|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điện thoại di động có thể trở thành vật cản đối với thành công của doanh nhân

00:11 | 07/02/2019
Chia sẻ
Nhiều doanh nhân khẳng định điện thoại di động có thể trở thành vật cản hành trình tới thành công nếu họ không đề ra những quy định nghiêm ngặt cho bản thân.

"Khi tôi thành lập công ty vào năm 2005, điện thoại di động vẫn còn là thứ hiếm, chứ chưa nói tới điện thoại thông minh. Hồi ấy tôi tiếp thị bằng áp phích, tờ rơi, quảng cáo trên đài phát thanh. Cứ sau 20h, tôi luôn tắt điện thoại để tập trung vào các sinh hoạt gia đình và thiền trước khi ngủ", Lương Hữu Thái, giám đốc một công ty thực phẩm, kể.

Điện thoại thông minh có thể khiến nhiều doanh nhân phân tâm

Anh Thái khẳng định trước khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến, những phiên bản "cục gạch" có bàn phím đã hỗ trợ đắc lực hoạt động kinh doanh của giới doanh nhân.

"Ngày nay, điện thoại của tôi rung lên hàng trăm lần mỗi ngày với những thông báo không quan trọng. Nếu không tự nghiêm khắc với bản thân, năng suất lao động của tôi sẽ giảm, ảnh hưởng xấu tới kết quả kinh doanh", anh tâm sự.

dien thoai di dong co the tro thanh vat can doi voi thanh cong cua doanh nhan
Nhiều doanh nhân tự đề ra quy định nghiêm khắc để không phân tâm bởi điện thoại di động. Ảnh: The Jakarta Post

Vị giám đốc độ tuổi tứ tuần kể rằng, đôi khi anh chỉ muốn lướt điện thoại vài phút để thư giãn, song vì quá nhiều thứ khơi gợi sự tò mò xuất hiện trên màn hình điện thoại, anh mải mê thao tác tới hàng giờ đồng hồ.

"Đó không phải là hành vi cố ý, song nó vẫn xảy ra. Vì thế, tôi thấy điện thoại thông minh là một trong những vật cản chúng ta tới thành công, đặc biệt là các doanh nhân trẻ", anh thừa nhận.

Hạn chế sử dụng điện thoại để duy trì sự tập trung cao độ

Là giám đốc một công ty về công nghệ, song Lê Anh Xuân, người đồng sáng lập công ty bảo mật 689 Cloud, rất hạn chế sử dụng điện thoại thông minh để có thể duy trì sự tập trung tối đa.

"Mấy năm qua, tôi không nhắn tin quá dài trong khung giờ làm việc, không lướt mạng xã hội. Tôi cũng chỉ trả lời các tin nhắn quan trọng bằng cách gọi điện thoại để trao đổi ngay, còn với những tin nhắn không quan trọng, tôi trả lời vào cuối khung giờ làm việc", anh Xuân kể.

Xuân nhận định phần lớn người sử dụng điện thoại thông minh thường nghĩ họ không dành quá nhiều thời gian cho điện thoại.

"Thời gian dành cho điện thoại thông minh sẽ trở nên cực lớn nếu chúng ta có thói quen kiểm tra mọi email và tin nhắn, xem và phản hồi mọi bài viết trên mạng xã hội, lướt qua dòng thời gian của người khác, trả lời những tin nhắn không quan trọng, xem livestream không liên quan tới bản thân, thường xuyên mở điện thoại mỗi khi nó rung", Xuân lập luận.

Ấn định thời điểm và khoảng thời gian xem điện thoại

Nguyễn Thị Bình Nguyên, giám đốc công ty truyền thông Kawaii, tiết lộ chị không bao giờ xem điện thoại khi vừa thức dậy bởi hành vi đó có thể thay đổi tâm trạng của chị theo hướng tiêu cực.

dien thoai di dong co the tro thanh vat can doi voi thanh cong cua doanh nhan
Việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại chẳng những làm giảm thời gian kinh doanh, mà còn khiến doanh nhân phân tâm. Ảnh: techspot.com

"Thông thường, tôi chỉ kiểm tra điện thoại lúc 11h sáng và quá trình đó diễn ra trong 15-20 phút. Trong khoảng thời gian ấy, tôi chỉ xem những thông báo quan trọng và lịch làm việc", Nguyên nói.

Nữ doanh nhân nói thêm rằng chị luôn đưa mọi công việc quan trọng lên điện thoại và cài chuông để không bỏ sót chúng.

Dùng các công cụ tự động hóa

Để xử lý các email và bài viết trên mạng xã hội, Nguyên dùng các công cụ tự động hóa. Nhờ chúng, chị không phải dành quá nhiều thời gian, trong khi vẫn tương tác kịp thời với khách hàng và những người khác.

"Với những doanh nhân cần tương tác với số lượng lớn khách hàng trên mạng xã hội, tôi nghĩ họ nên thuê một trợ lý để có thể tương tác thường xuyên và hiệu quả", Nguyên bình luận.

Dù ứng dụng các công cụ tự động hóa, doanh nhân vẫn nên dành một khoảng thời gian vào cuối ngày để trả lời các bài viết trên mạng xã hội và tin nhắn. Đó là quan điểm của anh Hồ Nghĩa Thứ, giám đốc công ty truyền thông OHSHO.

"Nếu không thấy nội dung khẩn cấp, tôi thường trả lời email, tin nhắn trong khoảng giữa 18h và 19h. Với những email hay tin nhắn mà tôi không kịp trả lời trước 19h, tôi sẽ trả lời chúng vào hôm sau", anh Thứ kể.

Xem thêm

Nhạc Dương

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.