|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cà phê tháng 7 giảm về lượng nhưng đạt đỉnh nhiều năm về giá

08:30 | 13/08/2023
Chia sẻ
Khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất tính từ đầu năm tới nay theo đúng chu kỳ khi lượng tồn kho trong nước đang cạn dần. Tuy nhiên, giá cà phê vẫn đang duy trì ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Xuất khẩu cà phê hưởng lợi về giá bán

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của nước ta trong tháng 7 đạt 108.872 tấn, trị giá 307,9 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 18,4% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 7,6% về lượng nhưng tăng 14,1% về trị giá.

Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,1 triệu tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, do giá bán tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng 3,7% lên mức kỷ lục 2,7 tỷ USD.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Như vậy, tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam từ đầu niên vụ 2022 – 2023 đến nay (tháng 10/2022 đến tháng 7/2023) đạt 1,5 triệu tấn, giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với khối lượng xuất khẩu như trên cộng với nhu cầu tiêu thụ nội địa ước khoảng 200.000 tấn, tồn kho cà phê trong nước gần như đã cạn bởi theo ước tính của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) sản lượng cà phê của nước ta trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, giảm 10 - 15% so với niên vụ trước.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý III sẽ chậm lại do nguồn cung không còn dồi dào. Tuy nhiên, cà phê xuất khẩu sẽ được hưởng lợi về giá do thị hiếu tiêu dùng của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang cà phê robusta.

7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 2.418 USD/tấn.

Riêng trong tháng 7 vừa qua, giá xuất khẩu cà phê đã tăng lên mức kỷ lục mới là 2.828 USD/tấn, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng tới 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cũng vượt xa mức đỉnh 2.591 USD/tấn đạt được vào tháng 10/2022.

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Tại trong nước, giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên mức kỷ lục 67.200 – 68.000 đồng/kg trong ngày 9/8. Sau đó giá giảm nhẹ xuống còn 66.900 – 67.700 đồng/kg vào ngày 11/8, nhưng vẫn tăng tới 66 – 68% (26.600 – 27.300 đồng/kg) so với đầu năm nay.

Hoàng Hiệp tổng hợp

Còn trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta trên sàn giao dịch London sau khi giảm xuống mức thấp nhất ba tháng là 2.191 USD/tấn vào ngày 3/7, đã tăng mạnh trở lại lên mức 2.666 USD/tấn trong ngày 11/8 (tương ứng tăng 22%).

Trái ngược với robusta, giá cà phê arabica trên sàn giao dịch New York dao động quanh mức 157 – 166 US cent/kg từ đầu tháng 7 đến nay và đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 4.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê arabica giảm do chịu sức ép bởi vụ thu hoạch mới của Brazil đang diễn ra với tiến độ nhanh hơn năm ngoái.

Cơ quan khảo sát và dự báo mùa vụ thuộc Bộ nông nghiệp Brazil cho biết nước này đã thu hoạch 80% sản lượng vụ mùa, tăng khoảng 7,5% so với vụ trước, ước đạt 54,74 triệu bao do chu kỳ được mùa “hai năm một” của cà phê arabica.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh tháng 7 của Brazil đã tăng tới 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,7 triệu bao, theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe). Trong đó, robusta tăng gấp 3,4 lần với 505 nghìn bao; arabica tăng hơn 6,5% lên 2,2 triệu bao. 

Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB) mới đây đưa ra ước tính sản lượng cà phê arabica trên của Brazil trong niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 15,9% (5,2 triệu bao) so với niên vụ 2022-2023. Còn theo Trung tâm Nghiên cứu Cao cấp về Kinh tế Ứng dụng (Cepea), nông dân Brazil tin rằng sản lượng sẽ tăng hơn 30% trong niên vụ 2023-2024.

Trong khi đó, giá cà phê robusta tiếp tục được hưởng lợi bởi xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ cà phê giá thành cao sang cà phê có giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí sinh hoạt người tiêu dùng tăng cao. 

Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi thông tin nguồn cung cà phê robusta của Việt Nam đang cạn dần vào cuối vụ và tồn kho ở mức thấp. Trong tháng 7, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York đã giảm 2,9% xuống còn 0,6 triệu bao (loại 60 kg/bao). Trong khi tồn kho robusta trên sàn London giảm tới 29,4%, xuống còn 0,9 triệu bao.   

Mặc dù vậy, trong báo cáo mới đây ICO cho biết việc thu hẹp chênh lệch giá giữa cà phê arabica và robusta có thể tác động đến nhu cầu cà phê từ Việt Nam, với tỷ lệ pha trộn trong cà phê hòa tan quay trở lại hướng sử dụng tương đối cao hơn của arabica.

 Hoàng Hiệp tổng hợp 

Không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội

Mặc dù giá cà phê tăng cao nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được thời cơ của thị trường.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp FDI đã tăng 8,9% về lượng và tăng tới gần 19% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 381.400 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD.

Ngược lại, xuất khẩu của các doanh nghiệp vốn trong nước giảm 8,8% về lượng và 4,1% về trị giá so với cùng kỳ, đạt 735.404 tấn, trị giá hơn 1,6 tỷ USD.

Do đó, tỷ trọng của khối doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu cà phê của cả nước đã tăng lên mức 39% so với 34% của cùng kỳ, trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp từ 66% xuống còn 61%.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời là Phó Chủ tịch VICOFA, cho biết niên vụ 2022 - 2023 (bắt đầu từ 1/10/2022 đến 31/9/2023), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước không thể mua hàng vì “đói vốn” khi ngân hàng siết chặt tín dụng và lãi suất quá cao. 

Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nội địa đành đứng ngoài, dành sân chơi cho các ông lớn có thể mạnh về vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên theo ông Huy, việc tăng giá thời gian vừa qua cũng không có lợi cho doanh nghiệp FDI bởi họ đã giao hàng cho các nhà rang xay trước đó theo hợp đồng. Do đó, hàng tồn kho của các doanh nghiệp FDI năm nay cũng thấp hơn so với cùng kỳ các năm. 

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Các chuyến hàng đến EU giảm, trong khi những thị trường khác tăng mạnh

Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta trong 7 tháng đầu năm, chiếm hơn 38% tổng lượng xuất khẩu với 427.290 tấn, trị giá 984 triệu USD, giảm 8,8% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng kinh tế  giảm tốc, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng phần nào đến nhu cầu cà phê của thị trường này. 

Trong đó, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức giảm 8%; Tây Ban Nha giảm 23,4%; Bỉ giảm 51,1%... trong khi các chuyến hàng sang Italy tăng mạnh 27,5%, Hà Lan tăng 32,6%, Pháp tăng 21,6%... 

Xuất khẩu cà phê sang thị trường Anh cũng giảm 25,2% Philippines giảm 32,6%; Malaysia giảm 20,3%; Australia giảm 46,9%...

Trái khi đó, các chuyến hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 20,5%, đạt 86.546 tấn và chiếm 9,5% thị phần.

Ngoài ra, một số thị trường khác cũng tăng so với cùng kỳ năm 2022 như: Nga tăng 11%; Algieria tăng 87,4%; Mexico tăng 59,4%; Hàn Quốc tăng 18,3%; đặc biệt một số thị trường tăng trưởng ba con số như Indonesia tăng 171,9%; Chile tăng 161,2%...

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Hoàng Hiệp