|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm dự kiến tăng hơn 12% trong năm 2020

14:56 | 24/12/2020
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt 3,78 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2019.

Xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay hoạt động tốt mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, ở cả các nước nhập khẩu và các nước nguồn cung.

Về sản xuất, diện tích tôm thả nuôi ước đạt 725.900 ha (đạt 99,43% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó tôm sú là 616.807 ha (đạt 99,48% so với kế hoạch năm 2020), tôm chân trắng là 109.093 ha (đạt 99,1% so với kế hoạch năm 2020). 

Sản lượng ước đạt 790.564 tấn (đạt 95,24% so với kế hoạch năm 2020) trong đó tôm sú đạt 254.382 tấn (đạt 90,2% so với kế hoạch năm 2020), tôm chân trắng đạt 536.182 tấn (đạt 96,17% so với kế hoạch năm 2020). 

Giá tôm nguyên liệu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ở mức cao so với các tháng đầu năm và tăng nhẹ do nguồn cung giảm, các nhà máy điều chỉnh giá thu mua để phục vụ nhu cầu xuất khẩu cuối năm.

Xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng ổn định ở thị trường Mỹ và các thị trường nhỏ hơn như Anh, Canada và Australia. Xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, EU , Hàn Quốc, mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng dương trong 11 tháng đầu năm, tuy nhiên cũng có những tháng sụt giảm. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch bệnh COVID-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khác nhau.

Tính tới tháng 11 năm nay, tôm chân trắng chiếm 72,5% tổng giá trị xuất khẩu tôm (từ 70,1% của cùng kỳ năm ngoái), tôm sú chiếm 15,5% (từ 20,4% của cùng kỳ năm ngoái), còn lại là tôm biển. 

Năm nay, tỷ trọng tôm chân trắng tăng trong khi tỷ trọng tôm sú giảm. Do dịch Covid vẫn căng thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào tôm chân trắng, size cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ, các sản phẩm tôm chế biến sẵn được ưa chuộng hơn so với các sản phẩm tươi/sống/đông lạnh. 

Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,7% trong khi xuất khẩu tôm sú đạt 532,6 triệu USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Các sản phẩm tôm chân trắng chế biến và tôm sú chế biến tăng lần lượt 14% và 24% trong khi các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú sống/tươi/đông lạnh đều giảm.

Mỹ là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 11 tăng trưởng tốt 37% so với tháng 11/2019. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 806,6 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Mặc dù Mỹ là tâm dịch COVID-19 của thế giới, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 11 tháng đầu năm nay.

Mỹ được coi là thị trường nhập khẩu tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm. Mặc dù nhu cầu giảm ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhưng nhu cầu nhập khẩu tôm nói chung của Mỹ vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.

EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Sau khi giảm trong những tháng trước đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt từ đầu quý III năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Tuy nhiên, tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU lại giảm. 

Nguyên nhân một phần có thể do làn sóng COVID-19 thứ hai xảy ra tại châu Âu với diễn biến ngày càng phức tạp.

Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 35,7 triệu USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 472,3 triệu USD, tăng 5,2%.

Sau khi tăng trưởng 2 con số trong tháng 9 và 10, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 11 lại giảm 21% đạt 42,8 triệu USD. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 496,8 triệu USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhu cầu tiêu thụ tôm nội địa của Trung Quốc giảm, nguồn cung tôm trong nước tăng, lo ngại coronavirus có liên quan đến một số sản phẩm thủy sản nhập khẩu cũng ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc. 

Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong một vài tháng tới có thể vẫn chưa thể hồi phục.

H.Mĩ