|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

World Bank: Kinh tế thế giới sẽ giảm tốc năm thứ ba liên tiếp nhưng ‘rủi ro suy thoái đã giảm bớt’

08:18 | 10/01/2024
Chia sẻ
Mới đây, World Bank cho biết rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã dịu bớt, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục chững lại.

Bên ngoài một cửa hàng thời trang ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. (Ảnh: AP).

Bị đè nặng bởi lãi suất cao, lạm phát dai dẳng, thương mại suy yếu và một Trung Quốc đang chững lại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024.

Đó là bức tranh do World Bank phác hoạ. Hôm 9/1, cơ quan này dự báo nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 2,4% trong năm nay - giảm so với con số 2,6% trong năm 2023.

Ở các năm trước, khi nền kinh tế phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, tốc độ tăng trưởng GDP còn mạnh hơn. Cụ thể, nền kinh tế đã tăng trưởng 3% trong năm 2022 và 6,2% vào năm 2021.

Căng thẳng toàn cầu gia tăng, đặc biệt là từ cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Trung Đông cũng như từ cuộc xung đột ở Ukraine, có nguy cơ kéo tụt tăng trưởng, tờ Fortune thông tin thêm.

Các quan chức World Bank bày tỏ lo ngại rằng các nước nghèo nặng nợ có thể không đủ khả năng thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu và nghèo đói.

Ông Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của World Bank, cho hay: “Tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều quốc gia đang phát triển - đặc biệt là những nước nghèo nhất - mắc kẹt trong một cái bẫy: bị tê liệt bởi nợ nần và khó tiếp cận nguồn thực phẩm...”

Trong những năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã thể hiện được sự bền bỉ đáng kinh ngạc khi đối mặt với hết cú sốc này đến cú sốc khác: đại dịch, chiến sự Nga - Ukraine, áp lực lạm phát và gánh nặng của lãi suất cao.

World Bank cho biết thêm rằng nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng nhanh hơn 0,5 điểm % vào năm 2023 so với dự đoán hồi tháng 6 của các chuyên gia. Cơ quan này kết luận “rủi ro suy thoái đã giảm bớt”.

 

Dẫn đầu năm 2023 là nền kinh tế Mỹ. Siêu sường số một thế giới được dự báo tăng trưởng 2,5% vào năm ngoái, nhanh hơn 1,4 điểm % so với ước tính vào tháng 6 của World Bank.

Sang năm nay, World Bank ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1,6% do lãi suất tăng cao, làm suy yếu hoạt động vay vốn và tiêu dùng.

Kể từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 11 lần để cố gắng khống chế lạm phát. Hiện tại, lạm phát đã giảm về gần mức mục tiêu 2% của Fed và các quan chức ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất ít nhất ba lần trong năm 2024.

Theo World Bank, lãi suất tăng cao trên toàn cầu cũng đang giúp kiềm chế lạm phát. Cơ quan này cho biết lạm phát trung bình trên toàn thế giới sẽ giảm từ mức 5,3% năm ngoái xuống 3,7% vào năm nay và 3,4% vào năm 2025, mặc dù vẫn cao hơn mức trước đại dịch.

Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 4,3% vào năm 2025 - giảm mạnh so với mức 5,2% của năm 2023, World Bank cho hay.

Nền kinh tế tỷ dân từng là động lực tăng trưởng toàn cầu trong hàng thập kỷ nhưng đã chững lại trong vài năm gần đây. Thị trường bất động sản của nước này đang gặp khủng hoảng. Niềm tin của người tiêu dùng xuống thấp, tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ cao kỷ lục. Dân số của Trung Quốc cũng đang già hoá, có khả năng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Theo World Bank, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc có thể ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, chẳng hạn như những nhà cung ứng nguyên vật liệu thô cho quốc gia tỷ dân như Nam Phi và Chile.

Cũng trong dự báo mới nhất, World Bank cho biết nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay. Đây là một sự cải thiện khiêm tốn so với mức tăng trưởng 0,4% của năm ngoái.

Nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán tăng trưởng 0,9%, bằng một nửa tốc độ mở rộng vào năm 2023.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.