|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ tháng 5 cao gấp 160 lần so với cùng kỳ

10:27 | 30/06/2023
Chia sẻ
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 6.268 tấn, tương đương hơn 4 triệu USD, tăng 15.972% về lượng và tăng 12.864% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy tỷ trọng của thị trường này còn khiêm tốn trong xuất khẩu ngành gạo.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 5 đạt 724.609 tấn, tương đương 391 triệu USD, giảm 31% về lượng và 28% về trị giá so với mức kỷ lục vào tháng 4, song vẫn tăng 2% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,6 triệu tấn mang về kim ngạch 1,92 tỷ USD, tăng 31% về lượng và tăng tới 42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là kết quả tốt nhất của ngành gạo trong giai đoạn 5 tháng đầu năm từ trước đến nay. 5 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 529 USD/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng khả quan. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng trưởng mạnh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm nay.

Theo đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 5 đạt 2.027 tấn, tương đương 1,3 triệu USD, chiếm khoảng 33% lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này 5 tháng đầu năm. Chỉ riêng trong tháng 5 này, lượng và giá trị xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đã gấp nhiều lần cả năm 2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 6.268 tấn, tương đương hơn 4 triệu USD, tăng 15.972% về lượng và tăng 12.864% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy vậy, lượng gạo xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam 5 tháng đầu năm, tức khoảng 0,17% và kim ngạch chiếm 0,21%.

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh) 

Tại hội nghị Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 và định hướng điều hành kinh doanh gạo trong thời gian tới, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, những tháng cuối năm, giá lương thực tiếp tục biến động do các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi đang gia tăng.

Còn tại các nước châu Âu, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên, đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại.

“Việt Nam đang có lợi thế về nguồn cung sớm từ vụ lúa Đông xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo giá gạo Việt trong ngắn hạn vẫn ở mức tốt.

Thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu nên đầu ra thuận lợi. Vấn đề của ngành gạo năm nay là khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Nam nhấn mạnh.

Hoàng Anh