|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo có giữ được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023?

14:37 | 06/07/2023
Chia sẻ
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á giảm, nhu cầu vẫn cao.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo trong tháng 6 đạt 650.000 tấn, tương đương 383 triệu USD, giảm 10,5% về lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với tháng 6/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn, tương đương 2,3 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, TCTK, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Phillippines và Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng hai con số. Ngoài ra có một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng đột biến như Indonesia tăng 1.498%; Đài Loan tăng 142%; Senegal tăng 1.147%, Chilê tăng 4.120%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%...

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá trong bức tranh ảm đạm của xuất khẩu 6 tháng đầu năm, gạo được coi là diểm sáng khi nằm trong số ít các mặt hàng tăng trưởng dương và mạnh.

Những yếu tố như biến đổi khí hậu, El nino, xung đột Nga – Ukraine, các quốc gia tăng cường tích trữ và chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia đang tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của nước ta.

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu dự báo 6 tháng cuối năm, sản lượng gạo thế giới có thể giảm, tồn kho ở mức thấp, trong khi tiêu thụ gạo tăng nhẹ, điều này sẽ thúc đẩy giá gạo xuất khẩu.

Cuộc họp báo cáo về tình hình xuất khẩu gạo. (Ảnh: Hoàng Anh)

Còn theo ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu gạo của nước ta nửa cuối năm 2023 có khả năng sẽ tiếp tục chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn.

Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.

Ông Lê Thanh Hòa cho biết hiện các thị trường xuất khẩu gạo chính của nước ta vẫn đang tăng cường mua vào.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines sẽ nhập khẩu nhiều gạo hơn trong năm tới do nhu cầu tăng. Theo đó, tiêu thụ gạo của Philippines dự kiến sẽ tăng lên mức 16,5 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 so với 16,3 triệu tấn trong dự báo trước.

Thị trường Trung Quốc cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu gạo Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và tăng cường mua hàng Việt Nam. Hiện, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc, thị phần cũng cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia được dự báo sẽ tiếp đà tăng trưởng khi nước này dự kiến nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023.

Tương tự, Malaysia dự báo sẽ nhập khẩu bổ sung thêm 150.000 tấn để đảm bảo nguồn cung trong nước do nhu cầu năm nay dự báo cao hơn năm ngoái. Thông tin này được đưa ra sau cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm Malaysia với Công ty Padiberas Nasional Berhad (Bernas).

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 ở mức 512,5 triệu tấn, tăng 4,1 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 1,34 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Trong khi đó, tiêu thụ gạo toàn cầu đạt mức 521,4 triệu tấn, tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho gạo toàn cầu dự kiến giảm 8,9 triệu tấn xuống còn 173,5 triệu tấn niên vụ 2022-2023.

Thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.

USDA dự báo Việt Nam tiếp tục đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo với khối lượng 7,2 triệu tấn, tăng so với mức 7,05 triệu tấn của năm 2022. Xuất khẩu gạo của Việt Nam được nâng lên do xuất khẩu sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia cao hơn dự kiến.

Ông Lê Thanh Hòa nhận định triển vọng xuất khẩu gạo cuối năm được dự báo tương đối khả quan, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn một vài rủi ro.

Trong đó có yếu tố nguồn cung không ổn định trong năm do cơ cấu mùa vụ, sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn.

Liên kết tiêu thụ lúa gạo còn hạn chế, cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến lúa gạo thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng  trong quá trình bảo quản; giá vật tư đầu vào tăng  cao, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, lạm phát, tác động xung đột Nga - Ukraine, dự báo nắng hạn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, các nền kinh tế lớn liên tục thay đổi trong chính sách thương mại, hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ và xu hướng bảo hộ có thể tác động đến xuất khẩu gạo của nước ta.

“Kinh tế thế giới bất định, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến thương mại và gây khó khăn về đầu ra cho thị trường; giá cả biến động”, ông Lê Thanh Hòa nhận định.

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.