Xử lý triệt để TCTD yếu kém phù hợp với cơ chế thị trường
Sáng nay (22/5), tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Phó Thủ tướng cho hay, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 đã đạt được kết quả bước đầu, giữ vững an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, việc triển khai phương án cơ cấu lại các TCTD yếu kém, xử lý nợ xấu và nợ đã bán cho VAMC còn nhiều khó khăn; năng lực quản trị điều hành của một số tổ chức tín dụng còn yếu, năng lực cạnh tranh thấp.
Chính phủ kiên quyết xử lý các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. (Ảnh minh họa). |
Theo đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và đang chỉ đạo kiên quyết xử lý các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Căn cứ Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD.
Đồng thời, Chí phủ sẽ hoàn thiện các phương án xử lý đối với các TCTD yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Trong đó, xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường, trên nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn hệ thống và quyền lợi của người gửi tiền. Củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân; xử lý dứt điểm các quỹ yếu kém, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Hơn nữa Chính phủ cũng khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện phương án cơ cấu lại từng TCTD.
Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Có cơ chế phù hợp thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.