiếm mở rộng thị trường mới và phát triển thị trường nội địa, chủ động nắm bắt thông tin diễn biến dịch bệnh để có kế hoạch điều chỉnh sản xuất kịp thời.
Theo đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp, bởi khi có dịch bệnh, thói quen, văn hóa ăn uống của người dân sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp, hàng chế biến thay vì hàng tươi sống.
Bên cạnh đó, tính toán cơ cấu thị trường tiêu thụ và hướng đến việc đa dạng hóa thị trường, giảm áp lực xuất khẩu sang Trung Quốc.
VASEP kì vọng sau đợt dịch, nhu cầu tiêu thụ thủy sản, trong đó có tôm sẽ cao hơn.
Đối với sản xuất tôm, nếu tôm đã đến ngày thu hoạch, khuyến cáo người dân nắm bắt tình hình giá cả thị trường; nếu trọng lượng tôm chưa đạt, khuyến cáo chờ thêm thời gian để bình ổn thị trường; nếu người dân chuẩn bị thả giống thì nên thả thưa.